Phát biểu tại hội nghị, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hội nhập quốc tế là một quá trình Việt Nam đã tổ chức triển khai trong rất nhiều năm qua và đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác thông tin về hội nhập quốc tế thời gian qua cũng đã được đẩy mạnh để truyền tải được định hướng từ các cam kết quốc tế, các tác động, ảnh hưởng cũng như nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong nước. Trong đó, việc cung cấp thông tin về hội nhập quốc tế cho người dân, doanh nghiệp thông qua các cơ quan truyền thông, báo chí là kênh quan trọng nhất.
Thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP, ngày 25/4/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, trên cơ sở nhu cầu nâng cao nhận thức và tăng cường kiến thức cho các cơ quan báo chí về hội nhập quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn về nội dung này.
Theo ông Triệu Minh Long, thông qua việc tổ chức hội nghị nhằm cung cấp, cập nhật thông tin mới nhất về tiến trình hội nhập, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác đối ngoại, phân tích tác động, ảnh hưởng của các hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế mà chúng ta đã tham gia và đồng thời, từ góc nhìn của các cơ quan quản lý, những người xây dựng chính sách, có những phân tích, đánh giá về tác động, ảnh hưởng tới một số lĩnh vực cụ thể…
Ông Đinh Nho Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao), năm vấn đề, xu hướng lớn đang được quan tâm là cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chuyển đổi số; chuyển đổi xanh, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu; sắp xếp lại chuỗi cung ứng; thay đổi về lao động.
Tại Việt Nam, xu hướng chuyển đổi kinh tế xanh, chuyển đổi số mở ra cơ hội chuyển đổi mô hình tăng trưởng (năng lượng, vận tải biển, vận tải đường bộ, hàng không, phát triển thành phố xanh và thông minh); tận dụng cơ hội trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang sắp xếp lại; nâng cao năng lực logistics; khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; nguồn nhân lực, thu hút FDI chất lượng…
Chia sẻ về các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế cũng như quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp khi triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bà Lâm Thị Quỳnh Anh - Trưởng phòng Hội nhập Kinh tế quốc tế trong nước, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) cho biết, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế nói chung và các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói riêng. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như tuân thủ quy định của thị trường đối tác; áp dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý; xây dựng chiến lược, lựa chọn khách hàng, lựa chọn thị trường.
“Tham gia vào các FTA chúng ta vừa có cơ hội, lại vừa có thách thức. Nếu như cơ hội không được tận dụng, phát huy tốt thì sẽ trở thành thách thức. Để việc hội nhập FTA thành công, cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và sự góp sức của báo chí, để doanh nghiệp hiểu rõ hơn, tận dụng hiệu quả FTA vào sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường”, bà Lâm Thị Quỳnh Anh nói.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) đưa ra các lưu ý đối với việc xuất khẩu nông sản Việt Nam trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới. Bà Trang cho rằng, nông sản là nhóm Việt Nam tập trung yêu cầu đối tác FTA mở cửa thị trường mạnh. Thêm vào đó, phần lớn nông sản Việt Nam có khả năng đáp ứng cao với quy tắc xuất xứ FTA, đây cũng là nhóm một số đối tác FTA sẵn sàng mở cửa cho nước ta.
Đánh giá về xuất khẩu nông sản giai đoạn 2017-2021, về mặt tích cực, theo bà Trang, mức độ tận dụng ưu đãi thuế quan khá tốt, nhiều sản phẩm xuất hiện trong tốp đầu về tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng ưu đãi FTA (như gỗ, thủy sản, rau quả, cao su…); có mức tăng trưởng khá, mặc dù có giai đoạn chững lại nhưng đã có dấu hiệu phục hồi; một số mặt hàng có tăng trưởng rất mạnh dưới tác động của FTA.
Về mặt hạn chế, bà Trang nhận định, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng chung của tất cả các mặt hàng; xuất khẩu nông sản vào các thị trường FTA biến động qua các năm, theo từng thị trường; tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA cao nhưng không ổn định.
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI khuyến nghị, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về các FTA, đặc biệt là thuế quan; các điều kiện tận dụng như quy tắc xuất xứ. Cùng với đó là tìm hiểu về thị trường; cập nhật tình hình, cảnh báo xu hướng…