Theo khảo sát của phóng viên, chưa có tình trạng tăng giá “té nước theo mưa” tại các bến xe với các hãng xe khách lớn tại Hà Nội như Lương Yên, Giáp Bát, Mỹ Đình.
Bước xuống từ chuyến xe khách Nam Định về bến xe Giáp Bát - Hà Nội, hành khách Tiến Đạt (Tân Mai, Hoàng Mai) cho biết giá vé vẫn là 70.000 đồng, không có thay đổi gì so với mấy tháng trước.
Nhiều hãng taxi đang tính đến phương án tăng giá cước (Ảnh minh họa). |
Trao đổi với đại diện nhà xe, chúng tôi được biết hầu hết khách đi xe là khách quen nên nhà xe cố gắng giữ giá lâu nhất có thể. Thậm chí với những “khách hàng thân thiết”, giá chỉ còn 60.000 đồng/chiều. “Xe nhà tôi là xe không máy lạnh, có bắt khách dọc đường nên giá sẽ rẻ hơn các hãng xe khác”, đại diện nhà xe chia sẻ.
Còn đại diện nhà xe T.Đ (bến xe Lương Yên, Hà Nội) cho biết, mức giá xăng 16.500 đồng/lít như hiện nay là chấp nhận được. Nếu giá xăng vẫn giữ ở mức dưới 17.000 đồng/lít thì nhà xe sẽ không tăng cước phí vận tải.
Đại diện hãng xe du lịch Sài Gòn Sun (Hồng Hà, Hà Nội) cho biết, mức tăng giá xăng khá mạnh, tuy nhiên mặt bằng giá xăng đã duy trì ở mức thấp khá lâu nên chưa ảnh hưởng tới giá cả của các chuyến xe. Thực tế, giá mỗi km đối với xe 45 chỗ trở lên vẫn duy trì ở mức 10.000 đồng/km, những xe nhỏ có giá từ 6.000 - 10.000 đồng/km. Bên cạnh đó, giá xe còn được điều chỉnh tùy vào thời điểm, mùa du lịch hay các ngày cuối tuần.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cước vận tải chắc chắn sẽ phải tăng tuy nhiên doanh nghiệp đang cân đối tăng như thế nào cho phù hợp. “Hiện chưa thấy dấu hiệu tăng nhưng doanh nghiệp đang phàn nàn là họ kê khai giá nhưng lại không được phép tăng”, ông Thanh nói.
Trong khi đó, tâm lý chung của các hãng taxi lại đang “nóng lòng” muốn tăng giá. Theo một số lái xe taxi của các hãng Thanh Nga, Hương Lúa, Vic… các hãng hiện chưa tăng giá xăng nhưng khả năng sẽ tăng giá thời gian tới.
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết: “Các doanh nghiệp taxi hiện nay đều muốn tăng giá cước theo giá xăng vì giá xăng tăng nhiều sẽ ảnh hưởng tới đời sống của tài xế. Trong lần điều chỉnh này, doanh nghiệp taxi dự kiến sẽ tăng giá cước thêm 700 - 900 đồng/km, tức khoảng 8%”.
Cũng theo ông Bình, trong giai đoạn vừa rồi, giá xăng đã tăng nhiều lần nhưng giá taxi vẫn “đứng yên”. Do vậy, lần này chắc chắn giá cước sẽ tăng. Tuy nhiên các doanh nghiệp còn thăm dò động thái của nhau.
Giá xăng tăng liên tục thời gian qua là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng đáng kể. Trong tháng 5 vừa qua, nhóm giao thông có mức tăng mạnh nhất trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,15% so với tháng trước góp phần tăng CPI chung khoảng 0,21%.
Cùng với giá cước vận tải thì nhiều loại hàng hóa tiêu dùng được dự báo cũng sẽ tăng giá trong thời gian tới. “Sức mua hiện nay vẫn kém, giá nhiều mặt hàng ở mức cao vô lý. Do đó, giá xăng tăng chắc chắn sẽ tác động đến hàng hoá nhưng không nhiều vì còn phụ thuộc vào hàng hóa có bán chạy hay không”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định.
Ngày 21/3, giá xăng bán lẻ trong nước tăng giá lần đầu tiên của năm 2016 với mức tăng 670 đồng/lít. Tiếp đó, ngày 5/4, giá xăng tăng 518 đồng/lít; ngày 5/5, giá xăng tăng 646 đồng/lít; ngày 20/5, giá xăng tăng 243 đồng/lít. Gần đây nhất, ngày 4/6, giá xăng tăng thêm 680 đồng/lít. Như vậy, sau 5 lần tăng liên tiếp, giá xăng đã tăng khoảng 2.750 đồng/lít. |