Dự án Công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr, nằm trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk đã đủ năng lực cấp nước tưới cho 14.347 ha trong khu vực. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả dự án như mục tiêu ban đầu thì tỉnh Gia Lai cần chuyển đổi mục đích sử dụng 4.757 ha rừng để tạo khu tưới. Xung quanh vấn đề đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án nếu tiếp tục chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích rừng trên, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp.
Xin Thứ trưởng cho biết, tại sao Dự án Công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr đã đủ năng lực cấp nước tưới cho 14.347 ha nhưng khu tưới thực tế chỉ đạt 66% theo thiết kế. Điều này chưa phát huy tối đa nhiệm vụ ban đầu đặt ra, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư và tạo tâm lý bức xúc trong nhân dân, đặc biệt tại địa phương có dự án?
Dự án Công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr (dự án) thuộc nhóm A, nằm trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đây là dự án quan trọng trong chiến lược an ninh, quốc phòng biên giới và phát triển kinh tế - xã hội khu vực.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 1998, cho phép thực hiện đầu tư năm 2005, đến nay đã 18 năm. Để thực hiện dự án thời điểm đó sẽ phải chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 14.000 ha rừng tại hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.
Thời điểm đó, Nhà nước có chủ trương khai hoang rừng nghèo kiệt để lấy đất sản xuất, sinh kế cho người dân, đồng thời gắn với chủ trương di dân phía Bắc vào để phát triển các dự án kinh tế - xã hội. Dự án còn có mục tiêu đảm bảo quốc phòng an ninh biên giới Việt Nam – Campuchia. Đó là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước thời điểm đó.
Cũng vào thời điểm đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Đến nay, dự án đã xây dựng hoàn thành hồ Ia Mơr tạo kho nước 178 triệu m3, hồ Pleipai 20,9 triệu m3 và đập dâng IaLốp, hoàn thành xây dựng hệ thống kênh chính, kênh Đông, kênh Tây. Dự án đã đảm bảo đủ năng lực cấp nước tưới cho 14.347 ha. Khu tưới thực tế đã hình thành, người dân đang sản xuất nông nghiệp khoảng 9.449 ha, đạt 66% nhiệm vụ thiết kế; trong đó có 7.170 ha đã đầu tư hệ thống kênh tưới và 2.279 ha đang tiếp tục đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Còn lại 4.898 ha thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai; trong đó có 4.757 ha đất rừng cần phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để tạo khu tưới.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc chuyển mục đích sử dụng 4.757 ha đất rừng để làm khu tưới trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị chậm tiến độ, làm kéo dài thời gian thực hiện dự án và chưa phát huy tối đa nhiệm vụ đặt ra của dự án.
Như vậy có thể thấy, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành nhiệm vụ thực hiện dự án của địa phương. Tại sao, tỉnh Gia Lai lại có sự chậm trễ như vậy?
Đắk Lắk hoàn thành sớm nhiệm vụ là do địa phương đã chuyển đổi mục đích sử dụng rừng vào thời điểm đó (khi thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh), còn Gia Lai bây giờ mới chuyển đổi nên theo quy định hiện hành, thẩm quyền của Quốc hội.
Tại thời điểm năm 2005, tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương lập dự án phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp ở khu vực 4.000 ha thuộc vùng tưới của dự án. Nhờ đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã được thực hiện nhanh chóng. Hiện nay, khu vực đã hình thành khu tưới với khoảng 4.000 ha và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân đã thoát nghèo và đang làm giàu trên chính mảnh đất này.
Còn tỉnh Gia Lai vào thời điểm đó chưa có các dự án để di dân nên quan điểm của tỉnh là để tránh việc không quản lý được đất đai thì có dân đến đâu sẽ chuyển mục đích sử dụng rừng đến đó. Do đó, tỉnh không chuyển đổi ngay tất cả diện tích rừng cần chuyển.
Theo tôi, thời điểm đó tỉnh có quan điểm như vậy là phù hợp. Đây là khu vực biên giới, nếu chuyển đổi ngay mà không quản lý được thì sẽ rất phức tạp.
Do việc chuyển dần từng bước nên đến thời điểm này theo mục tiêu ban đầu của dự án, tỉnh Gia Lai sẽ còn phải chuyển đổi 4.757 ha rừng.
Nếu tiếp tục chuyển đổi diện tích rừng trên sẽ đảm bảo đúng mục tiêu dự án. Tuy nhiên, việc chuyển đổi với diện tích rừng lớn như vậy sẽ đem lại hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội ra sao, thưa Thứ trưởng?
Với mục tiêu ban đầu của dự án thì việc chuyển đổi diện tích rừng còn lại là không sai. Tỉnh cần tiếp tục chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích rừng trên để đảm bảo mục tiêu ban đầu đặt ra.
Tuy nhiên, theo tôi, nếu tiếp tục chuyển đổi để đảm bảo mục tiêu ban đầu của dự án cũng sẽ tạo ra các hệ lụy.
Một là vấn đề phải trồng rừng thay thế. Đây là diện tích rừng tự nhiên nên khi quy đổi sang trồng rừng thay thế sẽ gấp 3 lần. Như vậy, diện tích rừng cần trồng thay thế là gần 15.000 ha. Cùng với đó là số vốn đầu tư trồng rừng thay thế khoảng 1.200 tỷ đồng.
Vấn đề cần đặt ra là có đủ số vốn và diện tích đất như trên để đảm bảo cho việc trồng rừng thay thế hay không? Đây sẽ là vấn đề rất khó có lời giải.
Hệ lụy thứ hai là nếu chuyển đổi được diện tích rừng trên xong, địa phương lại chia cho các hộ trồng lúa, hoa màu… với mỗi mảnh ruộng, thửa đất thì hiệu quả sản xuất liệu có đạt được?
Để chuyển đổi diện tích rừng này cần phải có những dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao hoặc các dự án khác để làm động lực phát triển cho khu vực này. Như vậy, việc chuyển đổi này mới thực sự đem hiệu quả kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, việc thu hút được những đầu tư như vậy chưa nhìn thấy.
Hệ lụy thứ 3 là khi di dân lên đây sẽ đòi hỏi về hạ tầng rất lớn. Tỉnh sẽ phải cần hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư cho vấn đề này.
Với thực tế trên, xin Thứ trưởng cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như thế nào?
Với thực tế này, Bộ đã góp ý cho địa phương 3 phương án.
Phương án thứ nhất là tiếp tục chuyển đổi mục đích sử dụng 4.757 ha rừng này theo mục tiêu ban đầu của dự án thì phải giải quyết được 3 hệ lụy trên. Đồng thời, tỉnh phải cân đối được nguồn vốn để đảm bảo các vấn đề trên, còn Ngân sách Trung ương sẽ khó có thể bố trí đủ vốn cho vấn đề này.
Phương án hai là không chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng mà nghiên cứu các vùng tưới khác mà vẫn đảm bảo vùng tưới khoảng 14.000 ha như mục tiêu dự án đặt ra. Để đảm bảo mục tiêu này là hoàn toàn có khả thi vì hiện nay Đắk Lắk đang xin cung cấp nước cho thêm khoảng 4.000 ha và chỉ cần nối thêm các đường dẫn nước tới các khu vực cần tưới, với kinh phí cần đầu tư khoảng 700 tỷ đồng là có thể tưới cho vùng 3.500 ha. Hiện địa phương này đã đề xuất nhưng do mục tiêu đảm bảo vùng tưới ban đầu của dự án nên chưa có quyết định.
Hay tỉnh Gia Lai cũng có hàng nghìn hecta cần tưới bên cạnh diện tích của dự án, hiện người dân đang sản xuất nông nghiệp nhưng gặp khó khăn về nguồn nước tưới.
Về mở rộng vùng tưới, trong nghiên cứu của Bộ và hai địa phương này có thể lên tới 18.000 ha và hồ chứa vẫn đảm bảo cung ứng đủ nguồn nước. Như vậy sẽ cần rà soát điều chỉnh nhiệm vụ theo hướng tăng diện tích và phạm vi vùng tưới của dự án.
Cùng với đó, dự án vẫn cải tạo môi trường, sinh thái khu vực, nâng cao mực nước ngầm tạo độ ẩm hỗ trợ cho 4.757 ha rừng không chuyển đổi để khôi phục hệ sinh thái rừng. Hiện diện tích rừng này là rừng nghèo kiệt, khó phát triển, chủ yếu phát triển vào mùa mưa, còn mùa khô thì đây là điểm cực hạn. Như vậy dự án sẽ bổ sung nhiệm vụ hỗ trợ làm ẩm cho diện tích rừng này.
Về phương án 3, hiện nay tỉnh Gia Lai đang đề nghị xin chuyển đổi 12.000 ha rừng cao su ở quanh khu vực hồ chứa Ia Mơr thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì ở khu vực này, cây cao su đem lại hiệu quả kinh tế không cao. Nếu chủ trương này được thực thi thì dự án sẽ cung ứng nước cho 12.000 ha này.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!