Chỉ còn 11 ngành, nghề cấm kinh doanh

Tâm điểm phiên thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) sáng 9/9 tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách là việc rà soát loại bỏ các ngành, nghề không cần cấm; cắt giảm những ngành nghề có điều kiện, các điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết, gắn với đơn giản hóa các thủ tục hành chính...

 

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Là dự án luật được đặc biệt quan tâm trong quá trình triển khai thi hành Hiến pháp, với định hướng mọi người dân có quyền tự do kinh doanh những lĩnh vực mà luật pháp không cấm, sau nhiều lần được cho ý kiến, Danh mục các ngành nghề kinh doanh bị cấm, kinh doanh có điều kiện và ưu đãi kinh doanh - những nội dung quan trọng nhất trong Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung, trình hội nghị.


Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các danh mục quan trọng này được xây dựng theo nguyên tắc: Rà soát, loại bỏ các quy định trùng lặp tại Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Danh mục lĩnh vực cấm đầu tư theo Luật Đầu tư, Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo Luật Thương mại, đồng thời hợp nhất các danh mục này để quy định các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Luật Đầu tư. Theo kết quả rà soát, hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật. Sau khi xem xét, cân nhắc, cơ quan soạn thảo đã thu hẹp lại còn 11 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 4 của Dự thảo luật và 326 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.


Phát biểu chỉ đạo buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng định hướng, yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật nói chung phải bảo đảm quyền tối cao về tự do, dân chủ của người dân. Theo tinh thần đó, Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) phải thực sự đổi mới, phải xây dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi và minh bạch hơn. Trong quá trình xây dựng, dự thảo luật phải bảo đảm quyền kinh doanh của người dân, bởi đây cũng chính là quyền con người và theo Hiến pháp, quyền con người chỉ có thể bị hạn chế bằng luật.


Đa số các ý kiến tại buổi thảo luận đều dành thời gian phân tích và nêu quan điểm về những ngành, nghề trong các danh mục cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Các đại biểu cho rằng việc quy định danh mục các ngành, nghề này trong luật cần tính đến xu hướng phát triển của nền kinh tế, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển những lĩnh vực kinh doanh mới, cần kêu gọi đầu tư.


Đối với quy định ngành, nghề cấm kinh doanh, có đại biểu đề nghị nên cấm tuyệt đối, bỏ quy định tại Điều 4: “trừ trường hợp được Nhà nước đặt hàng” vì đây là khái niệm chung chung, không rõ cơ quan nào được phép đặt hàng, khó thực thi trong thực tế. Cũng có ý kiến cho rằng, trên thực tế, có tình trạng kinh doanh trôi nổi quân trang, quân dụng ngoài thị trường, không kiểm soát được, vì vậy lĩnh vực này không nên đặt trong danh mục ngành nghề cấm kinh doanh mà nên chuyển sang danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Về vấn đề này, cũng có đại biểu phân tích, lĩnh vực kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an trong tương lai có thể là lĩnh vực được Nhà nước kêu gọi đầu tư, vì vậy không nên cấm mà chỉ cần đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.


Đối với hành vi mua, bán người và các bộ phận cơ thể người là một tội danh trong Bộ luật Hình sự, là hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự, vì vậy không cần thiết phải đưa vào Luật Đầu tư. Các đại biểu cũng đề nghị nên cấm cả hoạt động liên quan đến nghiên cứu sinh sản vô tính trên cả động vật, không chỉ cấm kinh doanh sinh sản vô tính trên người; còn hoạt động kinh doanh biến đổi gien cần cấm kinh doanh cả động vật lẫn thực vật để bảo đảm sức khỏe cho người dân.


Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không cần ghi ngành, nghề kinh doanh


Chiều 9/9 tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ghi nhận nhiều ý kiến tán thành những điểm mới của dự thảo về cách ghi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; quy định mới về doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp nhà nước.


Với phạm vi điều chỉnh: Quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại và giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, quy định về nhóm công ty, điểm mới nổi bật trong dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp là việc không ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp hiện hành. Chiểu theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề ghi trong giấy chứng nhận. Khi muốn bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh đăng ký thì ngoài việc phải thực hiện đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý có thẩm quyền trong lĩnh vực cụ thể, doanh nghiệp còn phải tiến hành thủ tục bổ sung, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quy định này gây phiền hà không cần thiết cho doanh nghiệp.


Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đổi mới này sẽ giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định của dự án luật, doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ kê khai, thông báo ngành, nghề kinh doanh với các cơ quan có thẩm quyền khi đăng ký kinh doanh hoặc khi bổ sung ngành, nghề kinh doanh để thực hiện nghĩa vụ của mình. Tại buổi thảo luận, thay đổi này nhận được sự tán thành cao của các đại biểu. Các đại biểu cũng đề nghị dự thảo luật cần có quy định theo hướng tạo điều kiện cho công tác hậu kiểm, quản lý nhà nước định kỳ; tránh việc nợ thuế kéo dài, lừa gạt. Dự thảo cũng cần cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác này.


Một điểm mới nữa tại dự thảo lần này là quy định về doanh nghiệp xã hội. Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên thực tế, ở nước ta trong vài năm gần đây, doanh nghiệp loại này cũng đã xuất hiện với số lượng ngày một tăng và đang phát triển nhanh chóng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế. Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu tán thành cao với quy định mới về loại hình doanh nghiệp xã hội; cho rằng đây là quy định phù hợp với nhu cầu đang phát sinh trong thực tế, cần được Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích, để doanh nghiệp đóng góp vào các hoạt động phục vụ cộng đồng. Về vấn đề này, có ý kiến đề xuất, trên thực tế có nhiều doanh nghiệp nhà nước tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, nhất là các doanh nghiệp lớn, tập đoàn, tổng công ty thì cũng cần phải được tạo điều kiện bằng quy định trong luật.


Đáng chú ý, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thống nhất khái niệm về doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; còn doanh nghiệp có vốn khác của Nhà nước, dù là vốn nhà nước chi phối, thì gọi là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn có vốn nhà nước. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực tế một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động yếu kém thời gian qua đặt ra yêu cầu cấp thiết cần quy định rõ ràng, chặt chẽ về cơ chế quản trị nội bộ của các doanh nghiệp này trong Luật Doanh nghiệp. Việc đại diện chủ sở hữu nhà nước quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ... sẽ được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

 

Quang Vũ

“Cắt” danh sách ngành nghề cấm kinh doanh
“Cắt” danh sách ngành nghề cấm kinh doanh

Ngày 19/8, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành... Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết sau khi rà soát danh mục 51 ngành nghề cấm kinh doanh, Bộ này đã thu hẹp danh sách, chỉ còn 8 ngành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN