Tại xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc theo nhiều hộ nông dân chưa năm nào cây trồng bị rơi vào cảnh hạn hán như năm nay. Nhiều giếng đào để phục vụ việc tưới cho các vườn tiêu đang trong tình cảnh khô cạn gần như trơ đáy. Nếu như trước đây, mỗi giếng đào của người dân bơm khoảng 2 giờ đồng hồ mới cạn, thì nay chỉ khoảng 15 phút là hết sạch nước.
Gia đình ông Nguyễn Đình Nhung, ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc đang canh tác 7.000 m2 tiêu và 3.000 m2 mít. Ông cho biết, để phục vụ tưới tiêu thường xuyên cho diện tích cây trồng trên, gia đình ông đã phải đào 3 giếng, mỗi giếng sâu 16m. Nếu như trước đây ông bơm tưới mỗi giếng khoảng 2 giờ đồng hồ mới hết nước, thì 1 tháng nay cả 3 giếng của gia đình ông đều rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng, chỉ bơm khoảng 10 - 15 phút là hết sạch nước.
Vì thiếu nước nên vườn tiêu và mít của gia đình ông Nhung cây bắt đầu khô héo, vàng lá. Về vùng đất này sinh sống khoảng 40 năm, chưa năm nào ông Nhung thấy tình trạng khô hạn, thiếu nước trầm trọng như năm nay. Thời điểm này mọi năm đã xuất hiện nhiều cơn mưa “giải khát” cho cây cối.
Nếu tình trạng khô hạn kéo dài, nước tưới không đủ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển cũng như năng suất của cây. Đặc biệt, đối với cây tiêu, cây trong tình trạng thiếu nước dài ngày khi có mưa xuống cây sẽ bị sốc, đồng loạt trổ hoa sau đó sẽ kiệt sức và rụng hết hoa, nguy cơ dẫn đến thất thu.
Không riêng gì ở xã Hòa Hội, tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc hàng trăm ha trồng thanh long cũng đang trong tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng. Hồ Sông Hỏa phục vụ tưới tiêu chính cho cây trồng của xã đã trong tình trạng mực nước “chết”, cạn trơ đáy.
Gia đình ông Nguyễn Kim Luân, ngụ ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang có 4 ha trồng cây thanh long, hơn 1 tháng nay thanh long của gia đình ông trong tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng khi nguồn nước phục vụ tưới tiêu chính từ hồ Sông Hỏa đã trong tình trạng cạn trơ đáy. Mấy ngày nay, ông phải đi moi từng vũng nước ở lòng Sông Hỏa để ông tích lại rồi dùng máy bơm về cứu vườn cây, nhưng với 4.000 trụ thanh long, mỗi ngày ông cũng chỉ tưới được 50-70 trụ.
Để hạn chế phần nào việc bốc hơi nước ông Luân đã phải đắp rơm quanh trụ thanh long để giữ ẩm, giúp cây “cầm cự” trong những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, việc thiếu nước trầm trọng, khiến ông Luân rất lo ngại cho sự phát triển cũng như năng suất của cây, vì hiện nay cây đang cho ra trái trái vụ, hiện đang là thời điểm quan trọng quyết định năng suất, chất lượng của trái thanh long. Bình thường ở giai đoạn này, mỗi ngày phải tưới 2 lần để đủ nước, dưỡng chất cho trái thanh long phát triển to và đẹp. Tuy nhiên, từ giữa tháng 2 đến nay, vườn thanh long của ông chỉ được tưới cầm cự.
Theo lịch đăng ký nước tưới, mỗi tuần ông Luân được sử dụng nước tưới 2 lần từ các kênh thủy lợi. Nhưng đến nay các kênh đều không có một giọt nước nào, không đủ cung cấp để các hộ tưới tiêu cho vườn thanh long. Nếu tình trạng này kéo dài, không có nước tưới thì vườn thanh long có nguy cơ rụng trái. Nếu tình trạng thiếu nước kéo dài, năng suất thanh long trái vụ vụ này coi như nguy cơ mất trắng.
Ông Phạm Văn Khanh, Tổ trưởng Tổ dẫn nước xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc cho biết, trước tình khô hạn, mức nước hồ Sông Hỏa xuống thấp, vào tháng 3 vừa qua Trạm Thủy nông huyện Xuyên Mộc đã đầu tư từ nguồn ngân sách của tỉnh thêm 6 máy bơm, đầu bơm, ống hút, ống đẩy để dẫn nước từ hồ Sông Hỏa về các kênh thủy lợi, kịp thời cứu hạn cho 108 ha hoa màu đang có nguy cơ ảnh hưởng do không đủ nguồn nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, đến nay do mực nước ở hồ này đã xuống mức “chết” khiến các máy bơm này phải ngưng hoạt động.
Trao đổi với chúng tôi, ông Văn Thanh Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuyên Mộc cho biết, trước tình hình khô hạn, UBND huyện Xuyên Mộc đã có ban hành kế hoạch sản xuất và đã triển khai tới các địa phương. Huyện yêu cầu các địa phương căn cứ vào mùa vụ, tình hình thực tế của từng địa phương để xây dựng kế hoạch sản xuất; triển khai đến nông dân phải tổ chức sản xuất, tuân thủ theo lịch mùa vụ và vận dụng giống mới, giống ngắn ngày đáp ứng trong điều kiện khô hạn.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo bà con không sản xuất trái vụ, đặc biệt là trong tháng cao điểm của khô hạn này. Vì nếu sản xuất trái vụ sẽ không có hiệu quả do không đủ nước tưới, khiến cây trong tình trạng vừa phải nuôi trái, vừa thiếu nước. Cùng với đó, các địa phương cũng tiến hành huy động người dân tiến hành nạo vét các kênh mương nội đồng, đảm bảo tiết kiệm nguồn nước.
Về lâu dài, UBND huyện cũng đã xin chủ trương, phối hợp triển khai các kế hoạch của UBND tỉnh về việc đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng trên toàn địa bàn huyện. Hiện nay, huyện cũng đã triển khai xây dựng được một số tuyền kênh mương nội đồng ở một số xã trên địa bàn huyện để đưa nước từ hồ Sông Ray về phục vụ tưới tiêu trong thời gian tới.
Ông Văn Thanh Hùng cũng khuyến cáo nông dân cần sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí, có kế hoạch tưới phù hợp. Đặc biệt, nông dân cũng nên lưu ý những khuyến cáo của chính quyền địa trước các đầu mùa vụ để có kế hoạch tổ chức, sản xuất sao cho hợp lý, tránh ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.