Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có những bình luận, đánh giá về cục diện chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; đồng thời đưa ra những khuyến nghị và cảnh báo để định hướng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có giải pháp ứng phó phù hợp.
Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có chiều hướng leo thang, phía Mỹ không chỉ tuyên bố tăng thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Trung Quốc mà không ít doanh nghiệp, thương hiệu hàng hóa Trung Quốc cũng bị đưa vào “danh sách đen”. Theo ông, cục diện cuộc chiến thương mại này sẽ đi tới đâu?
Tôi nhận thấy, cuộc chiến này sẽ là cuộc chiến dài kỳ và cần rất nhiều thời gian mới có thể tới hồi kết. Diễn biến tiếp theo có thể sẽ rất phức tạp với thái độ lên gân, “ăn miếng trả miếng” của cả hai bên, nhưng cũng có thể hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung để giảm thiểu tới mức tối đa những hệ lụy xấu, đáp ứng được lợi ích và toan tính của cả hai.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, tác động và hệ lụy tới cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu là có thật.Tới đâu cũng thấy nhắc tới câu chuyện này. Doanh nghiệp, doanh nhân không ai là không lo lắng, theo dõi sát để chuẩn bị cho tâm lý thích ứng.
Theo ông, ngành nghề, lĩnh vực nào và các doanh nghiệp nào của Việt Nam sẽ chịu tác động hoặc ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp khi cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường kinh tế thế giới tiếp diễn?
Rõ ràng đó là các doanh nghiệp xuất khẩu; trong đó, dệt may, da giầy hay chế biến thủy hải sản, thậm chí cả thép nữa… Ngoài ra, các ngành sản xuất công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ cũng cần có sự thận trọng nhất định. Những doanh nghiệp thuộc các ngành nằm trong chuỗi sản xuất, cung ứng của các quốc gia nêu trên như cơ khí, chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng… cũng phải cẩn trọng, bởi đây là những ngành có lợi thế cạnh tranh.
Riêng hàng tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm vì thường bị áp dụng các gói thuế khác nhau. Trong cuộc xung đột này, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang có những động thái tuyên bố áp thuế lên các gói hàng rất lớn của mỗi bên nên các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi kỹ để kịp xử lý những vấn đề phát sinh.
Sự lo ngại là có cơ sở bởi năng lực hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông đâu là điểm yếu doanh nghiệp Việt cần khắc phục nhanh chóng?
Không chỉ trước xung đột thương mại này mà lâu nay ta luôn quan ngại điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là năng lực quản trị, tính dự báo của thị trường và sức cạnh tranh, năng lực thực tế của doanh nghiệp Việt Nam còn chưa đạt yêu cầu, chưa được như mong muốn. Vì thế, khi tham gia chiến lược cạnh tranh toàn cầu trong các chuỗi cung ứng, họ thường gặp phải thua thiệt.
Thêm nữa, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp được thành lập dù có số lượng tương đối lớn nhưng quy mô nhỏ và rất nhỏ. Do đó, tiềm năng vốn, khoa học công nghệ và trình độ quản trị cũng còn hạn chế. Để có thể tham gia vào cuộc cạnh tranh toàn cầu đòi hỏi cần nỗ lực rất nhiều. Các cơ quan hỗ trợ, các cơ quan quản lý cũng cần phải đồng hành cùng với doanh nghiệp trên chặng đường đầy cam go này.
Thực tế, Chính phủ cùng các bộ, ngành hiện đã có những động thái tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp. Mọi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đều được tiếp nhận và có phương án nghiên cứu, giao cho các cơ quan chức năng phù hợp xử lý. Động thái này rất được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản cụ thể liên quan tới cải cách thủ tục hành chính; liên quan tới điều kiện kinh doanh như đất đai, vốn, công nghệ và công tác phối hợp của nhiều bộ, ngành và cơ quan khi xử lý chung một vấn đề của doanh nghiệp còn chưa được như kỳ vọng, thậm chí còn có cách hiểu, cách xử lý khác nhau.
Vậy theo ông, đối sách nào sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được ưu thế, lợi ích đem lại từ các hiệp định thương mại; đồng thời, giảm được tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?
Tôi tin là mỗi một doanh nghiệp, doanh nhân đều đang có kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể. Theo đó, có đầy đủ kế hoạch phân tích thị trường, lộ trình sản xuất… Trước tình hình này, tôi nghĩ, họ sẽ “liệu cơm gắp mắm” cho các công đoạn sản xuất, cho việc thực hiện các đơn hàng, cho việc hợp tác với các đối tác. Tôi cho rằng, những suy nghĩ cặn kẽ, những phương án tự bảo vệ của họ là đương nhiên và họ cũng đã, đang tính đến.
Doanh nghiệp cũng đang rất cần các cơ quan quản lý hỗ trợ để có những thông tin cảnh báo sớm về những hệ lụy có thể có. Bởi “thương trường là chiến trường”, mà đã là “chiến trường” sẽ có người thắng và người thua. Do đó, trước mắt, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao năng lực phòng vệ để tự bảo vệ mình.
Đối với doanh nghiệp sản xuất thì cần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ của mình để thích ứng và giữ vững được thị trường, thị phần của mình, tránh tình trạng “thua trên sân nhà” như quan ngại của dư luận lâu nay. Sau đó mới là tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách tích cực hơn, hiệu quả hơn và đáp ứng lòng mong đợi.
Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản đối phó như thế nào nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang?
Các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp chắc chắn phải tính đến các phương án, kịch bản. Cụ thể, từng ngành nghề, từng doanh nghiệp đều đã chuẩn bị sẵn các phương án kinh doanh và nằm trong toan tính của các doanh nhân khi lựa chọn phát triển thị trường nào (thị trường ngách, thị trường lớn hay khách hàng truyền thống). Một khi, các khách hàng truyền thống của họ bị ảnh hưởng thì họ cũng sẽ có phương án phù hợp.
Với vai trò của mình, VCCI có khuyến nghị gì tới các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong tình hình hiện nay, thưa ông?
Từng đã có lãnh đạo của Mỹ lên tiếng khuyến cáo doanh nghiệp của họ cần phải chọn những thị trường khác như Việt Nam chẳng hạn để triển khai các phương án sản xuất kinh doanh. Điều này đặt ra bài toán vừa là cơ hội, vừa là thách thức vì cùng lúc chúng ta phải đón nhận rất nhiều thông tin, rất nhiều mong muốn, rất nhiều ý đồ của các doanh nghiệp của các nước khác như vậy…
Điều này cũng đòi hỏi các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cần tỉnh táo hơn để lựa chọn. Không loại trừ khả năng sẽ có những doanh nghiệp có hoạt động gian lận thương mại để được hưởng những ưu đãi có liên quan khi sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Vô hình chung, gây hại cho chính doanh nghiệp trong nước của Việt Nam
Chúng tôi cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần tỉnh táo khi đón nhận các luồng thông tin mời gọi kết nối, hoặc các cơ quan quản lý các địa phương cũng cần xem xét kỹ lưỡng để lựa chọn nhà đầu tư. Tất nhiên, chúng ta cũng đã có luật pháp và các văn bản quy định nhưng trước những làn sóng có thể nói là ồ ạt vào ra thì cần thận trọng thẩm định năng lực của nhà đầu tư để tránh chọn mời những doanh nghiệp không thực sự có khả năng vào làm ảnh hưởng đến môi trường và quy hoạch đầu tư của địa phương, cả nước.
VCCI với vai trò là cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp cũng đưa ra những cảnh báo và phối hợp với các cơ quan quản lý tổ chức các chương trình tập huấn phù hợp để giúp các doanh nghiệp thích ứng và tự bảo vệ mình; đồng thời tận dụng được các cơ hội nếu có.
Riêng vấn đề gian lận thương mại thì chúng ta đã có những cơ quan cấp cao, các cơ quan cấp tỉnh thành và địa phương cùng các giải pháp hỗ trợ để phòng chống và có những xử lý phù hợp. Tuy nhiên cũng đòi hỏi sự cùng vào cuộc của doanh nghiệp để tự bảo vệ, cùng nhau phát hiện những bất cập, những hành vi bất thường hay việc sản xuất hàng nhái, lợi dụng mẫu mã sản phẩm của Việt Nam để trục lợi…
Trân trọng cảm ơn ông!
Bài 4: Đối sách cho xuất nhập khẩu