Kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày qua, BOJ đã hạ dự báo tỷ lệ lạm phát tài khóa 2018 xuống 0,9% so với mức 1,1% được đưa ra hồi tháng 7, trong khi tỷ lệ lạm phát tài khóa 2019 và 2020 được dự báo đều giảm 0,1% xuống các mức tương ứng là 1,4% và 1,5%. Động thái điều chỉnh dự báo này khiến nền kinh tế Nhật Bản khó đạt được mục tiêu của BOJ là duy trì lạm phát ở mức 2%. Đây cũng là mục tiêu mà Thống đốc BOJ Harukiko Kuroda theo đuổi kể từ khi nhậm chức vào năm 2013.
BOJ cũng giảm 0,1% dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong năm tài khóa hiện tại (sẽ kết thúc hồi tháng 3 năm tới) xuống mức 1,4%.
Tuy nhiên, với 7 ý kiến đồng thuận và 2 ý kiến phản đối, Ban Giám đốc BOJ vẫn quyết định giữ nguyên tỷ lệ lãi suất dài hạn và ngắn hạn ở các mức cực thấp hiện nay cũng như tiếp tục duy trì chương trình thu mua tài sản trên quy mô lớn trong bối cảnh các hộ gia đình và các doanh nghiệp phải đối mặt với việc tăng thuế tiêu dùng trên toàn Nhật Bản từ tháng 10/2019. Bên cạnh đó, duy trì lãi suất lợi tức trái phiếu chính phủ ở mức 0% và giữ nguyên cam kết mang tính biểu tượng đối với việc tăng lượng trái phiếu chính phủ mà BOJ nắm giữ hằng năm lên mức 80.000 tỷ yen (hơn 711 tỷ USD).
Với các biện pháp áp thuế lẫn nhau, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, gây quan ngại về những tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới nói chung và các nước, khiến kim ngạch thương mại sụt giảm và làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư cũng như ảnh hưởng tới tâm lý kinh doanh. Cùng với đó, động thái siết chặt các biện pháp nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng được dự báo tiềm ẩn nguy cơ thoái vốn ở các thị trường mới nổi.