Huyện biên giới Giang Thành, tỉnh Kiên Giang là địa phương có số lượng đàn bò lớn nhất tỉnh, với hơn 5.000 con. Từ đầu tháng 1/2025 đến nay giá bò hơi và bê tăng lên làm cho người chăn nuôi phấn khởi, tuy nhiên ở một số hộ nuôi xuất hiện bệnh trên bò cũng làm cho người dân lo lắng. Bà Thị Chươl, một trong những hộ nuôi nhiều bò ở xã Phú Lợi, huyện Giang Thành cho biết, 3 năm nay gia đình duy trì đàn bò từ 6-8 con. Trong năm 2024, đàn bò khỏe mạnh 100%, tuy nhiên trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt làm cho 2 trong số 6 con bò của gia đình tiêu chảy, bỏ ăn trong nhiều ngày. Trước tình hình trên, gia đình đến cơ sở thú y mua thuốc điều trị, kết hợp với điều chỉnh chế độ chăm sóc hơn 3 tuần đàn bò mới phục hồi sức khỏe.
“Qua thăm khám, theo bác sĩ thú y cho biết bò nhà tôi bệnh tụ huyết trùng và tiêu chảy, nguyên nhân là do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng (hơn 37 độ C) và xuất hiện một số cơn mưa đột ngột, chênh lệch nhiệt độ cao. Cùng với đó là chế độ thức ăn không phù hợp, cho bò ăn quá no. Hiện tại đàn bò mạnh khỏe, gia đình tôi tiêm vaccine ngừa các bệnh đầy đủ, đồng thời che chắn lại chuồng trại để đảm bảo ảnh sáng đầy đủ, cho bò ngủ mùng vào chiều tối đến hơn 8h sáng hôm sau như khuyến cáo của bác sĩ thú y để đàn bò mạnh khỏe”, bà Chươl chia sẻ.
Hộ ông Danh Be, ở xã Thới Quản, huyện Gò Quao hiện đang nuôi 6 con trâu đang trong giai đoạn chuẩn bị xuất chuồng. Theo ông Be, giá trâu hơi hiện tại đang khá cao, khoảng 120.000 đồng/kg, mỗi con trâu đến lứa bán thường đạt trọng lượng khoảng 300-400 kg, trung bình giá khoảng 35 - 45 triệu đồng/con. Nuôi trâu dễ chăm sóc, không phải tốn nhiều chi phí, do chúng ăn cỏ, rơm sẵn có ở đồng ruộng, các bãi đất hoang nên người nuôi có lời tương đối cao. Tuy nhiên, theo ông Be, qua 20 năm gắn bó với nghề trâu cũng cho thấy, trâu thường xuất hiện một số bệnh như: lở mồm long móng, chướng hơi dạ cỏ, tụ huyết trùng, giun sán, tiêu chảy…
Để bảo vệ đàn trâu, bên cạnh tiêm ngừa đầy đủ một số loại vắc xin phòng ngừa theo khuyến cáo của ngành Thú y, ông Be đặc biệt chú ý và điều chỉnh chế độ chăm sóc, cho ăn, nước uống ở từng điều kiện thời tiết của từng thời điểm trong năm. Cụ thể, trong thời gian nắng nóng gay gắt xen kẽ những trận mưa đầu mùa, ông Be thả trâu đi ăn cỏ lúc sáng sớm, dẫn về chuồng trước 9h sáng; bỏ mùng xuyên suốt, giảm số lần tắm đàn trâu từ 2 lần/ngày xuống còn 2 ngày tắm 1 lần vào khoảng 9h sau khi cho trâu ăn; không cho trâu ăn quá no trong mỗi lần cho ăn; đồng thời phun xịt tiêu độc khử trùng vệ sinh chuồng trại 1 lần/tuần để phòng dịch bệnh.
Cùng với đàn gia súc, tỉnh Kiên Giang có số lượng đàn gia cầm lớn hơn so với nhiều tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 4,8 triệu con, trong đó chủ yếu là đàn vịt, gà. Ông Nguyễn Văn Thanh, hộ nuôi vịt chạy đồng tại xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao cho biết, quê quán ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho vịt chạy đồng sang đồng lúa thuộc huyện Gò Quao hơn 1 tháng qua để cho vịt ăn đồng. Hộ ông Thanh thực hiện khai báo tình hình chăn nuôi kịp thời đến ngành Thú y địa phương và cung cấp đầy đủ giấy đã tiêm ngừa vaccine bệnh cúm gia cầm, bệnh tụ huyết trùng.
“Bây giờ không như ngày xưa, ngành thú y có quy định, khuyến cáo rõ ràng về các quy định chăn nuôi, điều này giúp nông dân chăn nuôi hiệu quả, không xảy ra dịch bệnh cũng là bảo vệ tài sản của mình nên tôi thực hiện đúng theo các hướng dẫn. Đàn vịt đẻ của tôi hơn 950 con, tuy nhiên do mưa nắng thất thường trong khoảng 1 tháng qua làm cho hơn 30 con bị bại liệt, phải tuyển bán nên hiện còn 920 con, mỗi đêm đẻ hơn 800 quả trứng, bán với giá 2.200 đồng/quả giúp gia đình có lời hơn 1 triệu đồng/ngày”, ông Thanh chia sẻ.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang, đàn trâu của tỉnh hiện có gần 3.200 con, đàn bò có hơn 8.400 con, đàn lợn hiện hơn 250.000 con, đàn gia cầm hơn 4,8 triệu con. Trong đó, đàn lợn tăng hơn 25.000 con so với cùng kỳ 2024, đàn bò giảm hơn 200 con, đàn gia cầm giảm hơn 1 triệu con.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định, dịch bệnh ít xảy ra và không có dịch lây lan ở diện rộng. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi luôn được quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng loạt như: vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật...
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch năm 2025 về phòng, chống dịch bệnh và kế hoạch cấp phát, sử dụng miễn phí hóa chất sát trùng phòng, chống các bệnh truyền nhiễm trên gia súc; duy trì tiêm phòng 3 bệnh đỏ trên lợn và tiêm phòng bệnh cúm trên gia cầm bổ sung hàng tháng; tăng cường hướng dẫn khuyến cáo người chăn nuôi cần lưu ý về chuồng trại đảm bảo vệ sinh, thông thoáng, an toàn sinh học và thường xuyên khử trùng khu vực nuôi để tiêu diệt mầm bệnh.
Ngành chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tăng cường tuần tra kiểm soát, nhằm có biện pháp ngăn chặn kịp thời, vận chuyển, mua bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các chủ cơ sở phải đảm bảo cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, giấy chứng nhận tiêm phòng đối với số động vật được vận chuyển vào địa điểm giết mổ. Thể trạng đàn vật nuôi cũng được nhân viên thú y tại địa phương kiểm tra nghiêm ngặt trước khi tiến hành giết mổ.
Cùng với đó, ngành chỉ đạo cho các đơn vị chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật làm giống, rà soát tình hình tổng đàn mới nhập, kiên quyết không cho nhập vào tỉnh những trường hợp phát sinh mới không rõ nguồn gốc, thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh động vật đến tận các hộ nuôi.