Cảnh báo xu hướng 'ngoại hóa' doanh nghiệp Việt

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định, Chính phủ Việt Nam vẫn kiên định trong việc thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt sẽ chọn lọc đối với các dự án lớn, trọng điểm, các dự án phát triển tốt về môi trường…

Tăng mạnh dòng vốn góp, mua cổ phần

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/6/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,47 tỷ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Chú thích ảnh
Công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại công ty TNHH 4P (huyện Văn Giang, Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Một xu hướng đáng chú ý ở vốn đăng ký là sự gia tăng mạnh mẽ dòng vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2019, có 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 8,12 tỷ USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm gần 44% tổng vốn đăng ký. Nếu không tính lượt góp vốn 3,85 tỷ USD của nhà đầu tư Hong Kong (Trung Quốc) thì tổng giá trị vốn góp vẫn tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Góp vốn, mua cổ phần, diễn biến này có xu hướng tăng rất mạnh trong vài năm trở lại đây, như năm 2018 lượng góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với năm 2017; năm 2017 là 6,19 tỷ USD, tăng 45,1% so với năm 2016. 

Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, đây là một xu hướng đáng chú ý ở vốn đăng ký có sự gia tăng mạnh mẽ dòng vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn này thường là thống kê lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào mua từ 50% giá trị doanh nghiệp, dự án trở lên. Điều này cho thấy, hoạt động thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn và đang lấn át các chủ trương đầu tư mới, mở rộng dự án cũ.

Dẫn chứng sự đột biến về bảng xếp hạng đầu tư nước ngoài bởi một số dự án lớn trong 6 tháng đầu năm 2019, có thể kể đến dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hong Kong) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.

Cùng với đó, còn có dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR. Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hong Kong) Co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh…

Mặt khác, xu hướng này thể hiện thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) phát triển, thông tin minh bạch đến nhà đầu tư và cơ hội hợp tác quốc tế mở rộng. Tuy nhiên, trước xu hướng gia tăng mạnh mẽ ở dòng vốn góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp cũng cảnh báo xu hướng “ngoại hóa” doanh nghiệp Việt và sự chuyển dịch từ vốn đầu tư trực tiếp vào dự án mới sang mua lại cổ phần để thâu tóm doanh nghiệp đang hoạt động.

Thâu tóm doanh nghiệp nội 

6 tháng đầu năm 2019, trong số 95 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hong Kong (Trung Quốc) đang là thị trường dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,73 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã vươn lên đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư.

Trước tình hình dịch chuyển vốn đầu tư, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư, Tổng  cục Thống kê cho biết, nguồn vốn tăng đột biến từ Trung Quốc là điểm cần lưu ý.  

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, riêng  nguồn vốn FDI từ hai thị trường Trung Quốc và Hong Kong đã tăng gần 30% so với cả năm ngoái và gấp hơn 2 lần năm 2017. Số dự án và vốn đầu tư đăng ký cấp mới từ 2 thị trường này trong 6 tháng cũng tăng gấp đôi. 

Ông Nguyễn Việt Phong cho hay, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang kéo dài, Tổng cục Thống kê đã theo dõi hai luồng vốn đầu tư từ Trung Quốc và Hong Kong và đánh giá đây là sự đột biến trong thu hút từ hai luồng vốn này. Cũng theo quan sát của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp Trung Quốc, Hong Kong chủ yếu đầu tư vào các ngành dệt may, da giày, săm lốp ô tô và luyện kim, điện tử…

Theo ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, hiện nay, nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc với tổng vốn đầu tư hơn 2,2 tỷ USD, xếp thứ 3 trong 6 tháng đầu năm nhưng về lũy kế thì xếp vị trí thứ 7. " Nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng cao có nhiều lý do; đặc biệt, từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chúng tôi cũng nhận định khi Mỹ áp thuế cao có thể có chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam”, ông Nội cho hay.

Phó giám đốc Trung tâm kinh tế và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Lương Văn Khôi cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra rất căng thẳng và tiềm ẩn nguy cơ lẩn tránh và chuyển hàng sang Việt Nam.

“Về mặt thuận lợi sẽ giúp chúng ta đón nhận dự án đầu tư tốt nhưng phải ngăn chặn dự án chất lượng không cao, gian lận xuất xứ. Vấn đề này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu trong đề án tổng kết thu hút vốn FDI, đặt ra yêu cầu về nghiên cứu và sửa đổi các quy định liên quan", ông Nguyễn Nội nhấn mạnh.

Chọn lọc thu hút FDI

Đánh giá về tác động của dòng vốn FDI đến tình hình kinh tế vĩ mô, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, dòng vốn FDI từ Trung Quốc có thể khiến Việt Nam trở thành "cứ điểm" để sản xuất, xuất khẩu hàng hóa đi các nước nhằm tránh thuế. Điều này có thể đẩy chúng ta vào chỗ vi phạm về quy tắc xuất xứ hàng hóa hoặc bị chống bán phá giá, trợ giá.

Hơn nữa, làn sóng đầu tư FDI này cũng tạo áp lực cạnh tranh tới các doanh nghiệp trong nước. Do đó, các địa phương cần bám sát mục tiêu của Chính phủ là thu hút FDI có chọn lọc, phải gắn với nâng cao năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong nước.

“Việt Nam đã ký nhiều thỏa thuận thương mại tự do FTA với các nước, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA) vừa được ký kết. Nếu các doanh nghiệp Việt không sẵn sàng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng lợi”, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết.

Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang diễn ra phức tạp và đặc biệt là trong thời gian tới rất có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ nhằm bảo hộ hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Do vậy, Việt Nam cần phải xây dựng kịch bản để theo dõi, đánh giá và sẵn sàng can thiệp về mặt chính sách khi cần thiết đối với vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định, Bộ sẽ làm rõ việc vốn Trung Quốc núp bóng đầu tư vào Việt Nam ở một số ngành và lĩnh vực. Từ đó, Bộ sẽ có những phân tích rủi ro cụ thể hơn.

 “Chính phủ Việt Nam vẫn kiên định trong việc thu hút dòng vốn FDI và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Quá trình thu hút vốn FDI là chọn lọc đối với các dự án lớn, trọng điểm, các dự án phát triển tốt về môi trường và định hướng dòng vốn FDI vào những ngành mà Việt Nam đang chú trọng trong thời gian tới.”, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh.

Thúy Hiền (TTXVN)
6 tháng đầu năm, vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD
6 tháng đầu năm, vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD

6 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,47 tỷ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN