Cơ quan Kiểm lâm không quản lý việc nhập khẩu gỗ tại khu vực biên giới

Sau loạt bài: "Gỗ nhập lậu - mối nguy "khó lường" với uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam" được đăng trên báo Tin tức, ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) đã phản hồi về vấn đề này. 

 

Chú thích ảnh
Ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm.

Theo phản ánh của Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, họ không được kiểm soát nguồn gỗ nhập về từ Campuchia, nhưng khi gỗ được di chuyển sang địa bàn khác thì Chi cục Kiểm lâm Gia Lai phải xác nhận. Nếu nguồn gỗ đó không hợp pháp thì vô hình chung, kiểm lâm đã hợp pháp hóa cho gỗ bất hợp pháp. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

Việc quản lý lâm sản và kiểm tra nguồn gốc lâm sản được thực hiện theo quy định tại Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 4//1/2012 của Bộ NN&PTNT quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản đã sửa đổi, bổ sung, bởi Thông tư số 40/2015/TT-BNNPTNT ngày 21/10/2015 của Bộ NN&PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản (gọi tắt là Thông tư 01).

Việc quản lý lâm sản và kiểm tra nguồn gốc lâm sản được thực hiện theo quy định tại Thông tư 01 của Bộ NN&PTNT. Theo đó, tùy theo nguồn gốc lâm sản (từ rừng tự nhiên, từ xử lý sau tịch thu bán phát mại, từ rừng trồng, nhập khẩu) thì cơ quan Kiểm lâm thực hiện quản lý nguồn gốc lâm sản (kiểm tra, theo dõi giám sát) nhập xưởng, xuất xưởng.

Lâm sản xuất ra tùy theo nguồn gốc lâm sản thì cơ quan kiểm lâm hoặc UBND xã xác nhận nguồn gốc lâm sản hoặc chủ lâm sản tự quyết định.

Đối với lâm sản (gỗ) có nguồn gốc nhập khẩu thì cơ quan Kiểm lâm không quản lý việc nhập khẩu gỗ tại khu vực biên giới, mà chỉ quản lý tại các cơ sở kinh doanh chế biến và trên lưu thông. 

Trong đó, đối với gỗ tròn nhập khẩu: Chủ lâm sản là tổ chức khi nhập xưởng thì ghi chép vào sổ theo dõi nhập xuất lâm sản và báo cơ quan kiểm lâm để đóng búa kiểm lâm. Khi xuất bán, chủ lâm sản gửi hồ sơ đề nghị cơ quan kiểm lâm sở tại xác nhận, cơ quan kiểm lâm sở tại căn cứ vào hồ sơ nguồn gốc gỗ và sổ theo dõi nhập xuất lâm sản để xác nhận bảng kê lâm sản gỗ khi xuất bán.

Đối với gỗ xẻ nhập khẩu: Chủ lâm sản là tổ chức khi nhập xưởng thì ghi chép vào sổ theo dõi nhập xuất lâm sản. Khi xuất bán, chủ lâm sản gửi hồ sơ đề nghị cơ quan kiểm lâm sở tại xác nhận, cơ quan kiểm lâm sở tại căn cứ vào hồ sơ nguồn gốc gỗ và sổ theo dõi nhập xuất lâm sản để xác nhận bảng kê lâm sản gỗ khi xuất bán.

Theo định kỳ 3 tháng/lần, chủ lâm sản phải báo cáo việc nhập xuất lâm sản với cơ quan Kiểm lâm. Đồng thời, cơ quan Kiểm lâm căn cứ vào chức năng nhiệm vụ có thể kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, nơi cất giữ lâm sản hoặc phương tiện vận chuyển lâm sản để xác định nguồn gốc lâm sản trong kinh doanh chế biến và lưu thông .

Ngoài ra, tại một số nơi, UBND tỉnh, huyện căn cứ tình hình thực tế tại địa phương có thể thành lập các đoàn, tổ công tác liên ngành để quản lý hoạt động kinh doanh, chế biến, lưu thông và nhập xuất lâm sản, đặc biệt tại khu vực biên giới, trong đó có thể có kiểm lâm tham gia.

Chú thích ảnh
Tang vật của vụ vận chuyển gỗ lậu tại huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum). Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN

Sau khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), chỉ có 2 nguồn gỗ có thể ảnh hưởng tới thỏa thuận này là từ 23 nước châu Phi và đặc biệt từ Campuchia. Ông đánh giá như thế nào về độ rủi ro của nguồn gỗ từ Campuchia đối với ngành chế biến gỗ ở Việt Nam?

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 11 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng 6,17% so với cùng kỳ năm 2017. Những thị trường mà Việt Nam nhập khẩu gỗ trong 10 tháng đầu năm chủ yếu từ 10 quốc gia gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Campuchia,  Thái Lan, Malaysia, Chi Lê, Đức, Brazil, New Zealand, Pháp. 

Cũng trong 11 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện việc nhập khẩu gỗ từ Campuchia về Việt Nam, với tổng giá trị là 88,5 triệu USD, giảm 51% so với cùng kỳ năm 2017. 

Từ số liệu trên cho thấy, Campuchia hiện nay không phải là nguồn chính cung cấp gỗ nguyên liệu cho ngành Chế biến xuất khẩu của Việt Nam. Do đó khi thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ không phát sinh những rủi ro đối với ngành chế biến gỗ ở Việt Nam. 

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã ra tuyên bố chung, cam kết không sử dụng gỗ bất hợp pháp. Các hiệp hội gỗ như: HAWA, Bình Định, Bình Dương… đang nỗ lực xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình (DDS) để giúp các doanh nghiệp kiểm soát tốt chuỗi cung một cách có hiệu quả, đảm bảo rằng các doanh nghiệp không sử dụng gỗ bất hợp pháp.   

Để thực thi theo đúng những gì đã ký với Liên minh châu Âu (EU), theo ông Chính phủ Việt Nam cần thực hiện những giải pháp nào?

Trước tiên, hai bên cần tiến hành các thủ tục để phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT sau khi ký chính thức. Về phía Việt Nam, Hiệp định sẽ được Chính phủ phê duyệt theo Luật Điều ước quốc tế năm 2106 và phía EU là Nghị viện EU phê chuẩn Hiệp định. Hai bên phấn đấu đến tháng 3/2019 sẽ phê duyệt và phê chuẩn Hiệp định.

Tiếp theo đó, Chính phủ Việt Nam phải thể chế hóa các nội dung cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT bằng 1 nghị định của Chính phủ để thực hiện Hiệp định. Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch xây dựng Nghị định này (tạm gọi là Nghị định về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam) trong năm 2019, dự kiến cuối năm 2019 Chính phủ sẽ ban hành Nghị định. 

Căn cứ vào Nghị định, Bộ cũng sẽ tiến hành xây dựng các Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức các khóa tập huấn cho cơ quan quản lý Nhà nước (kiểm lâm, hải quan, cấp phép FLEGT), cho doanh nghiệp, hộ gia đình...

Trong lúc chờ phê duyệt Hiệp định và thể chế hóa, Bộ đã tiến hành một số nghiên cứu kỹ thuật để xây dựng Nghị định (điều tra loài gỗ rủi ro, vùng địa lý rủi ro, qui định gỗ hợp pháp của một số thị trường xuất khẩu chính cho Việt Nam, các loại chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên thế giới…).

Xin cảm ơn ông!

H.V/Báo Tin tức
Gỗ nhập lậu- mối nguy 'khó lường' với uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam (bài cuối)
Gỗ nhập lậu- mối nguy 'khó lường' với uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam (bài cuối)

Cần thiết lập thêm các cơ chế, bao gồm cả cơ chế hợp tác với các quốc gia cung cấp gỗ cho Việt Nam, để đảm bảo tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN