Cần 'kéo' lãi suất cho vay xuống 9-10%

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% năm nay thì việc hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho DN cần phải được thực thi mạnh mẽ hơn, trong đó giải pháp quan trọng là cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay để giúp DN giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.


Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại VietinBank Chi nhánh Chương Dương (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt – TTXVN


Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng sau khi giảm trong tháng 1/2013 đã tăng trở lại từ tháng 2 và có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2012. Tính đến ngày 23/4/2013, tín dụng đã tăng 1,4% so với cuối năm 2012.


Tuy nhiên, đại diện NHNN cũng thừa nhận: Mặc dù đã có sự cải thiện nhưng mức tăng của tín dụng trong 4 tháng đầu năm vẫn còn thấp, nhu cầu vay vốn của DN chưa cao, một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh có tính mùa vụ và nhu cầu vay vốn các tháng đầu năm thấp. Bên cạnh đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nên nhu cầu tín dụng hạn chế và tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Các nhân tố tác động chủ yếu là vấn đề hàng tồn kho của DN, khả năng tiêu thụ sản phẩm, vướng mắc về xử lý tài sản bảo đảm.


Đánh giá về mặt bằng lãi suất hiện nay, NHNN cho rằng: Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm khoảng 1- 2%/năm so với đầu năm. Lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên đang ở mức 9 - 11%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 11- 13%/năm ở khối ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước, 12 - 15%/năm ở khối NHTM cổ phần; trong đó, một số DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên, có tình hình tài chính lành mạnh, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được vay với mức lãi suất chỉ từ 9 - 10%/năm.


Mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm nhưng theo UBGSTCQG, NHNN nên tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất để giảm chi phí tài chính cho DN, kéo mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến xuống mức 9 - 10% nhằm khuyến khích DN vay vốn đầu tư đẩy mạnh sản xuất; đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, sớm đưa Công ty Quản lý tài sản (AMC) đi vào hoạt động.


“Vận hành Công ty Quản lí tài sản là cách thức để “cứu” hệ thống ngân hàng và DN một cách công khai. Theo đó, Chính phủ có thể quản lý và giám sát được dòng di chuyển của các khoản nợ và tài sản của các DN, cá nhân, tổ chức và tài sản Quốc gia”. PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Đại học Kinh tế Quốc dân
Một vấn đề khiến không ít người băn khoăn hiện nay là tốc độ huy động và cho vay vốn đang ở mức khá chênh lệch. Tính đến ngày 23/4, huy động vốn đã tăng 5,34% so với cuối năm 2012, cao hơn gấp 1,5 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2012 và gấp hơn 6 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2011 được xem là tín hiệu tốt về niềm tin của người dân vào hệ thống tổ chức tín dụng tăng lên. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 1,4% là một vấn đề cần được xử lí.


Theo UBGSTCQG, một số nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp là: Lãi suất cho vay còn cao so với khả năng hấp thụ vốn của DN; tỷ lệ nợ xấu cao khiến tín dụng khó tăng mạnh dù huy động vẫn đạt mức tăng khá. Do tỷ lệ nợ xấu cao khiến nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh vốn huy động nhưng chủ yếu là để trả nợ những khoản huy động cũ đáo hạn; do khó khăn trong việc tìm đầu ra tín dụng, vốn huy động chủ yếu được tập trung vào đầu tư tài chính phi tín dụng như đầu tư trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho dù lợi suất TPCP có những thời điểm đã hạ xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

 

Minh Phương

Quỹ tín dụng nhân dân – ‘bà đỡ’ cho kinh tế tập thể
Quỹ tín dụng nhân dân – ‘bà đỡ’ cho kinh tế tập thể

Từ nguồn vốn của quỹ tín dụng nhân dân, các tổ hợp và hợp tác xã tại Quảng Trị đã tận dụng, khai thác được các nguồn lực, góp phần giải quyết nguồn lao động nhàn rỗi tại địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN