Cần giải pháp tổng thể vực dậy ngành dệt may, da giày sau dịch

Chuỗi cung ứng đối mặt với nguy cơ đứt gãy, nhân lực thiếu hụt và sự điều hành thiếu thống nhất của các địa phương trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, nguyên liệu… khiến nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn khi quay trở lại sản xuất trong thời gian tới.

Làn sóng COVID-19 lần thứ tư xảy ra khi ngành dệt may và da giày bước vào mùa cao điểm trong sản xuất xuất khẩu với số lượng đơn hàng tăng mạnh khi các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, và Trung Quốc đều phục hồi.

Đợt dịch lần này đã ảnh hưởng trực tiếp tới các khu công nghiệp, khiến cho hàng nghìn người lao động bị nhiễm và hàng nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất. Trong tình cảnh đó, các nhãn hàng vì lo ngại bị chậm trễ thời gian giao hàng đã chuyển những đơn hàng chưa sản xuất ra nước ngoài. Theo nghiên cứu tháng 9 của Hiệp hội dệt may và da giày, khoảng 18% doanh nghiệp EU đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam, 60% doanh nghiệp dệt may và da giày bị nhãn hàng phạt vì giao hàng chậm.

Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy; người lao động mất việc làm, thu nhập.

Chú thích ảnh
Các khách mời tham dự chương trình đối thoại chiều 8/10. 

Chia sẻ tại buổi đối thoại trực tuyến “Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may - da giày Việt Nam” do Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) phối hợp Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) tổ chức ngày 8/10, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết: Vừa qua, cả nước đã có 28 tỉnh thành phố phải thực hiện giãn cách, phong tỏa theo Chỉ thị 15, 16 với mức độ và quy mô khác nhau đã làm cho nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày phải đóng cửa, thu hẹp sản xuất, người lao động mất việc làm. 

Riêng ngành dệt may, lực lượng lao động tại khu vực này có khoảng trên 1,2 triệu người chiếm gần 65% lao động toàn ngành. Nhiều doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”; “một cung đường - hai điểm đến”, “4 xanh”… nhưng với chi phí xét nghiệm, chi phí sản xuất rất lớn và nguy cơ lây nhiễm vẫn rất cao, nên chỉ là giải pháp tình thế cho một bộ phận doanh nghiêp và không thể kéo dài. Phương án phòng chống dịch giữa các địa phương không thống nhất, nơi đóng - nơi mở, nơi chặt - nơi lỏng… cũng là nguyên nhân gây ách tắc khâu vận chuyển nguyên phụ liệu và hàng hóa xuất khẩu.

“Đặc biệt, tâm lý lo sợ lây nhiễm cùng với đời sống khó khăn, do không đi làm, không có thu nhập, đã khiến hàng triệu người lao động rời bỏ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… về quê và không ít trong số đó là công nhân dệt may, da giày. Chuỗi cung ứng dệt may, da giày lại một lần nữa có nguy cơ đứt gãy không phải do yếu tố cung - cầu bên ngoài mà do chính yếu tố trong nước, mà việc khan hiếm lao động là một nguyên nhân chính. Đây là bài toán khó cho các doanh nghiệp dệt may, da giày khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất theo chủ trương mới của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thay cho chủ trương “Không có COVID-19”, ông Trương Văn Cẩm cho biết.

Đại diện Hiệp hội dệt may kiến nghị, để hạn chế tổn thất như thời gian qua, thời gian tới doanh nghiệp phải tìm cách nâng tỷ lệ chủ động nguồn cung để tránh phụ thuộc và hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do. Trong điều kiện lao động ngày càng khan hiếm, việc tiết kiệm lao động sống, đầu tư đổi mới công nghệ dựa vào cách mạng công nghiệp 4.0, vào chuyển đổi số là con đường tất yếu cả trước mắt và lâu dài…

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết: Việc mở cửa sản xuất hiện nay có quá nhiều điều kiện phức tạp. Cùng với đó, vấn đề lưu thông giữa các địa phương cũng là cản trở lớn vì lực lượng lao động của hai ngành dệt may và da giày là nằm rải rác ở các tỉnh, việc đi lại vấp phải hàng loạt điều kiện khác nhau giữa các tỉnh khác nhau. 

“Hiện những tỉnh tập trung nhà máy da giày được phủ vaccine COVID-19 lên tới 80 - 90%, nhưng với những quy định ngặt nghèo để mở cửa sản xuất trở lại đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Như tôi được biết hiện nay có những doanh nghiệp đi đến “đường cùng”, họ chấp nhận mở cửa sản xuất rồi chịu phạt sau. Đó là thực tế đang diễn ra vì nếu tiếp tục đóng cửa thì nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.

Đại diện Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, vấn đề khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp là thiếu lao động. Người lao động lo ngại vấn đề an toàn cùng với đó là khó khăn di chuyển cũng gây khó khăn cho mở cửa sản xuất nên phải đảm bảo các yếu tố này để giúp họ an tâm quay lại sản xuất, có như vậy doanh nghiệp mới quay lại sản xuất được.

“Tuy nhiên, cũng từ dịch COVID-19 mà các doanh nghiệp dệt may, da giày đã có những thay đổi, đó là đa dạng hóa nguồn cung để không bị động khi có biến động. Từ những khó khăn, tổn thất thời gian qua, doanh nghiệp cần có phương án phòng ngừa rủi ro, xây dựng quỹ phòng ngừa vì bất cứ tình huống gì cũng có thể xảy ra nếu không có quỹ này thì phá sản nhanh chóng. Điều này hoàn toàn cần thiết qua bài học trong dịch COVID-19. Cùng với đó, cần  có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà máy, khách hàng để cùng tồn tại phát triển, chia sẻ trong những lúc khó khăn. Đó là những bài học rút ra để xây dựng giải pháp cho thời gian sắp tới”, bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.

Thu Trang/Báo Tin tức
Doanh nghiệp dệt may, da giày không để đứt gãy chuỗi nhân lực
Doanh nghiệp dệt may, da giày không để đứt gãy chuỗi nhân lực

Phục hồi sản xuất trở lại sau dịch COVID-19 thế nào luôn là nỗi lo lắng của các doanh nghiệp, đặc biệt với khối dệt may, da giày có hàng trăm nghìn lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN