Theo đó, nối tiếp đà tăng trưởng của năm 2020, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã ghi nhận kết quả tích cực trong quý I/2021.
Uy tín của các doanh nghiệp bảo hiểm được đánh giá khách quan, độc lập và căn cứ theo năng lực tài chính dựa vào đánh giá trên truyền thông theo phương pháp Media coding; cũng như, khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 6/2021.
Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2021 được công bố theo 2 danh sách là Top 10 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín năm 2021 và Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2021.
Cụ thể, Top 10 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín, gồm: Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Việt Nam), Công ty TNHH Manulife (Việt Nam)....
Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2021 gồm: Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty Bảo hiểm PVI, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội...
Đánh giá thực trạng của ngành bảo hiểm trong giai đoạn khó khăn hiện nay trước tác động của dịch COVID-19, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report nhận định, giá trị cốt lõi của ngành bảo hiểm là quản lý rủi ro, mang đến sự bình an cho xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống. Bằng những phản ứng linh hoạt và kịp thời, ngành bảo hiểm đã thể hiện tốt vai trò như một “bộ giảm xóc” trước những rủi ro và tác động bất ngờ của dịch COVID-19.
Dẫn báo cáo mới nhất của Công ty TNHH Deloitte, ông Vinh cho biết, thị trường bảo hiểm toàn cầu chịu ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch COVID-19 khiến đứt gãy chuỗi tăng trưởng liên tục trong suốt 10 năm qua. Song tại Việt Nam, ngành bảo hiểm lại có mức tăng trưởng khá ấn tượng.
Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết tốt quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng và được khách hàng tin cậy và là tấm lá chắn tài chính an toàn trước những rủi ro. Cụ thể, toàn ngành đã chi trả quyền lợi bảo hiểm trong năm 2020 đạt 48.223 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm 2019. Đặc biệt, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tích cực đóng góp ngân sách và đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 460.457 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 22% so với năm 2019.
Theo các chuyên gia, để đạt được kết quả nói trên, ngành bảo hiểm đã điều chỉnh hoạt động để thích nghi với những tác động do đại dịch. Khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy, so với một năm trước, mức độ ảnh hưởng của dịch đến việc ra quyết định của doanh nghiệp bảo hiểm trong một số lĩnh vực đã có sự thay đổi.
Nếu như năm 2020, có khoảng 33% số doanh nghiệp bảo hiểm tỏ ra khá thận trọng khi đưa ra quyết định, thì năm nay phần lớn trong số họ lại quyết đoán hơn. Theo đó, trên 50% số doanh nghiệp bảo hiểm đang từng bước thay đổi các quyết định liên quan đến chuyển đổi số, quản lý và tiếp cận khách hàng, nghiên cứu phát triển sản phẩm và giám định bồi thường. Tỷ lệ doanh nghiệp bảo hiểm đang tập trung rà soát lại quản trị nhân lực đạt 29%, tăng đáng kể so với mức 14% của năm trước. Có từ 18-29% số doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, mảng quản trị rủi ro, quản lý dịch vụ và hỗ trợ khách hàng tiếp tục nằm trong diện cần rà soát chặt chẽ ở thời điểm này để đánh giá tính hiệu quả sau từng giai đoạn.
Chẳng hạn, để đối phó với dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã nhanh chóng chuyển sang mô hình làm việc tại nhà. Đây là một sự thay đổi mang tới nhiều thách thức. Tuy nhiên, cũng có 35,3% số doanh nghiệp bảo hiểm cũng cho biết quy trình vận hành trực tuyến tại doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Mặc dù các doanh nghiệp bảo hiểm đã tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật số nhưng việc chuyển toàn bộ hoạt động sang làm việc tại nhà cho thấy, nhiều nhân viên không có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hoặc hệ thống bảo mật cần thiết để xử lý thông tin khách hàng. Thêm vào đó, mô hình này cũng gây ra nhiều hiểu lầm trong việc quản trị, tổ chức doanh nghiệp do giao tiếp kém hiệu quả, thông tin không rõ ràng...