Chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp bước vào quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, việc “nhập cuộc” trở lại của doanh nghiệp sau thời gian dài gồng mình phòng, chống dịch cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.
Bài 1: Những hệ lụy không nhỏ
Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại TP Hồ Chí Minh từ cuối tháng 4/2021 và lan rộng ra các tỉnh, thành phía Nam được ví như “cơn bão”, cuốn trôi thành quả mà cộng đồng doanh nghiệp Thành phố đã đạt được trong nhiều năm qua. Đối mặt với cú sốc bất ngờ, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì sản xuất “3 tại chỗ” nhưng cũng không ít doanh nghiệp buộc phải tạm ngưng hoạt động, ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Thành phố nói chung.
Nhiều ngành sản xuất giảm mạnh
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh phân tích, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có trên mọi mặt; trong đó bao gồm cả kinh tế. Nhiều nhà máy phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động để chống dịch, nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất bị gián đoạn, thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn.
Trong 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của Thành phố đã sụt giảm mạnh, nhiều ngành sản xuất quan trọng đồng loạt giảm. Cụ thể, 4 ngành công nghiệp trọng yếu giảm 5,8% so cùng kỳ năm 2020; trong đó ngành cơ khí giảm 2,6%; ngành hóa dược giảm 5,3%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 6,7%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 8,7%. Ba ngành công nghiệp truyền thống giảm tới 12,3% so với cùng kỳ, cụ thể ngành dệt giảm 6,9%, sản xuất trang phục giảm 18,5%, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 6,9%,
Việc thực hiện giãn cách toàn xã hội kéo theo sức mua kém, doanh thu bán lẻ và dịch vụ ảm đạm. Trong 8 tháng năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu bán lẻ giảm 6,2%, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 20%, doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác giảm 14,6%, doanh thu du lịch lữ hành giảm tới 52,2%.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà máy sản xuất vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, nhất là các nhà máy sản xuất phân bón và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải giảm công suất, thậm chí là ngừng sản xuất, dẫn đến khan hiếm nguồn nguyên liệu. Chi phí vận chuyển hàng hóa trong thời gian này cũng tăng lên đáng kể khiến giá thành hàng hóa tăng liên tục.
Kết quả nghiên cứu “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh giai đoạn COVID-19 lần thứ 4” của các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Luật – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng nêu: Nửa đầu năm 2021, kinh tế Tp. Hồ Chí Minh đạt được mức tăng trưởng khả quan trên tất cả các lĩnh vực, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt 680.328 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 nhanh chóng gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở tất cả các nhóm ngành.
Tác động tiêu cực của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đối với nền kinh tế TP Hồ Chí Minh đã bộc lộ từ tháng 6 và nghiêm trọng dần ở giai đoạn dịch lây lan mạnh (tháng 7-8). Trong tháng 7, ghi nhận sự tổn thương ở nhóm ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ (chiếm tỷ trọng lần lượt là 25% và 62% GRDP toàn Thành phố); trong đó nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực chịu tổn thất lớn bao gồm điện tử, máy vi tính và quang học giảm gần 55% so với tháng 6; xe có động cơ giảm 47%, đồ uống giảm hơn 41%, da giảm 34%, trang phục giảm 33%; chế biến thực phẩm giảm hơn 21%...
Diễn biến kinh tế tiếp tục xấu đi trong tháng 8, doanh số thương mại dịch vụ giảm sút nghiêm trọng chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường. Ngành công nghiệp giảm 22,4% so với tháng 7, nghiêm trọng nhất ở nhóm sản xuất điện tử, máy vi tính, quang học, dệt và da.
Sản xuất đình trệ khiến đoạt động xuất khẩu sụt giảm mạnh từ tháng 6 và tiếp tục giảm sâu trong những tháng tiếp theo. Trong đó xuất khẩu máy vi tính, điện tử và linh kiện giảm gần 26%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm gần 12%, chất dẻo, sản phẩm gỗ giảm hơn 9%...
Các tổn thất này đẩy doanh nghiệp vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản. Điều này rất có thể khiến nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng.
Đứt gãy chuỗi cung ứng
Theo các chuyên gia việc thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài đã làm đứt gãy liên kết kinh tế giữa TP Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn không chỉ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của doanh nghiệp mà còn gây tổn thất cho nông dân và các cơ sở sơ chế trung gian.
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất thời gian qua; trong đó, việc bắt buộc phải áp dụng chính sách chống dịch nghiêm ngặt gây nhiều khó khăn cho lưu thông hàng hoá trong nước, kể cả xuất khẩu. Việc này dẫn đến cung ứng không kịp thời, năng suất lao động giảm, hàng hoá vận chuyển tiêu thụ khó khăn.
Mặt khác, khách hàng của doanh nghiệp cũng gặp khó khăn nên chủ động huỷ đơn hàng hoặc gia hạn thời gian nhận hàng. Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp có chi phí cố định lớn và vay ngân hàng càng nhiều thì rủi ro càng cao. Đầu vào, sản xuất, đầu ra đều gặp trở ngại, nhiều doanh nghiệp sản xuất dưới điểm hoà vốn, thua lỗ nên tạm đóng cửa.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, sản xuất trong nước đình trệ thời gian dài, các đơn hàng có xu hướng dịch chuyển sang các nước có khả năng cung ứng nhanh hơn. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp trong nước từ chỗ không kịp giao hàng chuyển sang bị thiếu hụt đơn hàng sản xuất. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng tạo nên tổn thất lớn bởi khi đã mất khách hàng, thị trường thì đến lúc kiểm soát được dịch, doanh nghiệp cũng rất khó khôi phục sản xuất.
Không chỉ doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động mà cả những doanh nghiệp tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” như lương thực thực phẩm, dệt may cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất và đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh nêu thực tế, tất cả các nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành lương thực thực phẩm tại Tp. Hồ Chí Minh đều phụ thuộc vào nguồn cung đến từ các tỉnh, nhất là 19 tỉnh thành phía Nam. Trong thời gian các tỉnh, thành đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội, việc thu gom, vận chuyên nguyên liệu về các cơ sở chế biến thường xuyên bị ách tắc, chậm trễ khiến nhiều nhà máy không đủ nguyên liệu, chỉ có thể hoạt động cầm chừng.
Ngoài những nguyên liệu chính, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối còn cần rất nhiều loại nguyên phụ liệu, cung ứng từ nhiều nơi khác nhau. Tuy nhiên, thời gian qua rất nhiều nhà cung cấp nguyên phụ liệu không đáp ứng được “3 tại chỗ” phải dừng hoạt động dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng. Điển hình nhất là trường hợp thiếu hành lá để sản xuất mì ăn liền, thiếu thủy sản để chế biến.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty NHHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thiếu nguyên vật liệu cho sản xuất cũng là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp dệt may phải đối mặt trong thời gian giãn cách xã hội.
Trước đây nguồn nguyên vật liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc, sau khi nguồn cung từ Trung Quốc bị đứt gãy do dịch COVID-19 tại nước này bùng phát mạnh trong năm 2020, các doanh nghiệp đã chuyển hướng sang các nhà cung cấp nguyên phụ liệu trong nước. Đây được xem là lợi thế trong bối cảnh bình thường do có thể cung ứng liên tục theo hình thức “cuốn chiếu”, thời gian vận chuyển nguyên liệu ngắn, không cần quá nhiều kho bãi để dự trữ.
Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 trong nước phức tạp thì lại là bất lợi, do nhiều nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu phải ngừng hoạt động hoặc giảm công suất để đảm bảo giãn cách. Một số nhà máy còn hoạt động cũng không sản xuất đủ các loại nguyên phụ liệu khác nhau. Thêm vào đó, việc vận chuyển nguyên phụ liệu nhiều nơi bị ách tắc do không phải là “hàng hóa thiết yếu”, trong khi doanh nghiệp may không kịp dự trữ đủ nguyên liệu để sản xuất đúng công suất.
Theo ông Phạm Văn Việt, trước đợt dịch COVID-19, các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng xuất khẩu đến cuối năm 2021. Tuy nhiên khi dịch bùng phát mạnh, Thành phố yêu cầu thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, quy mô sản xuất bị thu hẹp, cộng với việc đứt gãy nguồn cung nguyên liệu khiến công suất của ngành may giảm đáng kể.
Nhiều đơn hàng đến thời điểm giao hàng nhưng không kịp hoàn thành, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phải đền hợp đồng, bị hủy đơn hàng cũ và mất luôn cơ hội cung ứng cho những năm sau. Nếu không sớm khôi phục lại sản xuất thì thiệt hại kinh tế không chỉ trước mắt mà còn cả lâu dài.
Bài 2: Xây dựng phương án thích ứng an toàn