Theo kế hoạch ban đầu, OPEC+ sẽ tổ chức cuộc họp vào lúc 1300 GMT ngày 1/12 (20 giờ tối cùng ngày theo giờ Việt Nam). Nhưng cuộc họp sau đó đã được hoãn lại.
OPEC+ đã cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2020. Song vì nhu cầu năng lượng vẫn thấp do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, OPEC+ đang xem xét gia hạn mức cắt giảm tương đương 8% nhu cầu thế giới sang những tháng đầu năm 2021, thay vì giảm xuống 5,8 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021. Các nguồn tin cho biết đây là một quan điểm được Saudi Arabia ủng hộ.
Sau khi các cuộc tham vấn hôm 29/11 không đi đến một thỏa thuận, các nguồn tin tiết lộ Nga đã đề xuất OPEC+ bắt đầu tăng sản lượng thêm 0,5 triệu thùng/ngày kể từ tháng Giêng năm tới.
Tình hình trở nên phức tạp hơn sau khi Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) cũng báo hiệu rằng họ sẽ sẵn sàng hỗ trợ việc tăng sản lượng, nhưng chỉ khi các thành viên cải thiện sự tuân thủ đối với kế hoạch cắt giảm hiện hành.
Bên cạnh đó, ba nguồn tin OPEC cũng tiết lộ Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho biết tại cuộc họp hôm 30/11 rằng ông sẽ từ chức đồng Chủ tịch một ủy ban giám sát cấp bộ. Hiện vẫn không rõ tại sao ông đưa ra quyết định trên.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết sự khác biệt giữa Nga và OPEC không còn nghiêm trọng như vào đầu năm 2020, khi những bất đồng dẫn đến sự sụp đổ trong các cuộc đàm phán và khiến sản lượng dầu tăng vọt.
Tuy nhiên, ông Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin không có kế hoạch gặp nhà lãnh đạo của Saudi Arabia trước cuộc họp OPEC+, một động thái đã từng giúp giải quyết tranh chấp giữa hai bên.
OPEC+ phải đạt được một sự cân bằng mong manh giữa việc đẩy giá lên đủ để có lợi cho ngân sách của họ, nhưng không quá nhiều để sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng vọt. Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có xu hướng tăng khi giá dầu lên trên ngưỡng 50 USD/thùng.