Theo ghi nhận của phóng viên, nằm ven tuyến đường tỉnh 922, đoạn qua xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ có một dãy nhà gồm 6 căn liền kề nhau nằm giữa đồng. Những căn nhà này được xây dựng bằng tôn, xung quanh được người dân trồng nhiều loại cây như: xoài, mít, dừa… với mật độ rất dày và nằm trọn trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.
Điều đáng nói, gọi là nhà nhưng thực chất mỗi căn không khác gì phòng trọ với diện chừng 30m2, không có điện, nước, cửa được khóa kín và hoàn toàn không có bóng người.
Theo UBND xã Trường Xuân, dãy nhà trên thuộc sở hữu của những người trong gia đình bà N.T.H ở ấp Thới Thanh. Bà H. cho biết, 6 căn nhà này là của các con bà cất để ở cách đây vài năm, trước khi có quy hoạch đường cao tốc. Hiện tại, dự án đi qua phần đất xây dựng dãy nhà, gia đình mong muốn được bồi thường thỏa đáng và hỗ trợ tái định cư để các con bà có chỗ ở.
Cũng theo lời bà H., không chỉ riêng nhà bà mà các hộ dân xung quanh cũng xây nhà trên đất lúa do người dân còn nghèo không có tiền chuyển đổi lên đất thổ cư.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ- Sóc Trăng, giai đoạn 1 đoạn qua địa bàn huyện Thới Lai có chiều dài tuyến 13,8 km, đi qua 3 xã Đông Thuận, Trường Xuân và Trường Xuân B, với tổng diện tích đất phải thu hồi là gần 81 ha, với 358 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn xã Trường Xuân dài 6,41 km, diện tích đất cần thu hồi hơn 11 ha, với gần 200 hộ dân, trong đó có 51 trường hợp bị ảnh hưởng nhà.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết, trong quá trình kiểm kê, hầu hết các hộ dân đều phấn khởi khi có tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế sau này nên chấp hành rất tốt. Tuy nhiên, sau khi kiểm kê thì phát hiện 29 trường hợp trồng cây trong phần đất quy hoạch, 6 hộ xây nhà trên đất lúa.
Đối với trường hợp này, UBND xã đã tiến hành xử lý hành vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 6 hộ với số tiền 4 triệu đồng mỗi hộ.
“Chúng tôi đã triển khai quyết định xử phạt cho các hộ dân nhưng họ không nhận nên đã chuyển qua đường bưu điện; đồng thời, niêm yết ngay tại những căn nhà nói trên”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.
Đối với 29 trường hợp trồng cây trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết, người dân trồng cây rải rác trên 6,41 km dự án cao tốc. Tuy nhiên, do chưa thể xác định được mốc thời gian trồng nên các cơ quan chuyên môn đang tiến hành xác minh. Vì đây thuộc lĩnh vực nông nghiệp nên Hội đồng bồi thường giao cho ngành nông nghiệp phụ trách xác minh: mật độ cây trồng, thời gian sinh trưởng...Sau khi nhận được kết quả xác minh của cơ quan chuyên môn sẽ có biện pháp xử lý phù hợp.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài trên 188 km, đi qua 4 tỉnh, thành là An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 44.700 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027. Hầu hết các hộ dân khi được thông báo đều chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước, bàn giao mặt bằng để dự án sớm được triển khai, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo UBND huyện Thới Lai, trong tổng số 358 hộ bị ảnh hưởng trên địa bàn huyện, dự kiến nhu cầu bố trí tái định cư cho 68 hộ tương đương 90 nền. Thời gian qua, địa phương đã thực hiện việc kiểm đếm, đo đạc, áp giá chi trả bồi hoàn; bố trí tái định cư theo hình thức phân tán bằng tiền, đồng thời xem xét, ưu tiên bố trí sớm cho những trường hợp cấp thiết về nhà ở.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc triển khai thủ tục giải phóng mặt bằng còn chậm so với kế hoạch. Qua việc đo đạc, kiểm đếm tại 3 xã thì xã Trường Xuân xuất hiện tình trạng nhiều hộ dân có cây trồng mới, trồng xen cũng như tình trạng cất nhà trên đất nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai Huỳnh Thanh Phường cho biết, hiện nay UBND huyện đang trong quá trình chỉ đạo cho Ban Quản lý dự án, Trung tâm phát triển quỹ đất cùng với UBND của 3 xã có dự án đi qua tiến hành đẩy nhanh việc kiểm kê xét tính pháp lý của các trường hợp nhà, vật kiến trúc, đất và cây trồng. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm kê thì cũng phát hiện một số trường hợp người dân trồng cây mới, xây dựng nhà.
Đối với các trường hợp này, UBND huyện Thới Lai cũng đã chỉ đạo cho Ban Quản lý dự án khẩn trương phối hợp với UBND các xã có các trường này nhanh chóng xác minh xét tính pháp lý để kiểm tra lại từng trường hợp để trình Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện xem xét. Nếu các trường hợp người dân trồng cây, cất nhà trước các thời điểm công bố quy hoạch, thời điểm thông báo thu hồi đất thì sẽ xem xét hỗ trợ di dời.
“Đối với các trường hợp người dân cố tình trồng cây, cất nhà sau thời điểm công bố quy hoạch cũng như sau thời điểm triển khai thông báo thu hồi đất thì Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư của huyện sẽ xem xét, kiên quyết không bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp này”, ông Huỳnh Thanh Phường nhấn mạnh.
Trong khi hầu hết người dân ở huyện Thới Lai đều ủng hộ, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng kiểm kê, bàn giao mặt bằng thì một vài cá nhân cố tình xây dựng công trình, trồng cây trái phép sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án trọng điểm này, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội. Các trường hợp cố tình vi phạm hoặc lợi dụng việc đền bù, giải phóng mặt bằng dự án để trục lợi cần được xử lý nghiêm, không để ảnh hưởng đến tiến độ công trình giao thông trọng điểm quốc gia.