“Cán bộ thuế chỉ chăm chăm tìm ra lỗi sai để phạt”

Chia sẻ tại Hội thảo “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp (DN) vẫn phản ánh có tình trạng bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều và cán bộ thuế dường như chỉ chăm chăm tìm ra lỗi sai phạm để xử phạt chứ không phải nhằm mục đích hướng dẫn, hỗ trợ DN.

Phải tiếp đủ đoàn kiểm tra

Một thực trạng DN phản ánh, đó là xu hướng DN có quy mô càng lớn thì tỷ lệ thanh kiểm tra thuế càng cao. Cụ thể, 32% DN có doanh thu dưới 1 tỷ đồng bị thanh tra thuế, DN doanh thu từ 1 – 10 tỷ đồng là 53% và DN có doanh thu trên 100 tỷ thì 74% cho biết có tiếp đón đoàn thanh kiểm tra thuế trong vòng 1 năm trở lại đây.

Đáng chú ý, trong các DN bị thanh tra thuế có 80% bị thanh kiểm tra bởi cơ quan thuế, 9% cho biết có tiếp đón các đoàn thanh kiểm tra bởi các cơ quan khác như công an kinh tế, kiểm toán, thanh tra tỉnh, quản lý thị trường, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Công Thương… thậm chí cả kiểm lâm hoặc chính quyền quận/huyện và phường cũng thanh tra, kiểm tra DN gây phiền hà, mất thời gian của doanh nghiệp, thậm chí DN phải mất phí không chính thức để bớt bị…hành.

DN vẫn phàn nàn về nhiều thủ tục thuế. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, các DN cũng cho rằng, các văn bản pháp luật về thuế thay đổi và ban hành mới liên tục, các DN hầu như không cập nhật kịp. Các quy định về thủ tục liên quan lại tương đối phức tạp, cũng không có danh sách cụ thể về các loại báo cáo phải nộp hàng năm gây ra một số khó khăn như: không biết phải nộp những thông báo gì dẫn đến nộp chậm và bị phạt vi phạm hành chính.

Cùng với đó, không ít DN phản ánh, nhiều lúc DN thắc mắc gọi điện đến cơ quan thuế nhờ tư vấn nhưng nhiều cơ quan thuế không trả lời thắc mắc qua điện thoại mà yêu cầu DN trực tiếp đến cơ quan thuế, dù thắc mắc nhỏ về quy định. Do vậy, các DN kiến nghị Nhà nước cần đưa ra những quy định chính xác, cập nhật thường xuyên những thông báo phải nộp cho DN dễ tuân thủ. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần có chính sách thuế riêng cho DN nhỏ và vừa – những DN không có thời gian cũng như nguồn lực dành cho bộ phận kế toán chuyên sâu về thuế, với những quy định đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với năng lực của các đơn vị này.

Đi lại 20 lần mới được hoàn thuế

Theo kết quả khảo sát, có 16% DN cho biết họ có thực hiện thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng trong năm qua. Khối DN FDI thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT nhiều nhất (43%), DN dân doanh (13%) và DN nhà nước chỉ 7%.

Tuy nhiên, quá trình hoàn thuế GTGT thủ tục phức tạp, thông thường DN mất 2 lần đi giải trình với cơ quan thuế. Cá biệt có một số trường hợp phải đi lại giải trình trên 10 lần, thậm chí có DN phải đi lại tới 15, 20 lần.


Thời gian hoàn thuế tính từ khi DN bắt đầu làm hồ sơ cho tới điểm nhận được quyết định hoàn thuế của cơ quan thuế. Theo đó những DN thuộc diện hoàn trước, kiểm tra sau thời gian thông thường mất 15 ngày, còn trường hợp kiểm tra trước hoàn sau, thời gian thông thường là 30 ngày. Khoảng 80% DN nhận được quyết định hoàn thuế trong 40 ngày, 4% cho biết nhận được quyết định hoàn thuế sau 90 ngày.

Sau khi nhận quyết định hoàn thuế thường mất 7 ngày để DN nhận được tiền hoàn thuế vào tài khoản nhưng 91% DN nhận được tiền hoàn thuế trong 30 ngày, kể từ khi nhận được quyết định hoàn thuế. Song vẫn có 3% mất khoảng 90 ngày, thậm chí cá biệt có DN mất tới 1 năm mới nhận được tiền hoàn thuế vào tài khoản. Do đó có đến 30% DN trong diện được hoàn thuế giá trị gia tăng không thực hiện thủ tục hoàn thuế vì thủ tục quá phức tạp; 20% cho rằng yêu cầu khó đáp ứng…Do đó, DN kiến nghị, phải quy định thời gian cụ thể nhận hồ sơ và thời gian trả lời hồ sơ và cần thanh tra, kiểm tra cán bộ hay gây khó dễ cho DN.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, kết quả khảo sát đã cho thấy những chuyển biến tích cực của ngành thuế, khi so sánh với kết quả khảo sát năm 2014. Tuy nhiên, cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính thuế cũng như nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật trong lĩnh vực thuế và chú trọng khâu tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế và ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ, đẩy mạnh đăng ký và nộp thuế điện tử, nhằm giảm thời gian, công sức cho DN và hạn chế vấn đề chi phí không chính thức…

Thu Trang
Bất chấp nỗ lực cải cách, 41% doanh nghiệp vẫn gặp phiền hà về thuế
Bất chấp nỗ lực cải cách, 41% doanh nghiệp vẫn gặp phiền hà về thuế

Đó là thông tin được đưa ra sáng nay (7/3), tại một cuộc hội thảo về đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế và mức độ hài lòng của doanh nghiệp diễn ra tại Hà Nội. Dù vậy, kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp gặp phiền hà trong thủ tục thuế năm 2016 đã giảm đáng kể so với năm 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN