Qua rà soát các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh và căn cứ quy định của Luật Đất đai 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện 6 dự án đầu tư vi phạm pháp luật đất đai; trong đó có 4 dự án du lịch và 2 dự án xăng dầu.
Cụ thể, 4 dự án du lịch chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng gồm: Dự án du lịch Sao Mai (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam) có quyết định đầu tư từ năm 2002 và được Ủy ban nhân dân tỉnh cho gia hạn sử dụng đất đến tháng 12/2025. Dự án trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái Mũi Yến (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình) cho thuê đất từ năm 2008 và được gia hạn sử dụng đất đến tháng 10/2024. Dự án Khu nghỉ dưỡng Cà Ná (huyện Tuy Phong) được cho thuê đất từ năm 2014 và Ủy ban nhân dân tỉnh cho gia hạn sử dụng đất đến tháng 9/2024. Dự án khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Châu Lê (huyện Tuy Phong) được giao đất vào năm 2020 và Ủy ban nhân dân tỉnh cho gia hạn sử dụng đất đến tháng 11/2024.
Hai dự án xăng dầu chậm triển khai, đưa đất vào sử dụng gồm: Dự án cửa hàng xăng dầu Hữu Thưởng (xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam) có quyết định đầu tư từ 2018 và Ủy ban nhân dân tỉnh cho gia hạn sử dụng đất đến tháng 5/2025. Dự án cửa hàng xăng dầu 670 (thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc) có quyết định đầu tư dự án từ 2020 và được Ủy ban nhân dân tỉnh cho gia hạn sử dụng đất đến tháng 8/2025.
Thời gian qua, Bình Thuận thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư như: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm… Đến hết quý 1/2024, trên địa bàn tỉnh có 1.637 dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất trên 50.700 ha và tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực du lịch có 380 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 60.000 tỷ đồng, tổng diện tích đất khoảng 6.000 ha.
Bên cạnh việc thu hút đầu tư, tỉnh đã chỉ đạo xử lý quyết liệt đối với các dự án chậm triển khai. Bình Thuận đã thành lập Tổ công tác liên ngành để tổng rà soát lại các dự án chậm tiến độ; trên cơ sở đó đề xuất xử lý cụ thể từng dự án.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao các đơn vị liên quan rà soát toàn bộ các dự án đã chấp thuận đầu tư trên địa bàn tỉnh và phân loại từng lĩnh vực, nhóm danh mục cụ thể theo tiến độ triển khai. Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình, tiến độ triển khai, những khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp để đẩy nhanh tiến độ từng dự án; đề xuất thu hồi các dự án chậm triển khai, không đủ năng lực thực hiện theo quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh lưu ý, đối với những dự án đã cho gia hạn, các đơn vị phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hết thời gian gia hạn phải báo cáo kịp thời, đề xuất biện pháp xử lý. Trường hợp không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện, các đơn vị kiên quyết đề xuất thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án theo quy định của pháp luật. Trường hợp có dự án chậm triển khai nhưng không được rà soát, xử lý, các đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm trước tỉnh.