Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội lớn để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long hiện có trên 2.500 hợp tác xã nông nghiệp, chủ yếu sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản... Nếu chuyển đổi sản xuất các hợp tác xã thành công sẽ thúc đẩy phát triển vùng.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Ảnh tư liệu: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã khẳng định như vậy tại hội nghị triển khai Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại thành phố Cần Thơ chiều 22/11.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Đề án này là một trong những nội dung nằm trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hai nội dung cơ bản là: nâng cao năng lực của hợp tác xã thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng, sau đó nhân rộng các mô hình hợp tác xã hiệu quả. Đề án là cơ hội để các hợp tác xã nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

"Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vấn đề khó nhưng cần phải triển khai và đạt kết quả" - Thứ trưởng chia sẻ.

Hiện nay, từ trồng lúa, mỗi năm ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 1,5 triệu tấn trấu và 215 triệu tấn rơm. Cây lúa tạo ra nhiều giá trị gia tăng như: rơm cuộn bán làm thức ăn gia súc, làm phân hữu cơ; mỗi nhà máy xay xát 300 tấn lúa/ngày sẽ tạo ra 60 tấn trấu bán được 60 - 80 triệu tiền trấu... Đây là tiềm năng của sản xuất lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Khu vực này đang có các mô hình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính đem lại hiệu quả như: 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng... các địa phương, hợp tác xã nên củng cố những mô hình này và nhân rộng. Nếu áp dụng sớm ngay từ bây giờ, năm 2024, các hợp tác xã có thể hưởng khoản tiền áp dụng sản xuất giảm phát thải khí nhà kính (tín chỉ carbon) từ nguồn tiền được Ngân hàng Thế giới và tổ chức chi trả với 150 USD/ha. Đây là cơ hội của các hợp tác xã nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Đồng bằng sông Cửu Long có trên 2,4 triệu ha đất nông nghiệp; trong đó, chủ yếu là sử dụng cho sản xuất lúa (trên 2 triệu ha), còn lại sử dụng cho nuôi trồng thủy sản 700.000 ha, hoa màu ngắn ngày khoảng 150.000 ha và gần 300.000 ha cây ăn quả. Mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp cho cả nước 27 - 28 triệu tấn lương thực và thực phẩm.

Việt Nam được đánh giá là nước sản xuất lương thực và xuất khẩu lương thực quan trọng của thế giới nhưng giá trị nông sản tạo ra trên mỗi đầu người nông dân rất thấp. Việc sản xuất nông sản thô ra thị trường khó có thể làm nông dân khá lên được; thậm chí vẫn lẩn quẩn trong nghèo đói do những tác nhân bất lợi như: biến đổi khí hậu, thay đổi nguồn nước và cạnh tranh cao trong thị trường nông nghiệp quốc tế.

Sản xuất giảm phát thải khí nhà kính là cơ hội chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, từ sản xuất giảm phát thải khí nhà kính để đạt được tín chỉ carbon đem bán thu về giá trị gia tăng cho người nông dân là thách thức.

Tại hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận về thực trạng và định hướng phát triển bền vững hợp tác xã nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt tín chỉ carbon; giải pháp sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch làm nguồn tài nguyên tái tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, biến chất thải thành tiền cho nông dân...

Để Đề án đạt kết quả, theo Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Hoàng Vũ Quang, nên ưu tiên hợp tác xã tham gia vùng nguyên liệu, vùng sản xuất lúa đạt 1 triệu ha đạt chứng chỉ carbon; hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực cán bộ và áp dụng các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng tài liệu, hướng dẫn hợp tác xã tổ chức sản xuất để đạt chứng chỉ carbon, tham gia các dự án giảm phát thải khí nhà kính...

Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai thực hiện tại 13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cho các hợp tác xã nông nghiệp chủ động áp dụng các biện pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 100% hợp tác xã nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản sản phẩm nông lâm, thủy sản, diêm nghiệp...

Theo đó, Đề án ưu tiên hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp áp dụng biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tổ chức sản xuất quy mô lớn, cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản; hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp và thành viên hợp tác xã phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh, chế biến, bảo quản lúa, gạo, trái cây, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, hải sản.

Cùng đó, khuyến khích sử dụng phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp để sản xuất ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao; phát triển đa dạng mô hình liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, giữa hợp tác xã với hộ nông dân, mô hình chuỗi giá trị nông sản khép kín của hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp nông thôn, mô hình thích ứng biến đổi khí hậu kết hợp kiến thức bản địa...

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông nghiệp nông thôn, việc áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tăng giá trị nông sản thông qua khâu chế biến sẽ giúp tăng thu nhập cho nông dân; đồng thời giúp quảng bá hình ảnh nông sản Việt, hình ảnh nông dân Việt Nam sản xuất có trách nhiệm với môi trường ra toàn thế giới.

Thu Hiền (TTXVN)
Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa tăng nhẹ
Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa tăng nhẹ

Trong tuần qua, số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự tăng nhẹ, trong khi đó một số loại gạo lại giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN