Gỗ nhập lậu- mối nguy 'khó lường' với uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam (bài cuối)

Cần thiết lập thêm các cơ chế, bao gồm cả cơ chế hợp tác với các quốc gia cung cấp gỗ cho Việt Nam, để đảm bảo tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu. 

Bài cuối: Đồng lòng thiết lập cơ chế quản lý theo toàn bộ chuỗi cung

Theo Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là từ các nguồn có độ rủi ro cao như gỗ nhập khẩu từ Campuchia, Châu Phi, nên thiết lập cơ chế quản lý theo toàn bộ chuỗi cung, với nguồn thông tin đầu vào, đầu ra phải ăn khớp.

Bên cạnh đó, cần thiết lập thêm các cơ chế, bao gồm cả cơ chế hợp tác với các quốc gia cung cấp gỗ cho Việt Nam, để đảm bảo tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu. 

Chú thích ảnh
Chế biến gỗ tại  nhà máy gỗ Hàm Rồng, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, thành phố Pleiku (Gia Lai) . Ảnh: H.V

Tẩy chay gỗ bất hợp pháp

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), mỗi sản phẩm đồ gỗ đều được hình thành từ nhiều loại gỗ khác nhau. Do vậy, nếu doanh nghiệp sử dụng gỗ từ Campuchia không rõ nguồn gốc trong chế biến, sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín của ngành gỗ Việt. Vì nếu doanh nghiệp đó xuất khẩu sản phẩm gỗ này sang EU, các cơ quan quản lý EU có thiết bị kiểm tra nguồn gốc gỗ; khi họ phát hiện ra nguồn gỗ bất hợp pháp trong sản phẩm thì không là chỉ lô hàng của doanh nghiệp bị trả về, mà uy tín của cả cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores). Ảnh: H.V

Ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết thêm: “Hiệp hội đã cảnh báo rất nhiều lần với các doanh nghiệp về vấn đề này. Các doanh nghiệp chế biến gỗ lớn nhận thức rất tốt, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các làng nghề, hộ gia đình thì không quan tâm. Khi chúng tôi đi khảo sát làng nghề, thấy rằng tại đây, tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu không quản lý được. Hiện Hiệp hội đang phối hợp với một số tổ chức để nghiên cứu đánh giá tác động tới việc thực hiện ký kết với EU”.

Chú thích ảnh
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương, Giám đốc Công ty MIFACO (Bình Dương). Ảnh: H.V 

Còn theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương, Giám đốc Công ty MIFACO, khu vực châu Á nói chung,Việt Nam nói riêng, hầu như vẫn có thói quen sử dụng các loại gỗ quý như: lim, gụ, sến, hương, cẩm lai… Tuy nhiên, đó đều là gỗ tự nhiên, trồng hàng trăm năm mới có một cây. 

Ông Điền Quang Hiệp cho biết, mặc dù đã có lệnh cấm, nhưng vẫn có người tìm mọi cách chặt cây vì giá trị quá cao. Ví dụ, giá gỗ rừng trồng cao su, tràm chỉ khoảng 400 USD/khối, trong khi gỗ quý hiếm có giá 1.000 – 3.000 USD/khối. Tuy nhiên, không thể xuất khẩu những loại gỗ này được, vì EU và Mỹ tuyệt đối không dùng, nếu dùng là vi phạm pháp luật. Còn ở Việt Nam, hiện nay không kiểm soát người tiêu thụ mà lại kiểm soát người sản xuất.  

Chú thích ảnh
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa). Ảnh: H.V

Còn về xuất khẩu, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) cho biết, nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu gỗ sang các quốc gia phát triển, bắt buộc phải có nền tảng xuất xứ hàng hóa. Ngành gỗ đang hướng tới gỗ hợp pháp từ rừng trồng hoặc nhập khẩu từ rừng trồng. Cộng đồng cũng đang dần hiểu về điều đó.   

Chú thích ảnh
Ông Lê Ngọc Dũng, Giám đốc nhà máy gỗ Hàm Rồng, Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh:H.V

Về vấn đề này, ông Lê Ngọc Dũng, Giám đốc nhà máy gỗ Hàm Rồng, Hoàng Anh Gia Lai thừa nhận, trước đây người tiêu dùng trong nước hầu như không quan tâm tới nguồn gốc của gỗ. Những những năm gần đây, theo các đại lý của HAGL phản hồi về, 20% những người mua đồ gỗ đã hỏi về nguồn gốc của gỗ, có phá  hoại môi trường không? Điều đó chứng tỏ nhận thức của người tiêu dùng trong nước cũng đã thay đổi. 

Ủng hộ việc dừng nhập khẩu loại gỗ có rủi ro cao

Ngày 16/11/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 44/2018/TT-BCT quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia. Thông tư này có hiệu lực từ tháng 1/2019 đến hết năm 2023.

Chú thích ảnh
Nhà máy gỗ Hàm Rồng, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, thành phố Pleiku (Gia Lai). Ảnh: H.V

Đa số các doanh nghiệp, cơ quan quản lý đều đồng tình với quyết định này. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết: "Để kiểm soát gỗ Campuchia vào Việt Nam, chúng tôi cũng đã kiến nghị Chính phủ hai vấn đề. Thứ nhất là tăng thuế nhập khẩu gỗ và thứ hai là tạm dừng nhập khẩu gỗ từ nguồn này. Rất mừng là Bộ Công Thương đã có văn bản quyết định trong năm tới sẽ tạm dừng nhập khẩu gỗ từ Campuchia".

Theo ông Quyền, vẫn còn một số doanh nghiệp không đồng tình với quyết định này; tuy nhiên  vấn đề này có lợi cho cả hai quốc gia, việc tạm dừng cũng không ảnh hưởng tới ngành chế biến gỗ Việt Nam. Vì gỗ Campuchia chủ yếu là loại quý hiếm như: Trắc, Hương, Cẩm lai… không xuất được sang EU, giá gỗ lại rất đắt 40 - 60 triệu/m3. Như đã nói ở trên, chủ yếu gỗ nhập từ Campuchia sẽ tái xuất sang Trung Quốc và tiêu dùng nội địa. 

Còn theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa), vừa qua, từ ngày 22-23/10 tại TP. Hồ Chí Minh,  Việt Nam và Campuchia đã đối thoại chính sách về thương mại gỗ và song phương để đảm bảo tính hợp pháp và bền vững. “Tại cuộc họp này, tôi đã phát biểu, khẳng định chúng tôi không cần gỗ từ rừng tự nhiên, tốt nhất là quản lý để không tấc gỗ nào vượt ra khỏi biên giới. Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam phối hợp Chính phủ Campuchia xem cơ chế phối hợp ngăn chặn gỗ bất hợp pháp. Từng bước cấm nhập khẩu gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên”, ông Huỳnh Văn Hạnh nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Chế biến gỗ tại Công ty MIFACO (Bình Dương). Ảnh: H.V

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương - Điền Quang Hiệp, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ lớn hiện nay không sử dụng nguồn gỗ tự nhiên quý hiếm, bất hợp pháp như: lim, gụ, sến, hương, cẩm lai... Vì vậy, việc đáp ứng các điều kiện của EU theo Hiệp định VPA/FLEGT là hoàn toàn đạt yêu cầu. Tuy nhiên, quan trọng hơn là để tinh thần của Hiệp định lan tỏa tới ngành gỗ cả nước, nhất là các DN có sử dụng gỗ nguyên liệu NK hoặc nguồn gỗ trôi nổi. Vì xét tới cùng, về lâu dài Hiệp định này sẽ tốt cho chính ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Về phía các cơ quan thực thi luật pháp ở địa phương, bà Lê Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum cho rằng, trong thời gian tới, khi triển khai Hiệp đinh VPA, Chính phủ cũng như bộ, ngành phải có những quy định sửa đổi chính sách về lâm sản để thực thi trong thực tế, ví dụ cần có quy định để chứng minh được gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Đây là vấn đề vĩ mô. Khi có quy định cụ thể sẽ phải thực thi để đảm bảo gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp. Còn với quy định hiện hành, để cam kết hồ sơ gỗ từ Campuchia hợp pháp là chưa đủ. Cần có quy định để chứng minh gỗ có nguồn gốc hợp pháp.

Còn về quản lý gỗ nội địa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai Nguyễn Nhĩ cho biết: “Chúng tôi muốn quản lý theo hình thức giống như VPA, quản lý từ đầu vào tới đầu ra, từ khâu khai thác đến vận chuyển, tiêu thụ. Còn như hiện nay, kiểm lâm chỉ quản lý được một khúc nào đó, tạo ra nhiều kẽ hở trong mua bán, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ gỗ. Cần có cơ chế chính sách ràng buộc để chứng minh nguồn gốc gỗ từ bên nước xuất khẩu. Như vậy, hạn chế được nguồn gỗ lậu”. 

Ở một góc nhìn khác, theo một doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ Campuchia, hiện là giai đoạn thực sự khó khăn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ. Vì nguồn cung đang dần cạn kiệt, diện tích rừng giảm. Giá mua gỗ cũng giảm nên việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Thị trường này có thể chỉ tồn tại 3-5 năm nữa, vì hết nguồn gỗ được khai thác từ Campuchia, còn rừng bảo hộ thì không được khai thác. 
H.V/Báo Tin tức
Xe hết niên hạn sử dụng thường dùng để vận chuyển nông sản, gỗ lậu
Xe hết niên hạn sử dụng thường dùng để vận chuyển nông sản, gỗ lậu

Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn xe hết niên hạn nhưng vẫn cố tình lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN