Nằm giáp giới với huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum của Việt Nam) và huyện Ta Veaeng (tỉnh Ratanakiri của Campuchia), huyện Phuvong thuộc tỉnh Attapeu (Nam Lào) trước đây từng là một huyện nghèo, người dân không quen với sản xuất công nghiệp. Mặc dù đất rộng, người thưa, nhưng người dân vẫn chỉ quen với việc làm nương rẫy, mỗi năm chỉ làm một vụ còn phần lớn bỏ hoang. Vài năm trước, với mục tiêu đưa cây mía trở thành sinh kế bền vững cho người dân địa phương, Công ty TNHH MTV Mía đường TTC Attapeu (TTCA) đã áp dụng mô hình hợp tác nông dân - một mô hình hoàn toàn mới tại tỉnh Attapeu. Theo mô hình này, công ty sẽ ứng vốn, dịch vụ cơ giới, mía giống, tư vấn kỹ thuật… để bà con nông dân người Lào có nguồn lực canh tác mía trên đất của chính mình. Người dân chỉ việc góp đất, sức lao động, đến cuối vụ, nhà máy sẽ thu mua toàn bộ sản lượng mía với giá tốt. Mô hình này đã giúp nhiều hộ nông dân gần vùng dự án của TTCA có điều kiện tiếp cận cây mía, khai thác hiệu quả diện tích đất đai của các hộ gia đình, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Trò chuyện với phóng viên TTXVN, anh Kekhan Xayadeth kể khi chưa có công ty trồng mía của Việt Nam, người dân huyện Phuvong cũng như anh có đất cũng chỉ biết trồng những loại cây phục vụ cho nhu cầu rất thấp của gia đình. Mọi người hoàn toàn không có lực, khả năng và cũng không biết cách trồng cây theo hướng công nghiệp, chỉ biết làm theo thói quen. Từ khi ký hợp đồng với TTCA, không chỉ được công ty hỗ trợ vốn, hỗ trợ thiết bị nông nghiệp, giống, người dân còn được các chuyên gia nông nghiệp của công ty hướng dẫn cách thức quy hoạch, trồng, chăm sóc và chuẩn bị nông cụ sao cho đúng, xuống giống vào thời điểm nào để cho năng suất cao hơn. Thậm chí, gia đình nào không có tiền thuê nhân công, công ty cũng ứng trước cho, chỉ việc trồng và bón đúng theo hướng dẫn là thành công. Điều này không chỉ giúp bản thân anh và người dân sử dụng đất hiệu quả hơn, có nguồn thu nhập ổn định và cao hơn, mà còn giúp thay đổi thói quen canh tác của người dân.
Anh Kekhan Xayadeth hồ hởi chia sẻ: “Trước đây nếu có 1 ha đất, người dân cũng chỉ để trồng cây phục vụ gia đình. Từ khi có hợp đồng với công ty, mỗi ha cũng đem lại trên 10 triệu kíp/năm. Như tôi đây có 80 ha, dự kiến mỗi năm cũng được trên 800 triệu kíp”.
Cùng hoàn cảnh với anh Kekhan Xayadeth, anh Sokxayphone Yulasone cho biết trước khi ký hợp đồng với TTCA, hơn 10 ha đất là rừng tạp và ruộng của anh gần như bỏ hoang vì không biết trồng gì cho hết. Từ khi góp đất và ký hợp đồng khai hoang với công ty để trồng mía, anh và gia đình đã thu được rất nhiều lợi ích. Theo anh Sokxayphone, không chỉ hỗ trợ trong khung khổ điều khoản của hợp đồng, công ty cũng sẵn sàng hỗ trợ khi người dân cần. Ví dụ, lúc trồng hoặc thu hoạch, nếu anh báo với công ty rằng mình không có tiền thuê máy móc và nhân công, công ty sẽ ứng trước. Hay trường hợp người dân muốn có máy cày bừa, khi đề nghị, công ty sẽ xem xét. Bản thân anh hiện cũng được công ty cấp cho một máy Kubota ở dạng trả góp.
Anh Sokxayphone Yulasone nói: “Từ khi hợp tác với công ty, hơn 10 ha đất gần như bỏ hoang của tôi đã sinh lời, mỗi năm đem lại cho gia đình thu nhập trên 200 triệu kíp, trừ tất cả các chi phí, lợi nhuận ròng được khoảng trên 100 triệu kíp. Bên cạnh việc góp đất, bản thân tôi cũng vào làm việc cho công ty. Điều này giúp tôi vừa có nguồn thu nhập từ lương của công ty, vừa có nguồn thu từ việc góp đất với công ty. Từ đó gia đình tôi có được nguồn thu nhập ổn định, đời sống ngày càng đi lên”.
Nhờ đem lại hiệu quả cao, mô hình hợp tác nông dân được đánh giá tích cực. Hiện TTCA đã ký hợp đồng hợp tác nông dân với hơn 200 hộ nông dân ở huyện Phuvong, với tổng diện tích mía gần 2.000 ha. Chỉ sau 3 vụ mùa, nhiều nông dân đã mạnh dạn mở rộng quy mô, mua sắm thêm máy kéo để phục vụ canh tác.
Không chỉ có vậy. Được thành lập năm 2016 sau khi tiếp quản nhà máy đường công suất 7.000 tấn mía/ngày từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, chỉ sau 1 năm tiếp quản, TTCA đã quyết định chuyển dần các diện tích mía đã ký trong hợp đồng sang trồng mía để sản xuất đường hữu cơ. Đây là một mô hình có rất nhiều thách thức nhưng mang lại giá trị to lớn, không chỉ về mặt doanh thu cao hơn cho doanh nghiệp, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững. Nguyên nhân dẫn đến sự chuyển đổi là do công ty nhận thấy nhiều khu đất trong vùng dự án đáp ứng được yêu cầu trồng mía hữu cơ, điều không chỉ phù hợp với điều kiện tự nhiên giúp đảm bảo được cái hệ sinh thái phong phú sẵn có tại Lào, mà còn tạo giá trị thặng dư cho sản phẩm, tạo sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp Lào nói riêng và nền kinh tế Lào nói chung.
Sau gần 4 năm triển khai canh tác, sản xuất mía đường hữu cơ, hàng chục nghìn tấn đường hữu cơ của công ty đã được xuất sang châu Âu và được tổ chức Control Union cấp giấy chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Đến nay, công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu có diện tích 10.000 ha trải dài khắp tỉnh Attapeu, trong đó có 3.000 ha diện tích mía hữu cơ và 2.000 ha mía theo mô hình đầu tư nông dân.
Cùng với áp dụng mô hình đầu tư nông dân và trồng mía hữu cơ, việc đầu tư của công ty vào tỉnh còn giúp tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người dân, bởi ngoài hơn 600 cán bộ nhân viên, nhà máy đường TTCA còn thuê rất nhiều lao động thời vụ, đặc biệt là vào mùa chặt mía, nhà máy cần thuê từ 4.000-5.000 lao động/ngày, qua đó vừa giúp tăng thu nhập cho người dân địa phương, vừa đáp ứng chính sách an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Bằng cây mía, TTCA đã giúp khai thác các diện tích đất xấu, nghèo dinh dưỡng để tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao, không chỉ là đường hữu cơ mà còn có cả mật rỉ, phân bón hữu cơ vi sinh và điện sinh khối.
Nhận xét về dự án, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu, ông Thanousay Bansalth đánh giá cao việc TTCA áp dụng các công nghệ nông nghiệp hiện đại, vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ giúp công ty tạo ra sản phẩm hữu cơ có chất lượng cao, mà còn có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, qua đó có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tạo thu nhập và việc làm cho người dân.
Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu nêu bật hiệu quả của mô hình đầu tư nông dân, khẳng định đây là một mô hình rất thành công, bởi thông qua việc góp đất, người dân đã được phép tham gia vào quá trình sản xuất, từ đó sẽ có trách nhiệm hơn. Cũng theo ông Thanousay, mô hình này còn giúp người dân không bỏ đất lãng phí, không phải lo đầu ra của sản phẩm do đã có công ty bao tiêu. Điều này giúp người dân có thu nhập ổn định trên chính mảnh đất của mình và vì vậy ngày càng có nhiều người quan tâm tới mô hình.
Sau những thành công lớn từ mô hình đầu tư nông dân, TTCA hiện đang có kế hoạch mở rộng diện tích theo mô hình này lên 5.000 ha vào năm 2025. Về phía chính quyền tỉnh Attapeu, nhận rõ lợi ích đem lại từ mô hình, bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân, chính quyền tỉnh trong những năm qua cũng rất ủng hộ và khuyến khích công ty tăng cường ký kết hợp tác trực tiếp với người dân, ngoài việc canh tác trong diện tích đất đai được ký theo hợp đồng.
Có thể nói việc TTCA áp dụng mô hình đầu tư nông dân và đưa công nghệ nông nghiệp hiện đại vào làm đường hữu cơ ở tỉnh Attapeu không chỉ giúp bảo vệ môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần giúp người dân chuyển đổi thói quen canh tác, tạo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống của người dân. Chính vì vậy, TTCA không chỉ được chính quyền và nhân dân rất ủng hộ, mà còn giúp nâng cao hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam tại Lào.
Bài cuối: Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội