Trong thông báo công bố ngày 26/7, ECB cho biết các bên ký kết xác nhận rằng vàng vẫn là một yếu tố quan trọng của hệ thống dự trữ tiền tệ toàn cầu, vì nó tiếp tục mang lại lợi ích đa dạng hóa các kênh tài sản. Đồng thời, ECB nói rằng hiện không ai trong số những ngân hàng trung ương thuộc các quốc gia châu Âu có kế hoạch bán ra lượng vàng đáng kể.
Trong những năm 1990, việc bán hàng đơn lẻ thường được bí mật thực hiện bởi các ngân hàng trung ương châu Âu, trong khi những thể chế tài chính này đang nắm giữ một số kho dự trữ vàng lớn nhất thế giới. Điều này đã đẩy giá vàng xuống và làm suy yếu vị thế như một tài sản dự trữ ổn định của kim loại quý này.
CBGA được ký kết vào năm 1999 với mục đích ban đầu nhằm hạn chế việc mua bán vàng và giúp ổn định thị trường kim loại quý này. Thỏa thuận ban đầu được ký giữa 15 ngân hàng trung ương, trong đó giới hạn số lượng vàng mà mỗi bên ký kết có thể bán ra mỗi năm. Thỏa thuận đã được cập nhật ba lần và sau được mở rộng với sự tham gia của tổng cộng 22 ngân hàng trung ương. Đến năm 2014, ba năm sau đợt bán vàng đáng kể gần nhất của các thành viên CBGA, giới hạn bán vàng đã được dỡ bỏ. Phiên bản mới nhất của thỏa thuận dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 26/9 tới.
Theo bà Natalie Dempster, người phụ trách mảng chính sách ngân hàng trung ương và chính sách công tại Hội đồng vàng thế giới (WGC), đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn.
Bà cho biết thị trường đã thay đổi rất nhiều kể từ năm 1999 tới nay và hiện khả năng thanh khoản đã dồi dào và ổn định hơn. Trong hai thập kỷ vừa qua, giá đã tăng vọt từ dưới 300 USD/ounce lên mức cao gần 2.000 USD/ounce trong năm 2011. Vào cùng giai đoạn đó, các ngân hàng trung ương đã trở thành bên mua ròng vàng chứ không còn là bên bán ròng kim loại quý này như trước kia. Như hồi năm 1999, những ngân hàng này đã bán ròng 500 tấn vàng. Nhưng vào năm 2018, họ lại mua vào lượng vàng kỷ lục là 651 tấn với trị giá gần 30 tỷ USD – mức cao nhất trong nửa thế kỷ qua.