Cùng tham dự có các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang, các đồng chí lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Báo cáo về tình hình triển khai dự án đường Vành đai 4, đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có quy mô chiều dài 112,8km đi qua địa bàn của 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh (đoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội 58,2km; đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên 19,3km; đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh dài 25,6km và tuyến nối dài 9,7km). Điểm đầu nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng với tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập, bao gồm: 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn của từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công; 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công và dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo, UBND thành phố Hà Nội và UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần.
Đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thành phần được giao làm cơ quan chủ quản đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022. Các dự án thành phần do UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND tỉnh Hưng Yên làm cơ quan chủ quản, đến nay đã được phê duyệt, tuy nhiên chưa đạt theo yêu cầu tiến độ của Chính phủ.
Về kết quả thực hiện các dự án thành phần, công tác giải phóng mặt bằng đến nay, 3 tỉnh, thành phố đã thu hồi 1.134,11 ha đất, đạt 85,80%; di chuyển 7.000 ngôi mộ, đạt 41,35%. Việc giải phóng mặt bằng đối với phần đất ở còn chậm, chưa bố trí xong các khu tái định cư. Các địa phương phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng trước 31/12/2023; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu tái định cư, phấn đấu hoàn thành trong tháng 11/2023.
Về khảo sát mỏ vật liệu, nhu cầu vật liệu đất đắp, cát phục vụ thi công toàn dự án khoảng 9,656 triệu m3 đất; 7,5 triệu m3 cát xử lý nền đất yếu. Các đại phương đã khảo sát 33 mỏ đất, tổng trữ lượng khoảng 108 triệu m3, song đa số các mỏ đều chưa có giấy phép khai thác. Một số ít các mỏ có giấy phép cự ly vận chuyển xa, hạn chế cung cấp ra tỉnh ngoài. Khảo sát 40 mỏ cát, tổng trữ lượng khoảng 79 triệu m3, nhưng các mỏ cát tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội, phần lớn nằm trong quy hoạch; cự ly vận chuyển xa với 2 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên; công suất khai thác các mỏ có giấy phép đang hoạt động thấp….
Hiện nay, dự án còn gặp khó khăn, vướng mắc trong xây dựng các khu tái định cư và công tác giải phóng mặt bằng phần đất thổ cư, di chuyển mộ. Quá trình thẩm định và phê duyệt thiết kế sau thiết kế cơ sở Dự án thành phần 2.2 và Dự án thành phần 2.3 tại tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh đang được triển khai;…
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là phần diện tích đất ở, di chuyển mồ mả, bố trí khu tái định cư; rà soát và chủ động gửi văn bản đến UBND các tỉnh lân cận có mỏ vật liệu xây dựng thông thường chấp thuận danh mục các mỏ vật liệu trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng để phục vụ dự án.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết: Trong quá trình triển khai, Bắc Ninh đang khó khăn về giá trị tổng mức đầu tư thực tế của dự án thành phần 1.3 dự kiến khoảng 5.354 tỷ đồng, tăng khoảng 2.874 tỷ đồng so với giá trị sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội phê duyệt, do xác định đơn giá bồi thường đất ở theo giá thị trường; cự ly vận chuyển vật liệu xây dựng thông thường xa, làm tăng chi phí vận chuyển…
Tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Ban chỉ đạo xây dựng dự án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, trình Chính phủ cho phép tỉnh thực hiện điều hòa, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần 1.3 và 2.3 không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư 2 dự án tại chủ trương đầu tư. Ban chỉ đạo làm việc cụ thể với các địa phương có mỏ vật liệu, cam kết cung cấp đủ khối lượng vật liệu cho dự án; thống nhất bố trí đường công vụ phục vụ thi công dự án thành phần 2.3 vào phạm vi hành lang dự trữ mở rộng giai đoạn hoàn chỉnh của dự án thành phần 3;…
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho hay, trong giải phóng mặt bằng, Hưng Yên có 17 doanh nghiệp cần phải thu hồi một phần và thu hồi toàn bộ diện tích. Để tái bố trí mặt bằng cho các doanh nghiệp, tỉnh Hưng Yên đã điều chỉnh quy hoạch và chấp thuận vị trí khu đất có diện tích khoảng 11ha.
Tuy nhiên, việc xác định tài sản, máy móc thiết bị phải di chuyển là việc làm mới của tỉnh nên còn gặp khó khăn, chưa có trong định mức bộ đơn giá của tỉnh. Khi thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân để tái bố trí mặt bằng cho doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, nếu để các doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân tại vị trí mới thì sẽ phát sinh chi phí và mất nhiều thời gian dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án. Cùng với đó, kinh phí giải phóng mặt bằng đối với các phần đất trên tăng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt; các mỏ vật liệu không đủ cung cấp cho dự án…
Tỉnh Hưng Yên đề nghị Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép vận dụng cơ chế thu hồi đất theo Điều 62 của Luật Đất đai (Nhà nước thu hồi đất, hoàn thiện hạ tầng và bố trí trả mặt bằng cho doanh nghiệp). Ban Chỉ đạo tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đối với dự án thành phần 1.2….
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm Quốc gia, đi qua 3 địa phương, quy mô chia làm 3 tiểu dự án thành phần nhưng là các dự án lớn nhất của các địa phương. Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh phối hợp với Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ thiết kết sau thiết kế cơ sở dự án thành phần 2.2 và dự án thành phần 2.3 để đảm bảo khởi công dự án trong tháng 9/2023.
Cùng với đó, các địa phương tập trung cao vào công tác giải phóng mặt bằng các khu tái định cư, bố trí đất ở cho người dân. Trong đó lưu ý phải đầu tư đồng bộ về hạ tầng để tạo thuận lợi cho người dân; giải quyết các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn như đường điện, công trình thuỷ lợi, nước sạch, phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng bảo đảm 100% vào cuối tháng 12/2023 theo Nghị quyết của Chính phủ.
Các địa phương rà soát lại các mỏ vật liệu phục vụ kịp tiến độ thực hiện dự án; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai dự án…