Cấp bách giữ ‘cánh’ cho hàng không

Mặc dù vẫn chung tay cùng các các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, thiết bị y tế, nhân lực phòng chống dịch COVID-19, nhưng các hãng hàng không nội địa thực chất đang “loay hoay” trong cơn bĩ cực để tồn tại và "ngóng" các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ.

Nợ ngắn hạn vượt mức, âm vốn chủ sở hữu

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không (VABA), đến tháng 8/2021, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng hàng không nội địa Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đã lên tới trên 40.000 tỷ đồng. Bức tranh tài chính của các doanh nghiệp hàng không đang “bi đát”.

Tại tọa đàm về Giải pháp cấp bách hỗ trợ hàng không mới đây, tổng hợp số liệu cho thấy, chỉ riêng các tháng 5 – 7/2021, doanh thu các hãng đều giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm gần 100% so với năm 2019. Trong khi để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày.

Chú thích ảnh
Các chuyến bay thương mại nội địa phải dừng hoàn toàn vì dịch COVID-19. 

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), dòng tiền hoạt động của các hãng đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Trong đó, riêng nợ quá hạn với các đối tác của Vietnam Airlines đến hết tháng 6 lên đến 13.337 tỷ đồng, lỗ lũy kế trên 17.000 tỷ đồng và hiện đã âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng. Mặc dù Vietjet báo có lãi gộp, nhưng đó là do bán tài sản, bán cổ phiếu quỹ và kinh doanh tài chính, còn thực chất, Vietjet cũng bị lỗ lớn ở trong ngành nghề kinh doanh vận tải hàng không. Bamboo Airways cũng trong tình cảnh tương tự…

Về vấn đề này, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng: Từ năm 2020, Việt Nam ngừng các chuyến bay vận chuyển quốc tế, chỉ thực hiện các chuyến bay vận chuyển công dân về nước và chở hàng hóa. Từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường bay nội địa chỉ hoạt động cầm cự và đã bị dừng hoàn toàn do dịch COVID-19 lan rộng. Thực tế này dẫn đến khoảng 200 máy bay phải “đắp chiếu”, trong khi chi phí bảo dưỡng, thuê máy bay vẫn phải trả. Ngoài ra, các hãng vẫn luôn sẵn sàng phục vụ các yêu cầu phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ngóng các giải pháp hỗ trợ 

Trước thực tế trên, VABA đã thống nhất kiến nghị Chính phủ và Quốc hội các giải pháp hỗ trợ. Cụ thể, đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Ngân hàng nhà nước sửa đổi, kéo thời hạn giãn, hoãn, cơ cấu nợ quy định tại Thông tư 03 (có thể đến năm 2022 theo diễn biến của dịch và khi nước ta đạt miễn dịch cộng đồng). Bởi cơ cấu nợ theo Thông tư 03 đã hết hạn, thời điểm cơ cấu cũng không phù hợp với những khoản vay sau ngày 10/6. Nếu không tiếp tục cơ cấu, các khoản nợ này sẽ chuyển thành nợ xấu.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ và Quốc hội ban hành Nghị quyết cho hãng hàng không tư nhân vay lãi suất 0% để tăng vốn điều lệ như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ vay tối đa 3 năm); đề nghị Chính phủ phê duyệt gói vay 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không như đề xuất từ tháng 10/2020 của VABA.

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ và Quốc hội cho phép ngân hàng tạo điều kiện cho các hãng hàng không thỏa thuận về vốn vay, lãi vay, điều kiện tài sản bảo đảm, phương án đầu tư, sử dụng vốn… với lãi suất thấp, nhằm giúp các hãng hàng không hồi phục, bật dậy sau dịch.

Qua tìm hiểu, tuy ngành Hàng không được đánh giá là thiệt hại nặng nề nhất trong các ngành kinh tế và đã có các chính sách hỗ trợ như: Giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; hoãn, giãn tiền thuê đất và gói giải cứu 12.000 tỷ cho Vietnam Arrlines đang có hiệu lực... Tuy nhiên, đến thời điểm này, chính sách miễn giảm phí dịch vụ hàng không mới chỉ áp dụng trong thời gian ngắn và đã hết hiệu lực từ tháng 10/2020. Thông tư 03 của Ngân hàng nhà nước về cơ cấu lại nợ, lãi vay cũng đã hết hiệu lực từ tháng 6/2021. Số nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả đã chạm ngưỡng" 40.000 tỷ đồng, nhưng các chính sách hỗ trợ bổ sung, hỗ trợ mới cho hàng không phải chờ.

Các chuyên gian hàng không cho rằng, Giao thông hàng không là huyết mạch của nền kinh tế, trong bất kỳ thời điểm nào, các cơ quan liên quan cũng phải duy trì huyết mạch này. Do đó, việc giữ "cánh” cho hàng không Việt Nam cần sớm được triển khai nhanh chóng và các giải pháp hỗ trợ cho các hàng phải công bằng, dựa trên những tiêu chí về thị phần hàng không, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, số lượng đường bay, chuyến bay…

Tổng thư ký VABA Bùi Doãn Nề nhận định, ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp nói chung, ngành Hàng không nói riêng cũng cần có thời gian ổn định, phục hồi sản xuất, cải thiện dần dòng tiền, tới khi có doanh thu trở lại mới có tiền để trả nợ ngân hàng. Các hãng hàng không khó có thể đảm bảo duy trì dòng tiền để vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, vừa trả nợ trong vòng 12 tháng kể từ ngày ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Do đó, các giải pháp kiến nghị với ngân hàng cần bình đằng với các hãng hàng không và cần kéo dài thời gian cơ cấu lên 18 hoặc 24 tháng thay vì 12 tháng như hiện nay.

Chú thích ảnh
Bài, ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức
Bộ GTVT đề nghị Hà Nội cho nhân viên hàng không sử dụng giấy đi đường cũ
Bộ GTVT đề nghị Hà Nội cho nhân viên hàng không sử dụng giấy đi đường cũ

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản đề nghị Hà Nội cho nhân viên hàng không vẫn được sử dụng mẫu giấy đi đường đã cấp trước ngày 4/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN