Doanh nghiệp được lợi khi hoàn thuế điện tử từ tháng 3/2017

Cùng với khai thuế qua mạng, để hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế điện tử, từ đầu tháng 3/2017, Tổng cục Thuế sẽ thí điểm thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) điện tử tại 13 tỉnh, thành phố lớn trên cả nước. Động thái này được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng về một quy trình hoàn thuế minh bạch, hạn chế tối đa những tiêu cực.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội, Nghị quyết 19 của Chính phủ ban hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với việc triển khai thí điểm hoàn thuế điện tử tại 13 tỉnh, thành phố sẽ giúp Tổng cục Thuế rà soát và điều chỉnh để triển khai trên địa bàn cả nước một cách hiệu quả nhất, tiến đến mục đích cuối cùng là đơn giản hóa thủ tục và gia tăng tính minh bạch cho hệ thống.

Phòng giao dịch tại Cục thuế Hà Nội. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN.

“Việc thay đổi này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí và thời gian, từ đó phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, góp phần không nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Đặc biệt, ngành thuế sẽ cải thiện được sự minh bạch và gia tăng hiệu quả công việc cho cán bộ công nhân viên trong ngành”, đại diện Hiệp hội DNNVV Hà Nội nói.


Khi áp dụng hoàn thuế điện tử, trước tiên, doanh nghiệp không cần tới cơ quan thuế để làm thủ tục và nộp hồ sơ trực tiếp như trước đây mà ở bất kỳ nơi nào cũng có thể thực hiện. Mọi thao tác hướng dẫn đều được đăng tải công khai trên cổng thông tin của cơ quan thuế. Sauk hi hoàn tất kê khai, doanh nghiệp chỉ cần gửi bằng phương thức điện tử về cơ quan thuế và cơ quan thuế tiếp nhận luôn

Bên cạnh đó, ứng dụng hoàn thuế điện tử còn có sẵn chương trình theo dõi tiến trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế, chương trình tương tác giữa cơ quan thuế và người nộp thuế. Qua đó, cơ quan giám sát cũng có thể thấy được tiến trình hoàn thuế, từ số lượng hồ sơ xin hoàn, cách thức giải quyết có đúng quy trình, hồ sơ xin hoàn đang tới bước nào, được giải quyết tới đâu?… đều thể hiện trong chương trình. Cơ quan thuế và doanh nghiệp cũng có thể tương tác trực tiếp nếu hồ sơ thủ tục còn thiếu cần bổ sung.

Để thực hiện thí điểm hoàn thuế điện tử, trước đó, các địa phương đã thành lập tổ triển khai, tổ hỗ trợ, gồm các lãnh đạo cục thuế và tất cả lãnh đạo của các chi cục thuế nhằm nắm rõ chủ trương lớn này.

Đơn cử tại TP.Hồ Chí Minh, đại diện Cục thuế thành phố cho biết: Theo hướng dẫn chung của Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh được giao thực hiện thí điểm 100 doanh nghiệp, tập trung vào 2 nhóm chính là nhóm có hoạt động xuất khẩu và nhóm có hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, đơn vị đã chọn ra được khoảng 190 doanh nghiệp và tổ chức tập huấn về quy trình hoàn thuế điện tử cho những doanh nghiệp này.

“Ví dụ tháng 3 thì hồ sơ hoàn thuế của kỳ tháng 2 và doanh nghiệp có thể thực hiện tương tác trực tiếp với cơ quan thuế. Khi doanh nghiệp đăng ký và thực hiện hoàn thuế điện tử, nếu có trục trặc về đường truyền hay về vấn đề gì đó thì cơ quan thuế vẫn có thể tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế như trước đây (nếu doanh nghiệp yêu cầu) chứ không buộc doanh nghiệp phải thực hiện lại nhằm tránh tình trạng kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho doanh nghiệp”, lãnh đạo Cục thuế TP.Hồ Chí Minh nói.

Minh Phương
Kiểm tra hồ sơ hoàn thuế doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro
Kiểm tra hồ sơ hoàn thuế doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết: Năm nay sẽ thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí và chỉ số phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo đó, chỉ những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro mới đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN