Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Attapeu đã xác định cây cao su là một trong nhưng cây chủ lực, mũi nhọn phát triển kinh tế ở những vùng khó khăn và nhằm phủ xanh đất trống, đồi trọc. Vì vậy, từ năm 2008 đến nay, chính quyền tỉnh này đã cấp phép cho 5 doanh nghiệp Việt Nam triển khai dự án trồng và xây dựng nhà máy chế biến cao su trên địa bàn 4 huyện của tỉnh.
Ông Phonepaseuth Thongsithavong, Giám đốc Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Attapeu, cho biết, các doanh nghiệp cao su Việt Nam đầu tư trên địa bàn tỉnh không những đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn làm thay đổi bộ mặt địa phương trong vùng có dự án, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần thay đổi tư duy và tập quán làm ăn cũ.
Ông Phonepaseuth nhấn mạnh, ngoài phát triển dự án cao su, các doanh nghiệp Việt Nam rất chú trọng đến công tác an sinh xã hội theo tinh thần "cây cao su đi đến đâu cơ sở hạ tầng được nâng cấp đến đấy", đời sống của người dân trong vùng dự án không ngừng được cải thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh Attapeu từng bước phát triển.
Hiện toàn tỉnh Attapeu có hơn 15.564 ha trồng cây cao su, trong đó diện tích khai thác hơn 9.123 ha, sản lượng mỗi năm trung bình đạt 46.531 tấn mủ cao su, tổng giá trị xuất khẩu hơn 23 triệu USD/năm.
Theo ông Phonepaseuth, trong thời gian tới, tỉnh này sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư hiệu quả, không ngừng phát triển, đóng góp lớn vào công cuộc xây dựng nước Lào, góp phần vun đắp quan hệ hai nước Lào - Việt Nam ngày một bền vững.