Chính quyền, doanh nghiệp và báo chí đóng vai trò quan trọng trong ‘chuyển đổi xanh’

Sáng 2/4, tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VII - năm 2023 với chủ đề “Chuyển đổi Xanh” đã chính thức được khai mạc.

Đây là sự kiện được Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, Báo Phú Yên tổ chức. Sự kiện là tiếp nối thành công của Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” qua các năm; Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng tỉnh Phú Yên (01/4/1975 - 01/4/2023).

Sự kiện cũng truyền thông về thực hiện lộ trình cam kết của Việt Nam tại COP26 về mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” (Net Zero) vào năm 2050, tại COP27 về giải pháp chuyển đổi năng lượng để thực hiện các cam kết khí hậu được các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà báo triển khai.

Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là mục tiêu quan trọng 

Phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng được Đảng, Nhà nước ta luôn xác định trong các văn kiện hoạch định đường lối về phát triển kinh tế - xã hội đất nước. 

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban tuyên giáo Trung ương - phát biểu tại Diễn đàn sáng 2/4.

Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Đảng, nội dung chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đã được nghiên cứu, tích hợp vào nhiều văn bản luật, nghị định, thông tư trong các lĩnh vực cụ thể, đã tạo hành lang pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi xanh, phát triển xanh của Việt Nam thời gian qua.

Đặc biệt, Chính phủ đã ký kết, tham gia nhiều hiệp định và giao ước quốc tế về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris về hỗ trợ phát triển; đã thúc đẩy xây dựng các công trình xanh, quy hoạch và đầu tư vào các khu công nghiệp và khu đô thị xanh, nhằm giảm thiểu tác động của các hoạt động kinh tế đến môi trường…

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài đánh giá, sau 10 năm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả, các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực.

“Có thể thấy, xuyên suốt các văn kiện của Đảng, Nhà nước đều thể hiện quan điểm: Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trên tinh thần không đánh đổi môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; bảo đảm sự an toàn của con người, bảo đảm về chính trị, xã hội, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; lấy môi trường và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu”, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban tuyên giáo Trung ương khẳng định.

Chú thích ảnh
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương phát biểu tại diễn đàn.

Đại diện tỉnh Phú Yên cho biết, Phú Yên là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bờ biển dài 189km, với nhiều đầm, vịnh nước trong xanh, bờ cát trắng, bãi biển đẹp, nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác trong khu vực miền Trung, do tác động của biến đổi khí hậu, Phú Yên chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết cực đoan. Hạn hán, thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt vào mùa Hè; mưa bão vào mùa Đông, gây khó khăn, bất lợi cho sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của người dân.

Phát biểu tại Diễn đàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương nhấn mạnh, trong nhiệm vụ chuyển đổi xanh, bảo vệ tài nguyên, môi trường thì công tác tuyên truyền để từng người dân, doanh nghiệp cùng tham gia là hết sức quan trọng. Trong công tác tuyên truyền, chủ trương của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh là xây dựng TP Tuy Hòa là một trong những thành phố sạch nhất nước. Nghị quyết cũng thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, thành phố trong triển khai thực hiện mục tiêu này.Để thực hiện được mục tiêu này, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng Phú Yên sẽ thực hiện theo hướng từ nhiệm vụ dễ đến khó, xây dựng các mô hình từ rẻ đến đắt để công tác bảo vệ môi trường ở địa phương sẽ có bước chuyển dịch vững chắc.

Trong đó, TP Tuy Hòa được định hướng xây dựng trở thành thành phố ánh sáng. Mỗi gia đình thiết lập hệ thống đèn led, tạo sự khác biệt, diện mạo mới cho khu vực thành phố. Phú Yên có nhiều vùng nuôi trồng thủy sản mang lại nguồn lợi lớn, Bí thư tỉnh ủy cho biết địa phương cũng đã xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản được định hướng, quy hoạch ở các địa phương trên địa bàn, có sự kiểm soát về mô hình cũng như công tác bảo vệ môi trường. Tỉnh có mời các chuyên gia trong nước, quốc tế nghiên cứu, hỗ trợ giải quyết các vấn đề về môi trường, từ đó định hướng cho các địa phương trong đầu tư nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, Phú Yên cũng có tiềm năng về cung cấp điện, điện năng. Phú Yên đang thực hiện một số dự án, trung tâm dữ liệu về điện… Đồng thời tìm hiểu, học tập các kinh nghiệm, góp ý từ các chuyên gia trong quá trình triển khai, thực hiện các mô hình, dự án liên quan đến bảo vệ tài nguyên, môi trường trên địa bàn tỉnh.

Báo chí cần tìm kiếm, phát hiện, tuyên truyền, giám sát, thúc đẩy chuyển đổi xanh

TS Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ, rất cần vai trò của chính quyền, doanh nghiệp và báo chí...

Chú thích ảnh
TS Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phát biểu tại diễn đàn.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia đưa ra cam kết nỗ lực đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 với nỗ lực quốc gia và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Sau hơn một năm kể từ khi đưa ra cam kết, việc thực hiện cam kết của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Các Bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Đề án, Chiến lược, Kế hoạch hành động.

“Có thể thấy việc triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đã được thực hiện tương đối đều khắp, từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng, và có sự hỗ trợ, đồng hành của cộng đồng quốc tế. Đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của nhân loại, giúp Việt Nam tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ. Vì vậy, tôi cho rằng như chủ đề của diễn đàn, để mục tiêu này thành hiện thực, cần cần các nhà quản lý, doanh nghiệp và đặc biệt là các nhà báo thể hiện vai trò của mình”, ông Phạm Văn Tấn nhấn mạnh.

Khẳng định vai trò của báo chí trong công cuộc “chuyển đổi xanh”, nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh cho biết, báo chí không chỉ đưa tin về các sự kiện Chuyển đổi Xanh của các doanh nghiệp, nhà máy mà báo chí còn phải đồng hành, theo dõi, thúc đẩy và giám sát quá trình thực hiện các nhà máy có tính biểu tượng “chuyển đổi xanh” để làm sao càng nhiều nhà máy chuyển đổi xanh được thực hiện ở Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam càng thể hiện mạnh mẽ quyết tâm thực hiện cam kết COP26 và lộ trình hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26 càng gần lại nhằm góp phần thực hiện mục tiêu lâu dài, đó là: Phát triển xanh của đất nước và đóng góp trách nhiệm cứu lấy hành tinh của chúng ta.

Theo nhà báo Lê Xuân Trung, báo chí đóng vai trò vào chuyển đổi xanh cần phải đồng thời thực hiện được 3 mục tiêu: Chuyển đổi xanh; chuyển đổi số và chuyển đổi tư duy. Trong đó, Nhà báo cần chuyển đổi tư duy theo hướng thúc đẩy, giám sát chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh và hiệu quả hơn.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban tuyên giáo Trung ương cho rằng, để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, công tác tuyên truyền thời gian tới cần chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó nhấn mạnh: Việc chuyển sang nền kinh tế xanh được coi là giải pháp xử lý hài hòa nhu cầu phát triển kinh tế và việc giảm nguy cơ thiên nhiên bị tàn phá, giảm thiểu nguy cơ các loại virus nguy hiểm tấn công xã hội con người mà ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 là một ví dụ thực tế.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ thông tin, đóng góp ý tưởng, sáng kiến, đề xuất giải pháp trong kiểm soát kiểm kê khí nhà kính, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, thực hiện kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Lê Công Thành trân trọng cảm ơn sự tham gia của đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, phóng viên, nhà báo, đại diện cộng đồng doanh nghiệp… tới tham dự và phát biểu ý kiến tại Diễn đàn quan trọng hôm nay.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các ý kiến tại Diễn đàn sẽ được Bộ Tài Nguyên và Môi trường tiếp thu để hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường.

"Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng trân trọng cảm ơn Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban ngành Phú Yên và Báo Phú Yên đã tích cực hỗ trợ, đồng hành để tổ chức Diễn đàn", Thứ trưởng Lê Công Thành nói.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” do Báo Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức đã trở thành sự kiện thường niên và là địa chỉ để các đại biểu tham dự cùng chia sẻ, trao đổi về các lĩnh vực nóng của ngành tài nguyên môi trường.

“Qua mỗi kỳ tổ chức, Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” ngày càng nhận được sự quan tâm, tham gia hưởng ứng của nhiều nhà quản lý ở cả Trung ương và địa phương, Lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân”, Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận tất cả các báo cáo tham luận, các ý kiến đóng góp, gợi mở, chia sẻ, cũng như các đề xuất kiến nghị của các cơ quan, đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan thông tấn, báo chí tham dự Diễn đàn hôm nay.

“Tất cả các ý kiến đóng góp, gợi ý, chúng tôi sẽ xem xét tiếp thu, nghiên cứu để phục vụ mục đích sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường, với mục tiêu chung nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, COP27, đặc biệt là Cam kết chính trị Chuyển đổi năng lượng công bằng giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế (JETP) vừa được tuyên bố tháng 12/2022 vừa qua”, Thứ trưởng Lê Công Thành nói.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn và đề nghị mỗi đại biểu tham dự Diễn đàn với vị chức, chức năng, nhiệm vụ của mình là đại sứ lan tỏa và truyền tải hiệu quả thông điệp chuyển đổi, phát triển xanh, sạch, bền vững; mỗi hoạt động ý nghĩa của quý vị sẽ góp phần quan trọng cho công cuộc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cũng tại Diễn đàn, các thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển xanh hướng đến Net Zero có mặt tại sự kiện đã nhận được sự chúc mừng của Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành và Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng tặng hoa chúc mừng các thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển xanh hướng đến Net Zero có mặt tại diễn đàn sáng 2/4.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Lê Công Thành chúc mừng Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển xanh hướng đến Net Zero. Đồng thời, mong muốn Câu lạc bộ là cầu nối quan trọng giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong công cuộc chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, không những cho Ngành Tài nguyên và Môi trường nói riêng, mà còn đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Thu Trang/Báo Tin tức
Lễ khởi động trồng cây hướng đến Net zero năm 2023
Lễ khởi động trồng cây hướng đến Net zero năm 2023

Ngày 26/2, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức lễ khởi động trồng cây hướng đến Net zero carbon năm 2023 tại Di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN