Năm 2015, thị trường bán lẻ trong nước đón nhận luồng đầu tư mới từ nước ngoài khi Việt Nam cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài. Cũng trong năm này, khu vực kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực cho phép các dòng tài nguyên, hàng hoá, vốn, nhân lực... di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối; đặc biệt có khoảng 10.000 loại hàng hoá từ các nước thành viên được loại bỏ hoàn toàn thuế quan. Đây thật sự là thách thức cho các doanh nghiệp (DN) nội địa khi phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Cuộc “đổ bộ” của các nhà đầu tư Trên thực tế, không cần đợi đến ngày AEC có hiệu lực, các DN bán lẻ nước ngoài đã có nhiều hoạt động bước chân vào thị trường Việt Nam - một trong 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất châu Á. Năm 2014 được đánh dấu bằng sự kiện khai trương trung tâm thương mại (TTTM) lớn nhất và đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh của tập đoàn Aeon (Nhật Bản) với 88.064m2 diện tích sàn, mở đầu cho mục tiêu 20 đại siêu thị ở Việt Nam. Trong khi đó, Tập đoàn Lotte từ Hàn Quốc lên kế hoạch đưa 60 siêu thị vào hoạt động đến năm 2020. Sự kiện thu hút sự chú ý nhất là tập đoàn Vingroup mua lại chuỗi siêu thị của Ocean Retail Group trong tháng 10 và đổi tên thành VinMart Retail Group. Với thương hiệu mới này, Vingroup đặt kế hoạch xây dựng mới hoặc mua lại 100 siêu thị VinMart và 1.000 cửa hàng tiện lợi đến năm 2017. Vingroup cũng dự tính sẽ xây dựng thêm 9 TTTM trên cả nước.
Việt Nam đứng thứ 2 trong số 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất châu Á năm 2014. |
Trong đó, chỉ riêng Thái Lan đã có nhiều tập đoàn lớn bước chân vào Việt Nam như CP Group, Berli Jucker (BJC) và mới nhất là nhà bán lẻ hàng đầu Central Group. Hầu hết các nhà bán lẻ Thái Lan nhận định, thị trường Việt Nam có những nét tương đồng với Thái Lan, dễ xâm nhập và họ vốn có rất nhiều kinh nghiệm, ngay cả về việc phát triển sản phẩm ở thị trường này. “Ở nhiều địa phương, các nhà sản xuất nhỏ có kinh nghiệm và làm ra những sản phẩm tốt, vấn đề là họ không biết làm thế nào để thương mại hóa sản phẩm, đóng gói cho hấp dẫn. Chúng tôi đến để giúp họ làm những việc này, đem sản phẩm ra thị trường. Chúng tôi không có ý định đem sản phẩm Thái Lan đến Việt Nam. Tại mỗi địa phương, mỗi đất nước, chúng tôi sẽ có kế hoạch phát triển riêng những sản phẩm của chính đất nước đó”, ông Philippe, Giám đốc điều hành Central Group, cho biết.
Với chiến lược này, đây thật sự là cơ hội cho các DN sản xuất trong nước khi các nhà bán lẻ nước ngoài vẫn có kế hoạch phát triển riêng sản phẩm của Việt Nam; đồng thời đó cũng là cơ hội lớn cho người tiêu dùng khi có thêm nhiều hàng hóa để lựa chọn với giá cả cạnh tranh. Bởi Việt Nam đang ở thời kì dân số vàng với 42% dân số ở dưới độ tuổi 25. Theo dự tính của hãng nghiên cứu Statista (Đức), thị trường bán lẻ của Việt Nam có thể lên tới 100 tỉ USD/năm vào năm 2016. Báo cáo gần đây nhất của Công ty TNHH CB Richard Ellis (CBRE) Việt Nam cũng xếp thị trường bán lẻ Việt Nam đứng thứ 2 trong số 10 thị trường hấp dẫn nhất châu Á năm 2014. Chính vì thế, trong năm 2015 này, DN bán lẻ Việt Nam bước vào sân chơi cạnh trạnh khốc liệt hơn.
Thay đổi để cạnh tranh Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh cơ hội thì vẫn có nhiều thách thức. Bởi trong thời gian qua, các DN Việt thường chú trọng phát triển thị trường nước ngoài mà quên mất thị trường nội địa. Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 8.500 chợ, trên một triệu cửa hàng quy mô nhỏ và mới chỉ có 724 siêu thị, 132 trung tâm thương mại (TTTM), 400 cửa hàng tiện ích. Như vậy, tiềm năng phát triển mở rộng thị trường bán lẻ ở cả địa bàn nông thôn lẫn thành thị là rất lớn. Tuy nhiên, khi DN nước ngoài bắt đầu ồ ạt “tấn công” vào thị trường bán lẻ tại Việt Nam thì DN trong nước mới nhận thấy đang bỏ lỡ cơ hội trên sân nhà.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sân chơi này sẽ không dành cho kẻ yếu. Câu chuyện TTTM Parkson LandMark tại Hà Nội đóng cửa vào đầu tháng 1 mới đây để cắt lỗ cho thấy, nếu DN không có tầm nhìn xa, nội lực đủ mạnh thì khó có thể trụ vững trong giai đoạn khó khăn để đón đầu cơ hội trong tương lai. Ông Văn Tràng, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty sản xuất - thương mại- xuất nhập khẩu Vĩnh Thuận (TP Hồ Chí Minh) thừa nhận: “Hiện thị trường bán lẻ trong nước rất bấp bênh vì các tập đoàn nước ngoài vào bán. Ngay cả việc đưa hàng về nông thôn để tìm tiềm năng ở người tiêu dùng vùng sâu vùng xa mà DN trong nước bỏ quên thì tập đoàn nước ngoài vẫn thấy được”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, kinh tế Việt Nam 2015 có thể chưa thật sự khởi sắc như mong đợi nhưng đã vượt qua giai đoạn khó khăn, 3 năm tới sức mua sẽ tốt. Chính vì vậy, dù các mô hình TTTM phức hợp, các nhà bán lẻ hàng hiệu… kinh doanh tại thời điểm này có ế ẩm, nhưng vẫn mang lại sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư do tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam rất lớn, đầu tư giai đoạn này là phù hợp. DN bán lẻ nội địa nên nắm bắt cơ hội nếu có chiến lược tốt, huy động được nguồn vốn và sẵn sàng cho cuộc chơi lớn.
Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020, cả nước có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị. Số TTTM và trung tâm mua sắm cũng tăng lần lượt lên 180 và 157 điểm. Dự báo, đến năm 2020, tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại sẽ chiếm 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa. |
Trước sức ép cạnh tranh cũng như nắm bắt cơ hội, DN trong nước đang tìm cách vận động, đổi mới hệ thống phân phối như quảng bá và làm thương hiệu, đa dạng hóa hình thức bán lẻ, thay đổi phương thức sản xuất… Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, vấn đề là phải làm cho DN Việt mạnh lên, có như thế DN bán lẻ mới mạnh lên. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm hơn đến cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh. Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nhưng lớn nhất là thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường bán lẻ và thiếu đi một nhạc trưởng trong từng mảng kinh doanh nên các nhà cung cấp mạnh ai nấy rao, nhà bán lẻ mạnh ai nấy bán, cạnh tranh lẫn nhau, dẫn tới tất cả đều phát triển manh mún, thiếu bài bản. Những DN bán lẻ tạo được niềm tin đối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp, đảm bảo được nguồn hàng ổn định phục vụ người tiêu dùng không nhiều, chỉ có một vài DN thuần Việt như Co-opmart, MaxiMark, Coop Foods, Satra Foods… là bước đầu làm được điều đó. Hiện các DN này đang mở rộng thêm nhiều tỉnh để dần chiếm lĩnh thị trường bán lẻ nội địa.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng DN Việt nên xây dựng tính chuyên nghiệp trong phân phối từ chuỗi cung ứng, khả năng quản trị, chiến lược phát triển đa dạng hóa nguồn hàng. Trong đó, chuyên nghiệp hóa dịch vụ phải là một giải pháp đầu tiên mang tính chiến lược mà các DN Việt cần chú trọng. Có thể thấy, DN Saigon Co.op thành công trong chuyên nghiệp hóa chuỗi cung ứng là nhờ hạ giá thành sản phẩm cũng như tăng tính chuyên nghiệp, chủ động của nhà phân phối hiện đại, liên kết với những DN sản xuất trong nước hoặc các địa phương. Riêng Maximark tuy không phát triển nhanh về số lượng nhưng lại tập trung vào nâng cao chất lượng, sự đa dạng của các dịch vụ trong chuỗi cung ứng, mở rộng quy mô của từng siêu thị, hợp tác với những nhà sản xuất trong nước (từ các hàng nông sản thực phẩm tới hàng tiêu dùng) với tiêu chí duy trì ổn định về chất lượng và giá cả; hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim lại tập trung vào đa dạng hóa các mặt hàng và chuyên nghiệp hóa chế độ hậu mãi, khuyến mãi…
Ngoài các nỗ lực của DN, theo bà Vũ Kim Hạnh, để có thể đạt được mức tăng trưởng cao, các DN trong nước cần được hỗ trợ về tín dụng, nguồn vốn, thuế để tạo đà cho những DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực này. Đồng thời, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước và DN trong hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo về thông tin thị trường, chính sách xúc tiến thương mại của các thị trường nội khối.
Bài và ảnh: Hải Yên