Cuba vững tin trên con đường cập nhật mô hình kinh tế

Thêm một năm nữa qua đi trong giai đoạn đầu của lộ trình cập nhật mô hình kinh tế mà Chính phủ Cuba quyết tâm thay đổi dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội lần thứ 6 của Đảng Cộng sản Cuba hồi đầu năm 2011 với khát vọng đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn để tiến sâu vào con đường phát triển bền vững và thịnh vượng.

Mặc dù, năm 2014, nền kinh tế Cuba vẫn chưa có được bước đột phá lớn, các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, song đây là năm bản lề với những quyết sách mang tính phức tạp hơn để tạo tiền đề cho những bước phát triển trong tương lai, trong đó có những biện pháp hoàn toàn mới đối với môi trường Cuba. Vì vậy, cần phải có thời gian thử nghiệm để đánh giá các tác động của nó, không những về mặt kinh tế mà còn cả ở các phương diện chính trị-xã hội.

Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Caribe (CARICOM) – Cuba lần thứ 5 tại thủ đô La Habana. Ảnh: THX-TTXVN


Đáng chú ý nhất là việc Quốc hội Cuba hồi cuối tháng 3 đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài mới và văn kiện này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 với mục tiêu thu hút nguồn vốn từ bên ngoài phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Bộ luật mới này được đánh giá là cởi mở hơn rất nhiều, trong đó cho phép đầu tư nước ngoài vào hầu hết các lĩnh vực, trừ các lĩnh vực như y tế, giáo dục và các thể chế quân sự.

Một điểm mới trong Luật Đầu tư nước ngoài là hệ thống ưu đãi thuế, trong đó các nhà đầu tư sẽ được miễn thuế thu nhập trong những năm đầu hoạt động và sau đó sẽ chỉ phải đóng 15%, giảm một nửa so với trước đây. Trong các mô hình đầu tư nước ngoài, lần đầu tiên xuất hiện hình thức “hợp đồng liên kết kinh tế quốc tế và công ty 100% vốn nước ngoài”.

Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, nguồn vốn nước ngoài sẽ được phép đầu tư vào các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh, cùng với các doanh nghiệp trong nước. Đây cũng là cơ sở để các nhà đầu tư nước ngoài xem xét triển khai các dự án đầu tư vào Khu Phát triển Đặc biệt Mariel sau khi giai đoạn 1 xây dựng khu cầu cảng hiện đại đã được hoàn tất.

Nhiều công ty nước ngoài đã nộp đơn xin phép đầu tư và đang được xem xét cấp phép trong các lĩnh vực công nghiệp nhẹ, đóng hộp và đóng gói thành phẩm, nguyên vật liệu xây dựng và dược phẩm. Chủ tịch Cuba Raul Castro đã nhiều lần khẳng định, khu cảng Mariel sẽ trở thành cửa ngõ quan trọng đối với lĩnh vực ngoại thương của Cuba và là một bàn đạp hậu cần quan trọng của khu vực do vị trí địa lý thuận lợi, đồng thời đây cũng là minh chứng cụ thể về sự lạc quan và tin tưởng mà nhân dân Cuba hướng tới tương lai trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thịnh vượng tại quốc đảo này.

Cùng với đó, Chính phủ Cuba cũng tiếp tục triển khai một loạt chính sách mới trong khuôn khổ lộ trình cập nhật mô hình kinh tế, trong đó có quyết định cho phép người dân nước này được thuê nhà ở, cơ sở kinh doanh, kho bãi do các công ty bất động sản thuộc nhà nước quản lý, đồng thời từng bước chuyển giao toàn bộ các cơ sở kinh doanh ẩm thực và quán cà phê của nhà nước cho tư nhân và các hợp tác xã nhằm thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động của thành phần kinh tế tự doanh và các mô hình quản lý ngoài quốc doanh khác mà Chính phủ Cuba đang triển khai trong những năm qua.

Việc cho phép người dân được kinh doanh tự do ở nhiều ngành nghề khác nhau vẫn tiếp tục thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội với gần 500.000 người, qua đó giúp cho chương trình cắt giảm biên chế dôi dư trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước không gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội.

Trong năm 2014, Chính phủ Cuba cũng đã quyết định điều chỉnh tăng lương tối thiểu trong các lĩnh vực y tế và thể thao, theo đó mức lương tối thiểu của các y bác sĩ tăng từ 100-200% so với mức tối thiểu khoảng hơn 600 peso hiện nay. Ngoài ra, các chuyên gia y tế làm việc tại nước ngoài sẽ được hưởng một phần lương bằng ngoại tệ trên cơ sở hợp đồng đã ký với các nước.

Trong khi chính sách lương mới trong lĩnh vực thể thao được chia thành 6 bậc lương tối thiểu mỗi tháng, dao động từ 1.500 peso (khoảng 60 USD) đối với các VĐV đạt huy chương tại các kỳ Olympic cho tới 450 peso (khoảng 18 USD) đối với các VĐV dự bị của đội tuyển quốc gia và các cầu thủ tham gia giải bóng chày quốc gia.

Ngoài mức lương cơ bản trên, các VĐV còn được nhận các khoản tiền thưởng hàng tháng trên cơ sở thành tích đạt được trong các đại hội thể thao, theo đó VĐV đoạt Huy chương Vàng Olympic có thể được nhận thêm khoảng 100 USD/tháng. Đối với các giải thưởng cá nhân và tập thể do các liên đoàn thể thao quốc tế và ban tổ chức các giải trao tặng, Chính phủ Cuba cho phép những người đoạt giải được hưởng 100%, trong đó VĐV được hưởng 80%, HLV được 15% và chuyên gia được 5%.

Rõ ràng, Cuba đã và đang tiến hành nhiều biện pháp hướng tới việc phát triển kinh tế, tăng cường và nâng cao mức sống của người dân. Chính phủ cũng đã từng bước thực hiện việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện việc trả lương phù hợp với kết quả sản xuất, từ đó có thể cải thiện mức thu nhập của 49% cán bộ, công nhân viên thuộc khu vực này mà không gây nên lạm phát.

Những người làm việc trong khu vực ngoài quốc doanh cũng có thu nhập cao hơn trước, song sự suy giảm của giá trị đồng lương thực tế, cũng như những khó khăn, hạn chế về nguồn lực trong việc mở rộng các dịch vụ như giao thông vận tải, xây dựng nhà ở là những vấn đề cần phải được tiếp tục quan tâm giải quyết để có thể đáp ứng các nhu cầu của người dân.

Một trong những khó khăn lớn trước mắt có thể tác động tới bước phát triển của nền kinh tế Cuba là sự tồn tại song song của hai đồng tiền peso chuyển đổi (CUC) và peso nội tệ (CUP). Mặc dù lộ trình hợp nhất hai đồng tiền được Chính phủ Cuba công bố từ cuối năm 2013, song có thể khẳng định đây là vấn đề rất phức tạp, việc xử lý đòi hỏi phải có thời gian và lộ trình phù hợp để không tạo ra những tác động tiêu cực ảnh hưởng tới nhân dân.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính và Vật giá Cuba đã ban hành bộ quy định đầu tiên về giá quy đổi mới dành cho các thực thể nhà nước nhằm giải quyết một loạt vấn đề đang tồn tại trong nền kinh tế quốc đảo này, trong đó có sự liên hệ giữa giá nội địa và giá biến động trên thị trường thế giới, giá bán lẻ và giá bán buôn và sự minh bạch trong các chương trình trợ giá, cũng như nhiều vấn đề khác.

Quy định mới nhằm giúp sản phẩm nội địa của Cuba có tính cạnh tranh hơn, thúc đẩy xuất nhập khẩu và khuyến khích hiệu quả hợp tác, những lợi ích này sẽ giúp phân bổ hiệu quả hơn nguồn ngân sách dành cho các hoạt động của nền kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ Cuba đã cho phép hầu hết các siêu thị trên cả nước được niêm yết và bán sản phẩm bằng cả hai loại tiền.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Cuba (BCC) cũng đang nghiên cứu khả năng tăng số lượng tiền lưu hành, đồng thời phát hành thêm tiền CUP có mệnh giá cao hơn so với loại tiền đang lưu hành hiện nay. Đây được coi là những bước chuẩn bị trước khi chính thức thực hiện kế hoạch thống nhất hai đồng tiền CUC và CUP.

Cuba hiện đang trong quá trình tiến hành những thay đổi có tính chất phức tạp nhất trong một bối cảnh quốc tế không thuận lợi sau khi đã giải quyết được một số vấn đề mang tính rào cản đối với lực lượng sản xuất và tạo cơ hội phát triển cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.

Mặc dù con đường phía trước vẫn còn dài và vô cùng khó khăn, song những gì mà Cuba đã và đang làm cho tới thời điểm hiện tại cho thấy quyết tâm thay đổi thực sự của giới lãnh đạo, đáp ứng phần nào sự mong mỏi của nhân dân. Chắc chắn, trong thời gian tới, Cuba sẽ tiếp tục có những điều chỉnh chính sách mang tính đột phá hơn nữa để giúp cho nền kinh tế có thể phát triển thực sự bền vững.


Phạm Hoài Nam (Phóng viên TTXVN tại Cuba)
USAID từng lợi dụng phong trào nhạc hip-hop để gây bất ổn Cuba
USAID từng lợi dụng phong trào nhạc hip-hop để gây bất ổn Cuba

Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) từng tiến hành một kế hoạch kéo dài 2 năm nhằm bí mật thâm nhập vào phong trào nhạc hip-hop ngầm ở Cuba để qua đó tìm cách gây bất ổn và kích động giới thanh niên ở đảo quốc Caribe này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN