Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là đúng đắn, đem lại hiệu quả cao hơn hẳn so với trồng lúa và giảm áp lực xuất khẩu lúa gạo, giảm áp lực nhập khẩu ngô, đậu tương. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại nhiều địa phương trên cả nước đang gặp một số vướng mắc trong cơ chế thực hiện, cũng như tình hình hạn hán nghiêm trọng khiến cây trồng “dịch chuyển” chậm. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh phía Bắc đến nay đã chuyển đổi được 17.150 ha gieo trồng lúa sang trồng các cây trồng hàng năm khác. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, thu nhập gấp 5 - 10 lần so với trồng lúa, một số mô hình đạt 400 - 500 triệu đồng/ha, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng đã chuyển đổi được 10.276 ha, với nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa có lợi nhuận hơn từ 1,5 đến 3 lần so với trồng lúa, doanh thu hàng năm bình quân 100 triệu đồng/ha.
Từ vụ lúa hè thu 2015, tỉnh Kiên Giang đã hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao với 120.000 ha, tập trung tại các huyện Hòn Đất, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành, thành phố Rạch Giá... Ảnh: Lê Sen - TTXVN |
Đặc biệt, đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, do được hưởng hỗ trợ tiền mua giống theo Quyết định 580/QĐ-TTg ngày 22/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây mầu, nên tổng diện tích chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đậu tương, vừng, khoai lang, dưa, rau các loại là 53.800 ha. Kế hoạch năm 2015, các tỉnh vùng này sẽ tiếp tục chuyển đổi khoảng 80.000 ha gieo trồng lúa sang trồng cây màu.
Không thể phủ nhận những hiệu quả bước đầu mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tuy nhiên, sang tới năm 2015, những khó khăn ngày càng lớn đang thành trở lực đối với quá trình dịch chuyển này.
Cánh đồng đã chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng dưa hấu tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Tình trạng hạn hán đang diễn ra rất nghiêm trọng ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên khiến vụ hè thu 2015 có khoảng trên 50.000 ha tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Trị không thể cấy lúa do không có nguồn nước. Trong điều kiện khô hạn thường xảy ra, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, thì một giải pháp là nông dân cần phải chuyển đổi từ trồng lúa sang cây trồng sử dụng ít nước hơn, nhưng do chi phí ban đầu về giống, gieo trồng, thu hoạch cây mầu thường cao hơn so với lúa nên cần rất có chính sách hỗ trợ để khuyến khích nông dân vượt quá khó khăn, chuyển đổi thành công.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, qua chỉ đạo chống hạn cho thấy, quan trọng nhất là cân đối cụ thể nguồn nước sẵn có. Giải pháp khi nước thiếu thì địa phương bố trí lúa sang cây trồng cạn nhưng khi chuyển đổi như vậy vấn đề đầu ra cho sản phẩm rất khó.
“Trong quá trình chuyển đổi, chủ yếu người dân chuyển từ lúa sang rau mầu còn những cây giá trị cao, phục vụ xuất khẩu thì rất khó khăn. Đây là trăn trở và cũng là vấn đề mà Bộ và Chính phủ cần nghiên cứu tháo gỡ”, ông Tỉnh nói.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh cũng cho biết, còn hai vấn đề khó khác là xây dựng mô hình trình diễn trên diện rộng và cơ chế chính sách, nhất là đối với mô hình dự án tưới nước tiết kiệm, công nghệ cao cho lúa, chính sách hỗ trợ tưới tiết kiệm nước nội đồng.
“Vấn đề lớn nhất là nhận thức từ các địa phương. Áp dụng tưới tiên tiến thì Lâm Đồng, Đồng Nai và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng như Hà Nam chủ động bố trí kinh phí của địa phương nhưng nhiều nơi khác vẫn còn lúng túng. Bên cạnh đó, những tiêu chuẩn, quy chuẩn về việc áp dụng công nghệ mới vào thủy lợi trên thực tế còn thiếu và chưa phù hợp, thời gian tới cần ưu tiên cho vấn đề này”, ông Tỉnh chia sẻ.
Kinh phí cũng là một vấn đề lớn chưa được giải quyết thấu đáo trong quá trình chuyển đổi cây trồng. Theo ông Danh Út, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, không chỉ riêng tỉnh Kiên Giang mà 5 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa thực hiện chủ trương hỗ trợ tiền mua giống ở mức 2 triệu đồng/ha, dù Quyết định 580/QĐ-TTg ngày 22/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây mầu đã có hiệu lực hơn một năm.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và trước tình hình tiêu thụ lúa gạo khó khăn, cũng như năm 2014 phải nhập khẩu tới gần 5 triệu tấn ngô, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chính sách hỗ trợ cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 580. Thực hiện chính sách này, các địa phương đã hỗ trợ được 93 tỷ đồng và đã có 53.800 ha được chuyển sang trồng cây khác.
“Riêng tỉnh Kiên Giang, tôi có hỏi đồng chí Giám đốc Sở về việc này thì được cho biết là theo quy định thì hỗ trợ sau, nhân dân trồng rồi mới tập hợp danh sách để hỗ trợ. Sở Nông nghiệp đã tập hợp và gửi cho Sở Tài chính, nhưng Sở Tài chính chưa phê duyệt nên chưa chuyển tiền cho nhân dân được, đấy là lý do kỹ thuật”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để giải quyết cụ thể, kể cả những vướng mắc về nguồn vốn sẽ trao đổi với Bộ Tài chính để xử lý kịp thời theo đề nghị của các địa phương.
Thực hiện được quy hoạch định hướng đến năm 2020 chuyển đổi 700.000 - 800.000 ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi chi tiết, xác định rõ vùng, vụ chuyển đổi tập trung; cải tạo hệ thống thủy lợi cho phù hợp chuyển đổi sang trồng cây màu.
Để giúp đỡ khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tiền giống theo Quyết định 580/QĐ-TTg. Tuy nhiên, mở rộng chính sách hỗ trợ nói trên để thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.