Tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng đại diện doanh nghiệp đã đánh giá, nhận định tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải trong tiếp cận nguồn vốn vay. Qua đó, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn để tăng khả năng tiếp cận tính dụng cho doanh nghiệp, phục vụ nhu cầu phát triển trong thời gian tới.
Đại diện doanh nghiệp kinh doanh trong ngành hàng cà phê, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, tỉnh Gia Lai cho rằng: Hiện nay, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn vay của các ngân hàng. Các doanh nghiệp không có đủ nguồn vốn đảm bảo thu mua và điều tiết kế hoạch dẫn tới tình trạng bị ép giá do khối lượng lớn cà phê tập trung thu hoạch vào chính vụ được bán ra trong thời gian rất ngắn. Trong khi đó, ngân hàng là cầu nối quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Do vậy, trong thời gian tới đề nghị ngành ngân hàng có chính sách cấp tín dụng theo từng ngành hàng, đặc biệt là ngành nông sản xuất khẩu; trong đó có cà phê để phù hợp với tình hình thực tế của khu vực; đề nghị cung cấp gói tín dụng đặc thù riêng cho ngành cà phê, cho doanh nghiệp đầu ngành và có tính bền vững về lãi suất, về chính sách tài sản đảm bảo (hàng hóa) để cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mặt khác, ngân hàng cũng xem xét triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn, dựa vào phương án sản xuất kinh doanh gồm hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hoá để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp tạo điều kiện chủ động về vốn...
Theo ông Phan Văn Liên, Giám đốc Công ty TNHH Vinh Phúc, tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2020-2023 tình hình thế giới và khu vực biến động phức tạp, khó lường, nhất là dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là việc tiếp cận nguồn vốn để phục hồi và phát triển sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu vốn của doanh nghiệp ở khu vực Tây Nguyên, nhất là trong lĩnh vực đặc thù sản xuất nông, lâm nghiệp vẫn rất lớn. Do vậy, phía doanh nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ Chính phủ, các cấp, các ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo các chương trình ưu đãi để phát triển ổn định, bền vững.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá, khu vực Tây Nguyên có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với đặc điểm lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp. Những năm qua, toàn ngành ngân hàng luôn cố gắng, nỗ lực trong việc phát triển mạng lưới, quy mô hoạt động; tập trung các nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chịu nhiều tác động của tình hình thế giới và trong nước các doanh nghiệp trên địa bàn khu vực Tây Nguyên vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả. Tại Tây Nguyên, nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ chiếm khoảng 53%. Hoạt động vốn trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Theo bà Hà Thu Giang, để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực; trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng với đặc trưng thế mạnh của vùng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng như cà phê, cao su, hồ tiêu, trái cây; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân.
Đặc biệt, các tổ chức tín dụng chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn; đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp...
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước luôn quan tâm, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nhất là trong thời gian tới để doanh nghiệp giải quyết khó khăn trước những tác động của tình hình thế giới và trong nước, đặc biệt là những hậu quả do dịch COVID-19 để lại.
Qua hội nghị, Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp lắng nghe nhiều ý kiến liên quan đến tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là ở những ngành nghề đặc thù của khu vực đang cần sự hỗ trợ. Do đó, cũng cần những cơ chế đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trong khu vực Tây Nguyên. Sau hội nghị, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các ngân hàng trên tinh thần khẩn trương để nghiên cứu, triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong khu vực tăng khả năng tiếp cận các nguồn tính dụng để tháo gỡ khó khăn.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định: Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Trong thời gian tới, với những giải pháp của ngành ngân hàng cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND các tỉnh Tây Nguyên và các Hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trong khu vực từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Theo thống kê, tín dụng tại khu vực Tây Nguyên đến 30/9/2023 đạt trên 508.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 4,01% tổng dư nợ nền kinh tế; trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được quan tâm đầu tư với dư nợ đạt hơn 297.000 tỷ đồng, tăng 3,15% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng trên 58% tổng dư nợ của khu vực.