Theo Vụ Dự báo, thống kê tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam- NHNN), kết quả điều tra mới đây về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) cho thấy: Gần 90% số TCTD tin tưởng vào việc kiềm chế lạm phát ở mức một con số trong năm nay.
Khách hàng giao dịch tại Hội sở VietinBank, Hà Nội (ảnh tư liệu). Ảnh: Trần Việt – TTXVN
|
Về dư nợ tín dụng cho nền kinh tế, hầu hết các TCTD đều dự báo, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ được cải thiện hơn so với con số 8,91% của năm 2012. Tuy nhiên, không ít ngân hàng đang lo khó đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm 2013.
Kiềm chế lạm phát phụ thuộc lớn sự ổn định giá
“Điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý” được các TCTD đánh giá là nguyên nhân quan trọng nhất tác động tới diễn biến lạm phát năm 2013. Theo các TCTD, kiềm chế lạm phát thực sự là một thách thức lớn, đặc biệt trước bối cảnh Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 7/1/2013 với việc đề ra mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ khoảng 6 - 6,5% trong năm nay (thấp hơn tốc độ tăng CPI 6,81% năm 2012) trong khi mục tiêu tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của năm 2013 cao hơn năm 2012 (5,5% so với 5,03%). Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng chỉ ra 89% số TCTD cho rằng CPI năm 2013 sẽ tăng ở mức một con số, trong đó, mức tăng được kỳ vọng nhiều nhất là từ 5% đến dưới 10%.
Điều này sẽ tạo động lực cho việc giảm mặt bằng lãi suất của cả huy động vốn và cho vay VND. Theo đó, hầu hết TCTD kỳ vọng, lãi suất huy động vốn và cho vay VND giảm trong đó mức giảm được kỳ vọng nhiều nhất là không quá 2%.
Tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2013 mới đây, các thành viên Chính phủ nhấn mạnh: CPI trong 2 tháng đầu năm tăng 2,59% là mức tăng thấp so với nhiều năm qua. Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng khuyến cáo các bộ, ngành chức năng không nên chủ quan, lơ là mà cần hết sức thận trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành về giá cả.
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong tháng 3/2013 sẽ có một số yếu tố gây sức ép tăng giá. Theo đó, một số mặt hàng sẽ được xem xét tăng giá theo lộ trình như: giá dịch vụ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước (dự kiến tháng 3/2013, Hải Phòng sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế; tháng 4 là tỉnh Nam Định và Bình Thuận).
Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý giá cho rằng, trong tháng này có một số yếu tố kiềm chế tăng giá như: Cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trong nước tiếp tục được giữ vững sau Tết, giá nhiều mặt hàng như thực phẩm, cước vận tải ổn định trở lại; chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường tiếp tục được thực hiện tại các địa phương. Dự báo, giá thị trường trong tháng 3/2013 có xu hướng ổn định hoặc tăng nhẹ so với tháng 2/2013.
Trăn trở mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%
Hầu hết các TCTD đều dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2013 sẽ được cải thiện hơn so với con số 8,91% của năm 2012. Theo đó, mức tăng được kỳ vọng nhiều nhất từ 10% đến dưới 20%.
Tuy nhiên, một thông tin không mấy lạc quan đã xuất hiện là tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 19/2 là một con số âm (-0,16%) so với cuối năm 2012. Trước thực tế này, nhiều lãnh đạo ngân hàng và chuyên gia kinh tế lo ngại, với tình hình kinh tế vẫn khó khăn như hiện nay thì đến cuối năm mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra là khó khả thi.
Chia sẻ với phóng viên Tin Tức, nhiều doanh nghiệp cho rằng: Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động “cầm cự”, không muốn vay vốn, mở rộng sản xuất do sức mua chưa cải thiện. Chính vì lẽ đó, các ngân hàng đang và sẽ gặp không ít khó khăn cho việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, một số ít doanh nghiệp lớn và hoạt động tốt đã tiếp cận được vốn với mức lãi suất từ 9 - 11%. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp còn lại không đủ điều kiện vay vốn do kinh doanh không có lãi, thậm chí thua lỗ. "Tuy nhiên, thực tế có đơn vị đủ điều kiện nhưng cũng không dám vay vì hàng tồn kho nhiều. Do vậy, họ phải co cụm lại và chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có là chính", đại diện Hiệp hội cho biết.
Theo Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), ông Đỗ Minh Toàn, tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay không dễ đạt được. Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng: Nếu không có cơ chế đột biến thì tăng tưởng tín dụng năm nay khó đạt mức mà NHNN đặt ra.
Minh Phương