Đây cũng là 1 trong 4 dự án cao tốc giai đoạn I thực hiện "tối hậu thư" chiến dịch 120 ngày đêm hoàn thành theo mục tiêu của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Video Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tăng tốc thi công 3 ca/ngày đêm:
Những ngày trung tuần tháng 11/2022, phóng viên Báo Tin tức có mặt trên công trường thi công cao tốc thành phần Vĩnh Hảo – Phan Thiết, ghi nhận không khí thi công hối hả của hàng trăm cán bộ, kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động, cùng hàng trăm đầu máy thiết bị các loại trải dài trên toàn tuyến 4 gói thầu xây lắp dự án, tranh thủ lấy nắng bù mưa, để kịp hoàn thành tiến độ thông xe kỹ thuật trước ngày 31/12/2022, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 7 (đại diện chủ đầu tư).
Theo ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận), dự án khởi công từ tháng 9/2020. Sau khoảng 26 tháng thi công, đến thời điểm này, tiến độ tổng thể của dự án đã đạt khoảng 65%, tổng sản lượng xây lắp đạt hơn 3.600/6.267 tỷ đồng. Riêng năm 2022, tổng giá trị giải ngân xây lắp đã đạt gần 1.238/1.837 tỷ đồng, đạt hơn 67%.
Trong năm 2021 - 2022, dịch COVID -19, "bão" giá nguyên, nhiên vật liệu phục vụ thi công những tháng đầu năm và nhất là thời tiết mưa nhiều… đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ chung của dự án. Đứng trước không ít khó khăn, BQLDA7 đã chỉ đạo các nhà thầu thi công phải dồn lực, tăng tốc các mũi thi công, bù tiến độ.
Đặc biệt, sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát động thi đua 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật dự án từ tháng 9/2022 – 12/2022, thời gian còn lại không nhiều, trong khi khối lượng thi công khá lớn; trên công trường dự án hiện nay, các nhà thầu đang huy động 100% nhân lực, máy móc, khắc phục mọi khó khăn về nguồn đất đắp, bê tông nhựa thảm, dòng vốn… chia 3 ca 4 kíp ngày đêm thi công cuốn chiếu các hạng mục: Đào đắp nền đường, thảm cấp phối, thảm bê tông nhựa, dúc bê tông cầu cống… để đảm bảo tiến độ thông xe kỹ thuật.
Ghi nhận thực tế trên công trường, các gói thầu hiện đã cơ bản hoàn thành thi công nền đường, hệ thống cống, hầm chui trên tuyến chính, đường găng vận chuyển vật liệu vào công trường, đúc bê tông dầm cầu… Khó khăn nhất hiện nay của dự án, theo đại diện các nhà thầu thi công, là thiếu hụt nguồn đất đắp nền đường và dòng vốn huy động thực hiện dự án, song các nhà thầu vẫn cam kết cán đích theo mục tiêu đề ra, cơ bản hoàn thành phần đắp, cấp phối đá dăm, thảm bê tông nhựa nền đường tuyến chính trong tháng 12/2022.
Qua tìm hiểu, Bộ GTVT đã yêu cầu BQLDA 7 với vai trò đại diện chủ đầu tư kiên quyết xử lý nhà thầu chậm tiến độ; cắt và chuyển khối lượng thi công của nhà thầu chậm sang các nhà thầu khác thi công tốt hơn; bổ sung thầu phụ; kịp thời thanh toán phần việc hoàn thành cho nhà thầu để hỗ trợ về tài chính. Để đảm bảo kế hoạch thông tuyến vào cuối năm, BQLDA 7 đang lập lại tiến độ từng hạng mục theo từng tuần với các mốc thời gian chi tiết.
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km qua tỉnh Bình Thuận, có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng mặt đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ; giai đoạn 2 đầu tư mở rộng thành 6 làn xe, bề rộng mặt đường 32,25 m, vận tốc thiết kế 120 km/giờ và là một trong 3 dự án cao tốc đi qua tỉnh Bình Thuận trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông. Cao tốc này có điểm đầu tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, nối tiếp với đường cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo và điểm cuối giao với đường đi Mỹ Thạnh thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, kết nối với đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng vừa có kết luận tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I, yêu cầu BQLDA 7 kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công, tăng cường đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ theo cam kết và xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm về chất lượng, tiến độ.
Với tinh thần của phong trào thi đua “120 ngày đêm”, quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tập trung thực hiện “4 ổn định”, “3 tăng cường”, “2 đẩy mạnh”, “1 tiết giảm” và “kiên quyết không”, Bộ GTVT đặt ra yêu cầu với BQLDA 7, các nhà thầu quyết liệt kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện của từng nhà thầu, từng gói thầu và toàn dự án, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” bù lại phần khối lượng đã bị chậm và ký cam kết theo các mốc tiến độ của từng hạng mục. Đồng thời, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm như: Cắt chuyển khối lượng, bổ sung nhà thầu phụ, xem xét chấm dứt hợp đồng và cấm tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý từ 3 - 5 năm đối với các nhà thầu vi phạm. Ngoài ra, các đơn vị hoàn thành tiến độ sẽ được xem xét ưu tiên tham gia thực hiện các dự án xây dựng cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025.