Tính đến hết tháng 11, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra, xử lý trên 3.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, với tổng trị giá hàng hóa ước trên 50 tỷ đồng; Tuy nhiên, tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay vẫn hết sức căng thẳng, phức tạp.
Điển hình như trong tháng 10 và 11, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ 4 xe ô tô tải chở hàng hóa do Trung Quốc sản xuất nhưng có bao bì Việt Nam, trị giá khoảng 9,5 tỷ đồng; bắt 3 xe ô tô chở hàng tạm nhập tái xuất không khai báo hải quan trị giá 18 tỷ đồng; tổ chức truy quét các tụ điểm gom hàng tại biên giới, bắt giữ 2,5 tấn hàng trị giá khoảng 2 tỷ đồng… Qua các vụ xử lý, tỉnh đã phạt vi phạm hành chính hơn 11 tỷ đồng, phạt bổ sung và truy thu thuế do gian lận thương mại gần 22 tỷ đồng.
Kiểm kê mặt hàng pháo nổ bị thu giữ tại Chi cục Hải quan Tân Thanh.Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN |
Có mặt tại khu vực xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, dọc hai bên đường 4B là cả nghìn người hàng ngày tụ tập chờ đợi khi các lực lượng chức năng lơi lỏng là tìm cơ hội xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới vác hàng về. Là địa bàn do Đồn Biên phòng Tân Thanh phụ trách, chỉ với khoảng 6 km đường biên mà lực lượng chức năng đã phải lập tới 18 lán để chốt chặn tại các đường mòn; đấy là chưa kể tới hàng trăm mét hàng rào dây thép gai được dựng lên.
Nằm cheo leo ngay sát mốc 1099 là một lán dã chiến luôn thường trực ba chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thanh, ngày đêm canh giữ. Thiếu tá Vương Thái Dũng, Phó trưởng Đồn Biên phòng Thanh Lòa (huyện Cao Lộc) được tăng cường về đây cho biết: “Anh em chúng tôi phải căng hết mình ra dọc tuyến biên giới để ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép; do đặc điểm của khu vực biên giới này có hàng trăm đường mòn, lối tắt nên bịt đường này thì người ta lại mở đường khác. Mọi sinh hoạt ăn uống ngày hai bữa đều phải do anh em từ dưới đồn đưa lên, trên này điện không có, nước thì dùng hạn chế, nên 3 - 4 ngày lại có người lên thay ca để về tắm, giặt”.
Tuy không “nóng” như ở Tân Thanh, nhưng tại khu vực cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Chi Ma cũng phải duy trì 8 lán chốt chặn 24/24 giờ tại các đường mòn trên biên giới; chôn cột gỗ, rào dây thép gai tại các khu vực đường mòn và lập hai tổ công tác chốt chặn tại thôn Chi Ma, xã Yên Khoái và Bản Riềng, xã Tú Mịch ngăn chặn hoạt động vận chuyển gia cầm bằng xe máy qua trục chính ra thị trấn Lộc Bình.
Thiếu tá Trần Quốc Hoàn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Chi Ma cho biết: Chúng tôi thường xuyên giáo dục động viên cán bộ, chiến sĩ tự giác, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ; phân chia từng đoạn biên giới, gắn trách nhiệm của từng cán bộ chiến sĩ với khu vực được giao nếu để xảy ra xuất nhập cảnh trái phép và buôn lậu. Đồng thời cũng phối hợp với chính quyền ba xã biên giới là Mẫu Sơn, Yên Khoái và Tú Mịch tuyên truyền vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu; tích cực giúp đỡ bộ đội biên phòng đấu tranh chống buôn lậu.
Tuy các lực lượng chức năng đã căng mình toàn tuyến biên giới để phòng chống xuất, nhập cảnh trái phép và buôn lậu, gian lận thương mại, nhưng nguy cơ xảy ra tình trạng mang, vác hàng lậu qua biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Thâm nhập vào các khu vực sát biên giới, chúng tôi được biết hiện trung bình mỗi ngày có tới cả nghìn người, thậm chí có thời điểm lên tới trên ba nghìn lượt người tập trung về các khu vực Cốc Nam, Tân Thanh… tìm cách xuất cảnh trái phép để vác hàng qua biên giới. Hiện nay, do bị chặn bắt nhiều nên giá thuê cửu vạn vác hàng qua biên giới đã tăng lên tới 15.000 - 18.000 đồng/kg hàng (trước kia chỉ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg).
Thái Thuần