Cơ hội từ xuất khẩu trái cây

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu trái cây và rau quả trong năm 2014 có khả năng đạt mức hơn 1,4 tỷ USD, con số cao nhất từ trước cho đến nay. Dự báo sẽ có làn sóng nhập khẩu lớn từ thị trường Việt Nam trong những năm tới sẽ là cơ hội cho nông dân và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản.

“Được mùa” xuất ngoại

Có thâm niên hơn 7 năm trong nghề xuất khẩu trái cây Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty Yasaka, cho biết: Chưa bao giờ công việc kinh doanh của DN lại khả quan như giai đoạn hiện nay khi đơn hàng từ hai thị trường nổi tiếng khó tính là Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục tăng. “Thị trường Nhật rất khó tính nhưng một khi họ đã tin vào sản phẩm của mình rồi thì rất chung thủy. Tất nhiên, để vượt qua các điều kiện khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm của họ, chúng ta phải tuân thủ nghiêm những yêu cầu về kỹ thuật, kiểm định do ngành chức năng nước bạn đưa ra”, ông Hưng giải thích.

Trái cây Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng ở những quốc gia khó tính ưa chuộng.


Trái ngược với tình trạng trái thanh long sạch dành cho xuất khẩu bị thương lái chê ỏng chê eo, nhà vườn phải bán đổ bán tháo vào các tháng trước, hiện thanh long đang được giá trở lại. Tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Vĩnh Long… thanh long được DN thu mua tại vườn có giá từ 14.000 - 18.000 đồng/kg, tăng 4-5 lần so với thời điểm tháng 9. Giá thanh long sản xuất sạch tăng đã góp phần đẩy giá thanh long thường cũng nhích lên tương ứng.

Thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu trái cây và rau quả đã đạt kim ngạch hơn 1,2 tỷ USD, vượt chỉ tiêu đề ra. Hiện nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... đã quan tâm đến thị trường trái cây tươi của Việt Nam. Chỉ tính 9 tháng qua, xuất khẩu thanh long vào thị trường Mỹ bằng cả năm 2013, đạt khoảng 1.300 tấn và dự kiến sẽ đạt 2.000 tấn trong cả năm 2014. Còn tại thị trường Nhật Bản, xuất khẩu thanh long cũng đạt 900 tấn, vượt khoảng 100 tấn so với cả năm 2014.

“Tiếp sau thành công của thanh long, trái chôm chôm rồi trái xoài và nhãn của ta đã được người tiêu dùng ở các quốc gia khó tính chấp nhận. Có được tin vui này là do chúng ta đã làm tốt công tác tư vấn, giúp DN triển khai hướng đến sản xuất sạch, đảm bảo những tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, DN trong nước cũng đã ý thức tính sống còn, hướng đến làm ăn lâu dài, bền vững khi chú trọng đầu tư nhiều hơn đến việc sản xuất sản phẩm đảm bảo những tiêu chí khắt khe của bạn hàng đưa ra”, ông Huỳnh Quang Đấu, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, đánh giá.

Tận dụng thời cơ


Tại hội thảo: “Nông sản Việt Nam với công nghệ Nhật Bản” vừa được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu cho rằng nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản nói chung và trái cây nói riêng - đặc biệt là Nhật Bản, hàng năm khá lớn nên cơ hội xuất khẩu vào thị trường này là rất tiềm năng. Tại Nhật Bản, do nguồn cung khó khăn nên nước này đang tính toán đến khả năng đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp sang những nước châu Á khác, hoặc tăng cường nhập khẩu. Các doanh nghiệp Nhật đang tìm đến Việt Nam để đầu tư công nghệ cho ngành nông nghiệp và đây là cơ hội để các DN trong nước có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, cũng như có sự đầu tư bài bản cho các vùng trồng.

Ông Nagahisa Oyama, Phó Chủ tịch Tập đoàn Aeon, cho biết Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nông sản, trong đó có trái cây. Hiện DN Nhật Bản sản xuất kinh doanh hàng nông sản đã sang Việt Nam đầu tư và sau đó đưa sản phẩm trở lại thị trường Nhật Bản cũng như nhiều thị trường khác. Thời gian tới, DN sẽ hợp tác với các nhà sản xuất trong nước đưa nông sản vào hệ thống bán lẻ của tập đoàn này và hướng đến mục tiêu xuất khẩu trong tương lai. Thành công ở thị trường Nhật Bản sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ sang thị trường khác khi hai nước đang đàm phán tham gia Hiệp định TPP, một thị trường chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu.

Theo kế hoạch, dự kiến chậm nhất là khoảng đầu năm 2015, Việt Nam sẽ tiếp tục đưa vú sữa và xoài vào Mỹ; thanh long ruột đỏ và xoài vào Nhật Bản; thanh long vào Đài Loan (Trung Quốc); chôm chôm vào New Zealand; thanh long, vải, xoài sẽ vào Australia… Đây là những tín hiệu lạc quan cho thấy mặt hàng trái cây trong nước đã có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. “Tuy nhiên để tận dụng cơ hội này, Việt Nam nên có những chiến lược phát triển lớn hơn trong ngành nông nghiệp để chuẩn bị cho nhu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu. Điều quan trọng nhất lúc này là các ngành chức năng phải chung sức cùng DN, nhà nông để đẩy nhanh, hiện thực hóa các chính sách phát triển sản xuất và xuất khẩu trái cây vào cuộc sống”, ông Đấu nói thêm.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Thêm cơ hội để trái cây Việt “xuất ngoại”
Thêm cơ hội để trái cây Việt “xuất ngoại”

Chưa bao giờ người trồng trái cây lại nhận nhiều tin vui như những ngày vừa qua. Tuy nhiên, cùng với việc có thêm thị trường mới cũng là lúc Việt Nam cần phải nỗ lực để đáp ứng các tiêu chí ngặt nghèo của thị trường xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN