Chứng khoán Mỹ năm 2014: Vẫn có cơ hội lớn

Việc chỉ số Dow Jones đã tăng 2,5 lần so với mức đáy năm 2009, cộng thêm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu cắt giảm chính sách nới lỏng định lượng (QE) khiến năm 2014 dường như không phải là khoảng thời gian thuận lợi cho thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, tương lai có thể sẽ cho câu trả lời khác.

Chứng khoán Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà tăng trong năm 2014.


Chứng khoán Mỹ đã kết thúc năm 2013 ở mức cao kỷ lục, chỉ số S&P 500 tăng cao nhất trong 16 năm qua, chỉ số Dow Jones cũng tăng cao nhất trong 18 năm, đứng ở mức cao hơn 2,5 lần so với đáy của năm 2009 (6.500 điểm).

Tuy nhiên, trong hai phiên đầu tiên của năm 2014, các chỉ số chính của Phố Wall đều quay đầu giảm điểm. Màu đỏ có thể sẽ lại phủ lên chứng khoán Mỹ khi biên bản hội nghị tháng 12/2013 của FED được công bố vào rạng sáng 9/1 (theo giờ Việt Nam) và mang đến nhiều gợi mở về bước cắt giảm QE của FED.

Dự kiến, số liệu việc làm tháng 12/2013 được công bố vào ngày 10/1 tới, bao gồm cả những thay đổi về việc làm và tỉ lệ thất nghiệp trong lĩnh vực phi nông nghiệp, cũng sẽ có thể trở thành căn cứ để FED tiếp tục đưa ra quyết định cắt giảm quy mô QE trong cuộc họp diễn ra cuối tháng này.

Thị trường dự đoán tỉ lệ thất nghiệp tháng 12/2013 của Mỹ sẽ duy trì ở mức 7% và nước này đã tạo ra 195.000 việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Trong khi đó, theo phân tích của MarketWatch, nếu tháng 12/2013, Mỹ tạo ra được 190.000 việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp, FED sẽ đẩy mạnh cắt giảm QE.

Vấn đề ở chỗ vào tháng trước, khi tuyên bố khởi động kế hoạch cắt giảm QE, Chủ tịch FED Ben Bernanke đã nhấn mạnh nếu tình hình kinh tế thay đổi có thể sẽ tạm dừng việc cắt giảm QE. Điều này dự báo người kế nhiệm ông Bernanke, bà Janet Yellen, có thể sẽ phải giảm tốc độ cắt giảm QE nếu lãi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh, thị trường chứng khoán Mỹ xuất hiện điều chỉnh lớn, nhằm ổn định thị trường tài chính Mỹ, giảm tác động của việc cắt giảm QE đối với tiến trình phục hồi kinh tế, bảo vệ mầm sống của sự phục hồi kinh tế. Tại sao vậy?

Trong 5 năm qua, ông Bernanke đã ba lần thực hiện QE nhằm thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế Mỹ, nhưng chỉ có một lượng tiền hữu hạn chảy vào nền kinh tế thực thể của Mỹ. Dẫu vậy, ông Bernanke vẫn tăng tốc độ in tiền, mục đích không ngoài việc gây áp lực giảm lãi suất trái phiếu Mỹ, từ đó làm giảm lãi suất cho vay các loại, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư, người dân đẩy mạnh tiêu dùng.

Dòng tiền bơm ra cũng giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, tạo hiệu ứng giàu có, hỗ trợ tốt hơn cho nhân tố trụ cột của kinh tế Mỹ là tiêu dùng vốn chiếm 70% GDP. Một vấn đề không kém phần quan trọng khác là sự phồn vinh trên thị trường chứng khoán sẽ tăng niềm tin vào viễn cảnh tương lai, gieo mầm phục hồi cho kinh tế nước này.

Trong khi đó, FED đẩy mạnh cắt giảm QE sẽ khiến lãi suất trái phiếu Mỹ tăng cao, gây áp lực đối với thị trường chứng khoán. Thực tế cho thấy lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ hiện đã tăng lên 3% từ mức thấp nhất của năm 2013 là 1,6%, đạt được vào hồi tháng 5, trong tương lai có khả năng trở về mức 4% của thời kỳ trước khi thực hiện QE.

Việc thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh trong những phiên đầu năm 2014 phần nào đã phản ánh nỗi lo lắng: Mỹ tăng quy mô cắt giảm QE, lãi suất trái phiếu tiếp tục đi lên, làm gia tăng lãi suất cho vay, khiến giá thành vốn đầu tư của doanh nghiệp tăng, lợi nhuận giảm, giáng đòn mạnh vào mong muốn đầu tư và tuyển dụng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay tăng cũng sẽ tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản và mong muốn tiêu dùng của người dân vừa ấm trở lại, không có lợi cho sự phục hồi kinh tế.

Có lẽ vì vậy, trước khi bàn giao chiếc ghế Chủ tịch FED cho bà Yellen, ông Bernanke đã nói rằng cắt giảm quy mô QE không có nghĩa kết thúc QE. Chiếc máy in tiền Mỹ sẽ vẫn hoạt động để bảo vệ thị trường trái phiếu, bảo vệ thị trường chứng khoán nhằm tiếp tục hỗ trợ công cuộc phục hồi kinh tế.

Trong trường hợp lãi suất trái phiếu tăng, FED cũng sẽ cố gắng hết sức kiểm soát biên độ và tốc độ không để mức tăng quá lớn, quá nhanh và ra sức duy trì ổn định của thị trường chứng khoán. Cho nên, dù FED rút QE, nhưng cùng với sự phục hồi của kinh tế Mỹ, phố Wall vẫn có cơ hội lớn trong năm 2014. Theo chuyên gia kinh tế trưởng Jeffrey Kleintop của LPL Financial, trong năm 2014, chứng khoán Mỹ sẽ tăng 10 - 15%.
 

Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hong Kong)


5 điều ít biết về lịch sử của FED
5 điều ít biết về lịch sử của FED

Cách đây 100 năm, vào đúng ngày 23/12/1913, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã ký Luật Dự trữ Liên Bang, qua đó thành lập Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Sau đây là 5 điều mà mọi người có thể chưa biết về cơ quan này:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN