Thành phố đang tập trung triển khai 14 dự án tái định cư cho người dân, đến nay đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng và di chuyển trên 10.000 ngôi mộ. Đến nay, 2 khu gồm 1 khu tại huyện Sóc Sơn và 1 khu tại huyện Thường Tín đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Thành phố cũng vừa khởi công xây dựng Dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư tại xã Văn Khê (Mê Linh) với diện tích gần 8 ha, tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng. Diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 25.000 m2 để phục vụ nhu cầu tái định cư của khoảng 200 hộ dân, khu này còn được bố trí 11.500 m2 đất công cộng, bãi đỗ xe và đất cây xanh, tạo điểm nhấn cảnh quan. Dự kiến các hạng mục hạ tầng như san nền, hệ thống thoát nước, đường giao thông được hoàn thành trước ngày 31/12 để giao đất cho các hộ dân. Các hạng mục còn lại như xây dựng vỉa hè, trồng cây xanh, hệ thống chiếu sáng hoàn thành tháng 5/2024.
Các khu khác hiện đang được đẩy nhanh các thủ tục liên quan. Nếu không kịp bố trí tái định cư trước Tết Nguyên đán 2024, Hà Nội sẽ tính toán phương án hỗ trợ tạm cư cho người dân.
Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô, đoạn đi qua địa bàn huyện Mê Linh có chiều dài 11,2 km, diện tích đất cần thu hồi 141 ha, đi qua 5 xã, 12 thôn liên quan hơn 3.000 hộ dân. Theo đó, diện tích đất ở chiếm gần 7 ha liên quan 438 hộ dân thuộc ba thôn: Nội Đồng (xã Đại Thịnh), Khê Ngoại 2 (xã Văn Khê) và Tân Châu (xã Chu Phan). Sau khi xây dựng khu tái định cư Văn Khê, huyện sẽ tiếp tục khởi công xây dựng hai khu tái định cư tại thôn Nội Đồng xã Đại Thịnh và tại thôn Tân Châu, xã Chu Phan.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, để phục vụ thu hồi đất ở, thực hiện dự án đường vành đai 4 cần tái định cư khoảng trên 800 hộ dân. Cụ thể, Mê Linh gần 300 hộ; Đan Phượng 115 hộ; Hoài Đức 115 hộ; Hà Đông 53 hộ; Thanh Oai 40 hộ và Thường Tín 201 hộ.
Theo báo cáo tổng hợp chung về tiến độ triển khai dự án tại ba địa phương (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh) đến gần hết tháng 8 cho thấy, giải phóng mặt bằng cơ bản đảm bảo tiến độ, đạt trên 90%. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng đối với phần đất ở còn chậm, đặc biệt là đầu tư các khu tái định cư, những vùng đất đai lâu đời, gắn với phát triển đô thị, phố phường.
Ngay từ khi triển khai dự án, huyện Thường Tín đã chủ động rà soát, kiến nghị thành phố vị trí các khu tái định cư. Sau khi UBND thành phố có văn bản chấp thuận vị trí của 4 khu tái định cư trên địa bàn huyện, các cơ quan chức năng của huyện Thường Tín đã khẩn trương hoàn thành thủ tục để sớm triển khai các dự án.
Đến nay, huyện Thường Tín đã khởi công 3 khu tái định cư tại xã Hồng Vân với quy mô 1,52 ha; khu tái định cư Văn Bình 3,82 ha và khu tái định cư Vân Tảo có quy mô 4,97 ha. Khu tái định cư xã Hồng Vân được khởi công từ đầu tháng 6/2023, trước khi khởi công Dự án đường Vành đai 4. Các khu tái định cư sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của một khu dân cư đô thị, với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết hợp hài hòa với khu dân cư hiện hữu.
Huyện Thanh Oai cũng đã tích cực xây dựng khu tái định cư tại thôn Thượng, xã Cự Khê với diện tích 7.315 m2 và tại thôn Đại Định, xã Tam Hưng rộng 13.019 m2 (tái định cư cho các hộ dân thuộc quận Hà Đông). Huyện đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng khu tái định cư tại xã Tam Hưng, cố gắng bàn giao đất cho các hộ tái định cư vào tháng 12/2023.
Tại huyện Hoài Đức cũng đang đẩy nhanh triển khai 2 khu tái định cư tại xã Đông La và xã Đức Thượng. Đối với khu Đông La, đang niêm yết dự thảo phương án của 37 hộ, diện tích 8.932,8 m2, với số tiền hơn 9 tỷ đồng, UBND huyện sẽ phê duyệt và chi trả vào đầu tháng 9/2023. Còn đối với khu tái định cư ở xã Đức Thượng, huyện đã kiểm đếm được 14/14 hộ và đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, niêm yết dự thảo theo quy định. Huyện dự kiến hoàn thành việc đầu tư xây dựng hai khu tái định cư này trong tháng 11/2023.
Trong các cuộc họp Ban chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng, xây đựng các khu tái định cư không được làm mất quyền lợi của người dân nhưng vẫn phải đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để thực hiện dự án. Các đơn vị liên quan phải quan tâm đến rà soát, kiểm đếm, khung giá đất để bảo đảm tái định cư đúng quy định, có phương án tạm cư nếu các dự án chưa bảo đảm tiến độ, hạ tầng khi đầu tư chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng đủ điều kiện sống của người dân; có kế hoạch chống tái lấn chiếm đối với phần diện tích đã giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án quy hoạch, triển khai tiếp đó.
Dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh có tổng vốn đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng với chiều dài toàn tuyến 112,8 km; trong đó, đoạn trên địa bàn thành hố Hà Nội dài khoảng 59,2 km đi qua 7 quận/huyện gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín. Tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án là 793,80 ha.