Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam: Lan tỏa phong trào nông dân làm giàu trong sản xuất nông nghiệp

Không còn cảnh "một nắng hai sương, chạy ăn từng bữa", nông dân Việt Nam đang dần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Hiệp ở thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh luôn tự tay chăm sóc từng luống rau. Ảnh: bacninh.gov.vn

Những tỷ phú "chân đất" xuất hiện ngày càng nhiều đã trở thành tấm gương, động lực cho các hội viên, nông dân nỗ lực phấn đấu...

Thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp

Dám nghĩ, dám làm là yếu tố đặc biệt quan trọng để nông dân quyết định thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang một mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Lựa chọn một sản phẩm nông nghiệp để kinh doanh không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình mà còn tạo được việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương.  

Ông Hoàng Công Điền ở xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình là một trong những nông dân điển hình mạnh dạn bỏ cây lúa đã gắn bó bao đời để chuyển sang nuôi gà sinh sản trên cát với quy mô lớn. Gia đình ông mở trang trại nuôi gà từ năm 2008 với quy mô 30.000 con. Tuy nhiên, nuôi gà trên cát mới được ông Điền áp dụng vài năm gần đây. Với cách làm này, thay vì nuôi nhốt trong chuồng, gà có sân chơi, không gian thoải mái với mật độ 10 - 12 con/m2. Nền chuồng được sử dụng hoàn toàn bằng cát nên việc thoát ẩm rất hiệu quả. Chính vì thế, gà tự do đi lại, bay nhảy nên thịt rắn chắc hơn.

Mỗi năm gia đình ông Điền xuất ra thị trường ở các chợ tại Hà Nội và một số chợ đầu mối trong tỉnh trên dưới 120 tấn gà, thu lãi từ 450 - 500 triệu đồng. Trang trại của gia đình ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.

Khác với chủ trang trại nuôi gà của ông Hoàng Công Điền, ông Bùi Thọ Thính, thôn Đông, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng lại rất thành công với mô hình nuôi ếch giống thương phẩm Thái Lan trên diện tích 12.000m2 đất chuyển đổi. Ưu điểm của giống ếch này là kích cỡ to, chất lượng thịt thơm ngon và đã được gia đình ông Thính nuôi hơn 10 năm nay. Mỗi năm gia đình ông xuất ra thị trường các tỉnh lân cận trên 1 triệu con ếch giống và 30 tấn ếch thịt. Cùng với ếch, cá rô đồng, trê ta, chép, ba ba và tôm nước ngọt là những vật nuôi mang lại cho gia đình ông thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Theo ông Thính, để thành công và làm nên thương hiệu cho riêng mình, trong kinh doanh, ông luôn bám sát phương châm “sản xuất giống tốt, giá thành hợp lý, không ngại chia sẻ kinh nghiệm”. Bên cạnh việc cung cấp giống, ông còn đứng ra bao tiêu sản phẩm của các mô hình liên kết. Ông Thính cho biết, thời gian tới, ông tiếp tục củng cố, mở rộng sản xuất đồng thời nâng cao chất lượng con giống cung ứng ra thị trường.

Lý giải về động lực khiến nông dân mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, các "lão nông" cho biết, đầu tiên là nhận ra được tiềm năng của địa phương như diện tích đất, thổ nhưỡng... rất thuận lợi cho việc chăn nuôi quy mô lớn. Bên cạnh đó, nhờ có sự tư vấn, khuyến khích và hỗ trợ của cán bộ Hội Nông dân, khuyến nông, ngân hàng trong việc học hỏi kiến thức, vay vốn ...

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Hòa cho biết, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần phát huy các nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hội viên, nông dân đã khai thác tốt tiềm năng về đất đai, lao động và nguồn vốn của gia đình để thay đổi phương thức sản xuất có quy mô, vươn lên làm giàu cho gia đình và cộng đồng.

Để phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi có sức lan tỏa mạnh mẽ, theo ông Nguyễn Văn Hòa, 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các ngành và doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức hơn 10.000 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho gần 1 triệu lượt người; tổ chức hàng trăm đợt cho cán bộ, hội viên đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm các mô hình sản xuất ở trong và ngoài tỉnh...

Giúp hội viên làm giàu

Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, nhiều cán bộ Hội Nông dân cấp cơ sở rất tích cực cống hiến trí tuệ, sức lực vì sự phát triển của cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Hiệp ở thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh khẳng định, gần 10 năm làm Chi hội trưởng Chi hội nông dân là khoảng thời gian làm việc có nhiều ý nghĩa đối với ông.

Ông Hiệp cho biết, Liên Ấp là thôn thuần nông với hơn 95% số hộ dân sống bằng sản xuất nông nghiệp. Nghề trồng rau có ở địa phương từ những năm 1970, tuy nhiên với cách làm truyền thống, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên bà con dù có nhiều nỗ lực nhưng cũng chỉ đủ ăn. Được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng chi Hội nông dân, ông Hiệp vận động bà con thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực tham gia các buổi tập huấn, dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi do Hội Nông dân tổ chức. 

Lúc đi vận động bà con, Chi hội trưởng Nguyễn Văn Hiệp gặp rất nhiều khó khăn do người dân hoài nghi về hiệu quả kinh tế, nhất là việc phải ghi chép nhật ký trồng rau nên rất ngại. Để chứng minh, ông dành 6 sào ruộng nhà mình trồng các loại rau an toàn theo mùa. Kiến thức, kỹ thuật học được ở các lớp dạy nghề trồng rau an toàn được ông áp dụng thuần thục. Chứng kiến giống rau phát triển tốt, tiêu thụ thuận lợi và cho thu nhập trên chục triệu đồng/sào/vụ, cao gấp nhiều lần so với cách trồng cũ, nhiều hộ trong thôn đã tìm đến học hỏi.

“Lúc đầu, bà con ngại tiếp cận cái mới, tôi đến từng nhà vận động, rồi bản thân tự làm trước. Bà con thấy mình “nói được làm được” sẽ dần dần nghe và làm theo”, ông Hiệp chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Đến năm 2011, thấy nhu cầu tiêu thụ rau an toàn trên thị trường khá cao, ông Hiệp tập hợp các hộ trong thôn tham gia Tổ hợp tác trồng rau an toàn thôn Liên Ấp do ông làm tổ trưởng. Ông điều hành từ khâu mua giống, lịch xuống giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch rồi kết nối với thị trường tiêu thụ.

Đến nay, Tổ hợp tác trồng rau an toàn thôn Liên Ấp có hơn 110 thành viên tham gia canh tác trên diện tích 20 ha. Bình quân mỗi năm, Tổ hợp tác đứng ra tiêu thụ từ 250 – 350 tấn rau, củ, quả các loại với giá cả ổn định cho các thành viên trong tổ. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất ran an toàn, nên sản phẩm nông nghiệp của Tổ hợp tác được tiêu thụ qua các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa Bắc Ninh tin dùng. Từ trồng rau an toàn, nhiều hộ có thu nhập khá giả. Trong Tổ hợp tác có gần 20 hộ có thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm.

Theo thống kê của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trong giai đoạn 2012 - 2017, phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã có sức lan tỏa rộng, thu hút được đông đảo các hội viên, nông dân tham gia. Bình quân hàng năm có hơn 6,2 triệu hộ nông dân đăng ký danh hiệu, chiếm hơn 55,3% so với tổng hộ nông dân cả nước.

Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân kiên trì vượt khó, năng động làm giàu và mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn thu hút hàng trăm lao động, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm...

TTXVN/Báo Tin tức
Giới thiệu nhân sự chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam
Giới thiệu nhân sự chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam

Các cấp Hội Nông dân Việt Nam từ Trung ương tới cơ sở sẽ tập trung để xây dựng Hội và giai cấp nông dân vững mạnh, thực hiện hiệu quả vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN