Để đáp ứng yêu cầu mới trong sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ các doanh nghiệp trong nước đang dần thay đổi phương thức sản xuất, tự nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thay đổi chiến lược cạnh tranh
Trong chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, cùng với chất lượng nguyên liệu, mẫu mã và sự sáng tạo trong chế biến chiếm tầm quan trọng không nhỏ trong sản xuất và thương mại.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đến năm 2025 đạt 15 tỷ USD. Để làm được điều này, ngành chế biến gỗ cần có những thay đổi trong sản xuất. Đó là chuyển 80% sản xuất theo kiểu gia công theo hợp đồng (OEM) sang sản xuất có bản quyền của ngành gỗ Việt Nam (ODM). Với cách thay đổi sản xuất này, thiết kế đóng vai trò sống còn trong nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ cho các doanh nghiệp chế biến gỗ nói riêng mà là của toàn ngành sản xuất, chế biến gỗ Việt Nam.
Dự báo, năm nay kim ngạch ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ, mỹ nghệ Việt Nam lần đầu tiên sẽ cán mốc 9 tỷ USD, trở thành một trong 7 ngành có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo định hướng phát triển bền vững của Chính phủ, sẽ đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ hợp pháp và uy tín của thế giới. Toàn ngành gỗ từng bước thực hiện kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh qua khả năng thiết kế, đa dạng mẫu mã, đào tạo nguồn nhân lực thiết kế trẻ trung và sáng tạo để hoàn thành mục tiêu được đặt ra.
Ngành gỗ đang dần chuyển dịch xu hướng cạnh tranh từ giá sang chất lượng. Trong tương lai, để ngành gỗ cạnh tranh và tồn tại chính là những thiết kết mang tính độc quyền.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết thêm, ngoài những thay đổi chiến lược sản xuất, ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam cũng cần có sự chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Hiện nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng nước nước vốn đa dạng, như gỗ cao su, gỗ tràm, keo… Diện tích cao su đại điền chiếm 40% tổng diện tích cao su cả nước và cũng đang được khai thác dần.
Do đó, trong thời gian tới, các doanh nghiệp gỗ cần có kế hoạch chuyển đổi chủng loại gỗ để phục vụ cho sản xuất và quảng bá sản phẩm. Trong những loại gỗ rừng trồng, gỗ tràm có phẩm chất tương đương với gỗ cao su, có thể thay thế gỗ cao su trong trường hợp nguồn nguyên liệu gỗ cao su khai thác chưa đáp ứng kịp cho doanh nghiệp và các đơn hàng. Các doanh nghiệp chế biến gỗ cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ với các trang trại cao su, trang trại tràm tại Cà Mau, Kiên Giang để duy trì nguồn gỗ hợp pháp, kịp thời này.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ, thống nhất với nhau về chiến lược marketing để tránh sự ép giá từ các đơn vị đặt hàng. Việc bảo vệ các thiết kế mang tính độc quyền không chỉ là nhiệm vụ của từng doanh nghiệp, mà đây chính là nhiệm vụ của cộng đồng doanh nghiệp, bảo vệ lẫn nhau trong cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Để có thể trụ vững trước những biến động thị trường hiện nay, các doanh nghiệp phải vừa là bạn, vừa là người thầy của nhau để hướng dẫn nhau các kỹ thuật sản xuất hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi ra thị trường thế giới, ông Hoàng Ích Tuân, Giám đốc Công ty Cổ phần Tekcom (Bình Dương) chia sẻ.
Thêm nhiều chính sách hỗ trợ xuất khẩu
Ngày 4/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phê duyệt Đề án Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng để nâng cao chất lượng gỗ, đáp ứng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Theo đó, mục tiêu của đề án này nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và các giá trị dịch vụ môi trường rừng. Đề án cũng thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng ở Việt Nam, nhằm đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu sản xuất sản phẩm đồ gỗ cho thị trường trong nước và thế giới. Truy xuất nguồn gốc gỗ (gỗ hợp pháp) để nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo đối với những người sống bằng nghề trồng rừng, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành lâm nghiệp.
Hiện toàn bộ ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, tổ chức kinh tế và doanh nghiệp đang quản lý hơn 7,2 triệu ha rừng, hoàn thành việc xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững.
Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ công nhận nhiều loại chứng chỉ rừng hợp pháp của các tổ chức cấp chứng chỉ rừng thế giới trong hoạt động đánh giá và cấp chứng chỉ rừng tại Việt Nam. Hình thành tổ chức trong nước đáp ứng yêu cầu về chuyên môn để cấp chứng chỉ rừng theo quy định của Việt Nam và tổ chức cấp chứng chỉ rừng thế giới. Duy trì toàn bộ diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ là hơn 200.000 ha; trong đó có 88 ha rừng tự nhiên và hơn 140.000 ha rừng trồng.
Từ nay đến năm 2020, sẽ cấp chứng chỉ cho 300.000 ha rừng trồng với mục đích sản xuất và phòng hộ của các tổ chức, hộ gia đình, ban quản lý rừng phòng hộ. Giai đoạn từ năm 2020 - 2030, xây dựng và tổ chức cấp chứng chỉ rừng cho 1 triệu ha rừng trồng sản xuất, phòng hộ của các tổ chức, hộ gia đình và ban quản lý rừng phòng hộ.
Việc cấp chứng chỉ rừng được thực hiện theo cấp, theo đó, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thẩm định để cấp chứng chỉ rừng đối với các chủ rừng thuộc tỉnh, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ thẩm định đối với các chủ rừng thuộc bộ, ngành trung ương.
Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ, theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt này, mô hình quản lý rừng bền vững vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu hợp pháp, phục vụ cho xuất khẩu, vừa là nơi tham quan, học tập, phục vụ trong đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các đối tượng là cán bộ chuyên môn, chủ rừng. Đây cũng là hiện trường để đánh giá thử nghiệm các tiêu chí quản lý rừng bền vững Việt Nam trước yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng thế giới.