Tại cuộc họp về tình hình giảm giá cước vận tải bằng xe ô tô do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 22/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định, số lượng các doanh nghiệp giảm giá và mức giảm giá cước vận tải của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong thời gian qua chưa tương xứng với mức giảm giá xăng dầu.
Giảm giá kiểu “nhỏ giọt”
Các doanh nghiệp (DN) vận tải phải đăng ký giảm giá cước nếu giá xăng giảm 15%. Tuy nhiên, con số được Bộ Giao thông Vận tải công bố hôm qua sẽ khiến dư luận bức xúc, đó là, từ đầu năm đến nay, tuy giá xăng đã giảm 4 lần, tương ứng 16% (từ 16.400 đồng xuống còn 13.750 đồng/lít RON 92), song mới chỉ có 1/4 tuyến cố định giảm giá cước vận tải (978/4.000 tuyến) và 1/3 hãng taxi giảm giá cước (363/1.000 hãng)...
Các DN thường đưa rất nhiều lý do để không giảm giá cước. Theo Chủ tịch Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh Tạ Long Hỷ, các hãng taxi của TP Hồ Chí Minh đã giảm giá cước thấp nhất là 300 đồng/km và chiều tối 22/2 sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, bản thân các DN cũng chia sẻ là không hề muốn tăng hay giảm giá cước vì mỗi lần thực hiện thủ tục này, DN chịu chi phí cả tỷ đồng.
Ông Tạ Long Hỷ cho hay, giá cước vận tải chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố; trong đó nhiên liệu chỉ chiếm khoảng 25 - 35%, trong khi đó còn nhiều yếu tố khác trên thị trường đều tăng như lương cơ bản, bảo hiểm xã hội, các loại thuế, phí khác... và đặc biệt là giá đầu tư phương tiện tăng. Vì vậy, xã hội cũng phải có những đánh giá công bằng, khách quan chia sẻ cùng DN.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, lần giảm giá xăng trước Tết Bính Thân, đã có khoảng hơn 40% DN vận tải khách đăng ký giảm cước. Mức giảm giá cước của các DN không đồng nhất, từ 2 - 11% là do nhiều DN trước đây không tăng giá cước khi xăng tăng giá, nên bây giờ chỉ giảm ở mức “nhỏ giọt”. Đối với loại hình vận tải taxi, chỉ có số ít DN thực hiện giảm giá, với mức giảm từ 2 - 7%. Nhiều DN taxi lớn như Mai Linh, Group... vẫn tiếp tục “cố thủ” giá cước cũ, chỉ có các hãng nhỏ như Tiến Thành, Đại Nam, Thường Tín, Sông Hồng... chịu kê khai giảm giá.
Lãnh đạo DN Taxi Thành Công (Hà Nội), ông Nguyễn Anh Quân cho hay: Do phải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thông báo giảm cước và phải được liên Sở Tài chính - Sở GTVT thông qua, nên phải đến đầu tháng 3/2016, DN mới có thể giảm giá cước taxi. Thêm vào đó, DN không thể chạy theo sự tăng giảm quá ngắn (15 ngày) của giá xăng dầu, vì còn liên quan đến thủ tục, đến chi phí để in ấn, kẹp chì lại đồng hồ...
Nhiều DN taxi còn cho rằng, nếu tiếp tục giảm, giá cước taxi sẽ không thể cạnh tranh được với giá cước của Ubertaxi hay Grabtaxi. Trong khi các loại hình taxi công nghệ trên chẳng tốn đồng nào để thay đổi đồng hồ, kiểm định, xác định giá hoạt động, thì các DN taxi truyền thống bình quân phải mất từ 500.000 - 600.000 đồng/xe/lần để điều chỉnh.
Việc chây ì không giảm giá cước hoặc giảm giá kiểu nhỏ giọt đang khiến cho thị trường vận tải có sự không công bằng giữa các DN vận tải. Bên cạnh đó, quyền lợi của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Bùi Danh Liên cho hay: Tôi không thể chấp nhận phương án các hãng taxi dự kiến chỉ giảm cước 300 đồng/km. Khi giá xăng giảm rất mạnh, các doanh nghiệp taxi vẫn cố thủ dựa vào lý do này, nguyên nhân kia là điều không công bằng cho thị trường và người dân."Người dân không quan tâm cách các DN tính toán giảm bao nhiêu mà quan tâm đến kết quả cuối cùng là giá xăng giảm sâu như vậy, các DN có chịu giảm cước thật hay chỉ giảm nhỏ giọt để chống đối. Giá xăng dầu, giá đầu vào cho vận tải giảm mạnh, trong khi các hãng taxi liên kết với nhau để giữ giá, làm giá là không được", ông Liên nói.
Siết chặt các quy định
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay: Liên ngành Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Vụ Vận tải (Bộ GTVT) - Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) sẽ tiếp tục lập đoàn thanh tra để thúc ép các DN vận tải giảm giá cước. Đồng thời, Tổng cục đang xây dựng dự thảo quy định pháp luật để xử lý các DN theo hướng: Khi xăng dầu giảm ở mức độ nào đó, DN bắt buộc phải kê khai giảm giá cước và khi DN kê khai lại giá có thể triển khai giảm giá ngay, không cần chờ chấp thuận của cơ quan quản lý như hiện nay.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, xăng dầu chiếm 1/3 trong cơ cấu giá cước vận tải nên về nguyên tắc, giá xăng dầu giảm bao nhiêu thì giá cước vận tải phải giảm tương ứng. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã giảm trên 15% mà cước vận tải chưa giảm là điều bất hợp lý. Thực tế hiện nay, cơ quan quản lý giá chủ yếu dựa vào cảm tính mà chưa có một “barem” chuẩn để khi giá xăng dầu tăng hay giảm đến một mức nào đó thì giá cước vận tải phải là bao nhiêu, khiến các cơ quan quản lý giá còn lúng túng mỗi khi có biến động giá xăng dầu. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần phải xử phạt vi phạm của các DN vận tải có thị phần lớn trên thị trường, buộc họ giảm giá cước, làm gương cho các DN có thị phần nhỏ.
Để xử lý dứt điểm các DN chây ì, ngày 22/2, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT đã trực tiếp yêu cầu Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, các hiệp hội vận tải ô tô địa phương cần nhận thức việc giảm giá cước vận tải khi giá nhiên liệu giảm là trách nhiệm đồng thời cũng là văn hóa kinh doanh của DN. Do đó, các hiệp hội cần chủ động phối hợp với các DN thành viên để minh bạch hóa giá cước cho người dân biết.
Hiện nay, có nhiều DN taxi “vin” vào cớ phải làm các thủ tục tuần tự lên các cơ quan sở, ngành, khi được chấp thuận cũng cần thời gian hiệu chỉnh đồng hồ, làm thủ tục đăng kiểm... Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành quy định về thủ tục kê khai tăng giảm giá cước với thủ tục nhanh hơn, thậm chí có thể áp dụng cho nộp hồ sơ điện tử trước khi hoàn thành các thủ tục khác, đồng thời cam kết ban hành quy định quản lý giá cước vận tải ngay trong tháng 3 tới.