Một cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ mang đến tác động tiêu cực cho chính Mỹ, Trung Quốc và ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp đến nhiều nước lớn, nhỏ. Là một nước có quan hệ kinh tế với cả Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng chung đó.
Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài phân tích tổng hợp “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và những tác động tới kinh tế Việt Nam". Chùm bài với góc nhìn đa chiều, các phân tích, lập luận của nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhằm góp phần lý giải Việt Nam sẽ chịu những tác động, ảnh hưởng như thế nào trong cuộc chiến này; các nước ứng phó ra sao và kinh nghiệm với Việt Nam; triển vọng chính sách tiền tệ và ngoại thương như thế nào; ứng xử của doanh nghiệp Việt Nam làm sao để thích ứng...?
Xung đột leo thang
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dường như đã quay trở về vạch xuất phát căng thẳng của 1 năm trước đây, thậm chí đang bước vào một ngưỡng mới, có nguy cơ gây ra những xáo trộn trên thị trường tài chính toàn cầu và làm dấy lên lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế thế giới.
Cả Mỹ và Trung Quốc đang tỏ rõ lập trường cứng rắn, vòng đàm phán thứ 11 kết thúc mà không đạt thỏa thuận rõ ràng. Việc cả Mỹ và Trung Quốc đều nâng thuế áp lên hàng hóa của nhau đẩy chiến tranh thương mại giữa hai nước lên một ngưỡng mới.
Bắt đầu từ ngày 10/5, xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ lại leo thang khi chính quyền Mỹ nâng mức thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và chuẩn bị áp thuế với tất cả hàng hóa Trung Quốc vào cuối năm nay. Chưa dừng ở đó, chính quyền Mỹ còn lên kế hoạch áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc ước tính 300 tỷ USD. Động thái trên khiến Trung Quốc trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái, có hiệu lực từ 1/6.
Dù chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra ở nhiều ngành hàng, nhưng tâm điểm căng thẳng đang tập trung ở mảng công nghệ. Việc chính phủ Mỹ liên tiếp nhắm vào tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei thời gian gần đây có nguy cơ làm bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại và công nghệ trở nên nghiêm trọng hơn.
Sự việc được đẩy lên cao trào khi ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp tuyên bố trình trạng khẩn cấp quốc gia, giúp chính quyền của ông có quyền cấm các công ty của Mỹ sử dụng các thiết bị viễn thông mua từ các công ty có thể gây ra mối đe dọa tới an ninh quốc gia.
Ngay sau đó, hàng loạt các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Google, Intel Corp., Qualcomm Inc., Xilinx Inc. và Broadcom Inc… đã dừng một số hoạt động kinh doanh với Huawei. Đặc biệt, việc ARM dừng hợp tác là “đòn sấm sét” bởi tuy Huawei đã tự thiết kế dòng chip Kirin dùng trên smartphone, dần thay thế chip Qualcomm, nhưng vẫn lệ thuộc vào nền tảng, giao thức của ARM. Khi “mất kết nối” với ARM thì việc sản xuất chip Kirin sẽ bị trì trệ. Tập đoàn Panasonic (Nhật Bản) cũng đã có mặt trong danh sách các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông thực thi lệnh trừng phạt từ chính phủ Mỹ, ngưng quan hệ với Huawei.
Việc gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như việc chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt của cả 2 bên cho thấy triển vọng đạt được thỏa thuận thương mại đang còn bế tắc. Các dự báo đều cho thấy cuộc chiến thương mại giữa hai nước sẽ còn kéo dài và ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế toàn cầu.
Theo TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là phiên bản thu nhỏ của một cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn với cả ba phương diện là: cạnh tranh chiến lược; cạnh tranh kinh tế và cạnh tranh công nghệ. Cạnh tranh của các nước lớn là đặc trưng chủ yếu của một trật tự thế giới mới đang định hình thời hậu Chiến tranh lạnh. Vì thế rất khó để thay đổi khuynh hướng của cuộc đua này. Chính vì vậy, cuộc chiến này còn tiếp tục căng thẳng hơn trong thời gian tới.
Trước những động thái gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhiều nhận định của các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế đều cho rằng, thương mại và tăng trưởng toàn cầu sẽ bị suy giảm trong ngắn hạn. Những tổn thất về kinh tế thậm chí sẽ còn trở nên nặng nề hơn nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện lời đe dọa đánh thuế đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bà Gita Gopinath, Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF nhận định, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với tốc độ tăng trưởng toàn cầu chưa mạnh ở thời điểm hiện tại, song những căng thẳng mới phát sinh có nguy cơ tác động nghiêm trọng đến tâm lý thị trường tài chính và kinh doanh, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và đe dọa sự phục hồi dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019.
Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, với mức áp thuế của hai nước như hiện nay, GDP thế giới sẽ giảm 0,15% vào năm 2019 và 0,37% vào 2022. Trong khi thương mại toàn cầu giảm 0,44% vào năm 2019 và 0,58% vào năm 2022. Trong trường hợp Chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang và Mỹ sẽ áp thuế bổ sung 25% với 525 tỷ USD xuất khẩu của Trung Quốc và Trung quốc cũng có hành động đáp trả tương ứng, mức ảnh hưởng sẽ lớn hơn nhiều. Tốc độ tăng trưởng GDP thế giới có thể giảm 0,64% vào năm 2022.
Khi Việt Nam trở thành "tiêu điểm" trong vấn đề "tâm điểm"
Một cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới được cho là sẽ mang đến tác động tiêu cực cho chính Mỹ và Trung Quốc, kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế của thế giới và hầu hết các nước sẽ bị ảnh hưởng, do dòng vốn bị rút ra, sức cầu trên thế giới sụt giảm... Các nước lớn, nhỏ đều chịu tác động tiêu cực.
Việt Nam cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng tiêu cực chung đó. Tuy nhiên, so với các nước khác, Việt Nam vẫn được xem là nước được hưởng lợi nhiều từ cuộc chiến thương mại này.
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, ít nhất 2 lần Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc đến Việt Nam qua mạng xã hội nói về việc Việt Nam sẽ được lợi khi "nhiều công ty bị áp thuế sẽ rời Trung Quốc sang sản xuất tại các nước như Việt Nam hoặc vài quốc gia châu Á khác". Một lần nữa Việt Nam trở thành tiêu điểm của một vấn đề tâm điểm đang thu hút sự chú ý của gần như toàn bộ thế giới, nhất là giới tài chính, các thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp lớn nhỏ trên phạm vi toàn cầu.
Việc được Tổng thống Mỹ nhắc đến, ít nhất, Việt Nam đã được cộng đồng doanh nghiệp thế giới, người tiêu dùng trên thế giới biết đến là nơi có những loại hàng hóa đáp ứng được tiêu chuẩn của Mỹ, biết được Việt Nam là nơi có thể tiếp nhận dòng vốn FDI, hay đón nhận những doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới về lập cứ điểm sản xuất.
TS Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, nhiều nhà đầu tư sẽ rời Trung Quốc và tìm đến thị trường khác. Trong khi đó, Việt Nam lại là thị trường ngay bên cạnh Trung Quốc có chính trị ổn định, lực lượng nhân công rẻ, các triển vọng kinh tế khá sáng sủa…. Tất cả những điều này sẽ là nhân tố thu hút dòng đầu tư đang dịch chuyển.
Về mặt thương mại, TS Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia cho rằng, cuộc chiến thương mại sẽ tạo ra lỗ hổng thị trường. Lỗ hổng thị trường của cả Mỹ và Trung Quốc xuất hiện làm tăng nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam. Trong danh mục 250 tỷ USD xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị áp thuế, có rất nhiều hàng tiêu dùng cuối cùng vì vậy cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam là khá lớn. Tuy nhiên đây cũng chỉ là cơ hội trong ngắn hạn.
Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của ADB vừa công bố trong tháng 4/2019 dự báo, kinh tế Việt Nam hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ và có thể tăng thêm 2% GDP nhờ cuộc chiến này. Xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 7,3% khi Mỹ áp thuế lên 200 tỷ USD.
Nếu Mỹ tiếp tục áp thuế 25% lên thêm 300 tỷ USD hàng Trung Quốc như kế hoạch và Tổng thống Mỹ đưa ra thì hầu như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều bị đánh thuế và đây sẽ là cơ hội cho nhiều nước trên thế giới; trong đó một số nước được liệt kê vào nhóm hưởng lợi số 1 như Việt Nam, Brazil và Mexico, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp...
Nhiều thách thức trong dài hạn
Bên cạnh những cơ hội mang lại kể trên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ mang lại nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam trong dài hạn; trong đó đáng chú ý liên quan đến phòng chống lẩn tránh thương mại và gian lận thương mại.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho rằng, xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài ngày càng tăng, đặc biệt khi chiến tranh thương mại nổ ra. Sẽ có nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam sản xuất và lấy xuất xứ từ Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài, tránh lệnh áp thuế từ Mỹ.
Cùng quan điểm trên, TS Bùi Ngọc Sơn cho rằng, dòng đầu tư sang Việt Nam có thể bao gồm nhiều nhà đầu tư với mục đích tránh né thuế, đội lốt, hoặc thậm chí lấy mác hàng Việt Nam để xuất khẩu sang nước ngoài. Đây là điều cần chú ý trong thời gian tới.
TS Trần Toàn Thắng nhấn mạnh, nếu tình trạng lẩn tránh thuế xảy ra khiến các đối tác của Việt Nam chú ý hơn và sẽ có những quyết định quản lý, giám sát chặt chẽ hàng hoá của Việt Nam nhiều hơn và điều này cũng gây bất lợi cho các hàng hoá của Việt Nam khi xuất khẩu ra bên ngoài.
Cũng theo TS Trần Toàn Thắng, trong dài hạn, khi Việt Nam có cơ hội để mở rộng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa Việt Nam tăng thâm hụt thương mại với Mỹ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam càng dễ vào tầm ngắm của việc kiểm tra tránh hàng nước ngoài đội lốt vào Mỹ, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia lo ngại khi sẽ có những dòng đầu tư chưa thật sự chất lượng đổ vào Việt Nam, nhất là các dòng đầu tư có ảnh hưởng tới môi trường và công nghệ lạc hậu. TS Bùi Ngọc Sơn cho rằng, Việt Nam đã qua thời thu hút đầu tư bằng mọi giá, giờ là thời điểm cần lựa chọn, chắt lọc các dòng đầu tư chất lượng cao và không ảnh hưởng tới môi trường đồng thời phải có tác động lan toả cao.
Việc các nhà đầu tư sang Việt Nam cũng tạo áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho rằng, xu hướng dịch chuyển đầu tư sẽ tạo sự cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là cạnh tranh về lao động, vốn và thị trường.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại cũng tạo ra thách thức với vấn đề tỷ giá. Theo TS Trần Toàn Thắng, cuộc chiến thương mại sẽ tạo sức ép phá giá VND tăng nhanh trong trường hợp Trung Quốc phải điều chỉnh NDT và kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục phục hồi và các đồng tiền châu Á khác cũng sẽ điều chỉnh. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần chú ý theo dõi sát sao diễn biến của tỷ giá để có thể có sự điều chỉnh kịp thời.
Bài 2: Những góc nhìn