Để đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, kinh tế tập thể Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ cho hợp tác xã trong việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chất lượng, an toàn, đạt các tiêu chuẩn OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu…, tìm kiếm thị trường thông qua các kỳ hội chợ, phiên chợ hàng Việt, kết nối giao thương với các tỉnh, thành trong cả nước. Đến nay, nhiều sản phẩm của các hợp tác xã, tổ hợp tác đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, góp phần tăng doanh thu, giải quyết việc làm cho người lao động.
Thông qua hoạt động của hệ thống khuyến nông và kinh phí hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ một số hợp tác xã chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt như: công nghệ thâm canh lúa SRI và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), hệ thống tưới nhỏ giọt, trồng rau an toàn cho thành viên và nông dân. Việc này đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có 19 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã.
Năm 2023, ngân sách tỉnh đã phân bổ 200 triệu đồng cho Liên minh Hợp tác xã tỉnh để hỗ trợ thành lập mới cho 20 hợp tác xã. Từ đầu năm đến nay đã thành lập được 4 hợp tác xã với kinh phí hỗ trợ 10 triệu/hợp tác xã. Liên minh Hợp tác xã tỉnh đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai hỗ trợ thành lập mới 2 liên hiệp hợp tác xã về du lịch và mua bán.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, chính sách tiếp cận vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, chính sách giao đất, thuê đất…
Theo báo cáo, hiện toàn tỉnh có 57 hợp tác xã (chiếm 30%) thực hiện liên kết và tiêu thụ nông sản cho thành viên dưới hình thức tự tiêu thụ hoặc liên kết với doanh nghiệp (khoảng 15 doanh nghiệp) tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (các sản phẩm lúa giống, lúa thương phẩm, lạc, ngô non và rau an toàn; 21 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 37 sản phẩm của 20 hợp tác xã được công nhận OCOP 3-4 sao.
Chất lượng hoạt động của các hợp tác xã ngày càng được đổi mới, phát triển. Nhiều hợp tác xã đã ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, điều hành hoạt động vận tải; 100% phương tiện tham gia kinh doanh vận tải của các hợp tác xã đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nhờ đó, năng lực vận tải của hợp tác xã dần được nâng cao, thông qua việc huy động vốn, tài sản, phương tiện của thành viên, đổi mới phương thức tổ chức quản lý của hợp tác xã.
Các hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, chủ động tham mưu cùng với chính quyền tham gia phát triển sản xuất như xây dựng cánh đồng mẫu, cánh đồng mẫu lớn, chuyển đổi cây trồng, mùa vụ, liên kết chuỗi giá trị, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Ngoài ra, các hợp tác xã nông nghiệp cũng đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước tham gia liên kết chuỗi trong quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Một số hợp tác xã bắt đầu mạnh dạn hơn trong việc tiếp thị sản phẩm ra thị trường các tỉnh khác và tham gia các hoạt động kết nối giao thương để tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu sang thị trường các nước lân cận.
UBND tỉnh cũng xây dựng kế hoạch về nhu cầu vốn thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Định là 7.252,5 triệu đồng; trong đó, vốn đầu tư phát triển là 5.660 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 1.592,5 triệu đồng.
UBND tỉnh cũng xây dựng mục tiêu nâng số lượng hợp tác xã là 276 hợp tác xã với 277.348 thành viên. Doanh thu bình quân của một hợp tác xã vào khoản 3,4 tỷ đồng và năm 2024 tới và phấn đấu có 21 hợp tác xã thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tỉnh phấn đấu năm 2024 thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã là 48 triệu đồng/năm.