Nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp vận tải hoàn toàn có thể giảm giá cước khi giá xăng dầu đang giảm mạnh. |
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), tính toán: Lấy giá cước taxi 5 chỗ tại TP Hồ Chí Minh hiện nay với mức giá là 14.500 – 15.500 đồng/km, xăng cấu thành khoảng 3.625 - 5.425 đồng/km (25 – 35% giá cước vận tải), khi xăng giảm 16,3% (so với trước ngày 4/7) mà giá cước chưa giảm, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng phải chịu thiệt hại khoảng 591 – 888 đồng/km. Như vậy, với hàng triệu người sử dụng dịch vụ vận tải thì số tiền thiệt hại về phía người tiêu dùng và tiền lợi nhuận của người kinh doanh sẽ không hề nhỏ.
“Giá cước vận tải hoàn toàn có thể giảm. Nếu giá cước không giảm thì hết sức vô lý và không thể chấp nhận được. Bởi so với trước ngày 4/7 giá xăng giảm 16,3%, dầu diesel giảm 17,23%. Với mức giá đó, giá cước vận tải phải giảm tương ứng”, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, cũng khẳng định.
Lý giải cho sự chậm trễ giảm giá cước, các hãng vận tải thường đưa ra nhiều nguyên nhân, như: khi xăng dầu tăng thì cước vận tải không tăng, cài lại đồng hồ phức tạp, cần phải có lộ trình… Đây là cách giải thích không thuyết phục, bởi trên thực tế, rất ít trường hợp xăng dầu tăng giá nhưng giá cước không tăng. Một câu hỏi khác cũng được đặt ra: Tại sao khi giá cước tăng, việc cài lại đồng hồ lại kịp thời mà không vướng vấn đề gì, nhưng khi điều chỉnh giảm thì bảo vướng, phức tạp?
Liên quan đến vấn đề có hay không các doanh nghiệp vận tải “bắt tay” nhau để làm giá, bà Phạm Quế Anh, Giám đốc Tổ chức Tín thác và Đoàn kết vì người tiêu dùng, khẳng định: Chi phí mỗi xe một khác nhau nhưng các hãng taxi thực hiện tăng giá cùng một ngày, cùng mức ấn định thì điều này chứng tỏ doanh nghiệp taxi có sự “bắt tay”. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, Luật cạnh tranh đang bị vô hiệu hóa trên thị trường vận tải. Nếu để các doanh nghiệp vận tải vào chung một thị trường thì thấy thị phần của từng doanh nghiệp không đáng là bao, nhưng chia nhỏ thị trường ra thì lập tức thị phần của các doanh nghiệp tăng lên rất nhiều. Tại TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 6 hãng taxi nhưng Vinasun chiếm 45% thị phần, Mai Linh 35% thị phần… “Trên thị trường cạnh tranh, doanh nghiệp được nhà nước trao quyền về giá. Mức giá không biết như thế nào hợp lý, người tiêu dùng có thể thấy mức giá hiện hành là cao nhưng doanh nghiệp thấy thấp, nên chăng giải quyết giá từ góc độ cạnh tranh”, bà Phạm Quế Anh nhấn mạnh.
Theo Hội Thẩm định giá Việt Nam, giá cước taxi tại Việt Nam đang cao hơn các nước khác trong khu vực. Nếu như tại TP Hồ Chí Minh giá cước taxi ở mức 14.500 – 15.500 đồng/km, tại Hà Nội là 11.000 – 13.900 đồng/km thì ở Bangkok (Thái Lan) chỉ 3.800 đồng/km, Manila (Philippines) chỉ 5.700 đồng/km, Jakata (Indonesia) chỉ 6.300 đồng/km… Đặc biệt, Singapore – một trong những thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới, giá cước taxi chỉ ở mức 8.700 đồng/km. |
Riêng về giải pháp hạn chế mức thấp nhất thái độ “dửng dưng” của doanh nghiệp vận tải từ việc giá xăng dầu giảm, ông Nguyễn Tiến Thỏa mong muốn người tiêu dùng phải tự bảo vệ quyền lợi của mình. “Đối với hợp đồng vận tải lớn cần phải có phụ lục khi nhiên liệu tăng - giảm, thay vì phải nghe theo doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nên công khai doanh nghiệp giảm giá tốt và doanh nghiệp chây ỳ để người tiêu dùng lựa chọn hoặc tẩy chay; đồng thời nhà nước cần tổ chức đánh giá lại hình thái thị trường để từ đó có cơ chế quản lý phù hợp hơn. Nghĩa là phải xử lý tận gốc, không để lập đi lặp lại hành vi phi thị trường”, ông Thoả đề xuất.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng thì “không thể phó thác cho cơ chế thị trường, trong khi chờ cơ quan quản lý can thiệp thì người tiêu dùng nên tẩy chay. Hội chưa hề phát động cuộc tẩy chay nào nhưng với doanh nghiệp vận tải chậm giảm giá cước theo giá xăng dầu thì phải thực hiện vũ khí lợi hại này. Các nước chống độc quyến rất tốt, đã đến lúc Việt Nam cũng phải áp dụng hình thức này”.