Long An: Đảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, ngành Nông nghiệp đề ra các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2022.

Chú thích ảnh
Củng cố hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Long An. Ảnh: baolongan.vn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, UBND các huyện, thành phố, thị xã, đơn vị liên quan chủ động xây dựng, rà soát phương án ứng phó thiên tai và các tình huống khẩn cấp cho công trình thủy lợi, đê điều. Các đơn vị chủ động xây dựng phương án, kịch bản ứng phó trong trường hợp mưa lớn, triều cường và các loại hình thời tiết cực đoan; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng.

Ngoài ra, các đơn vị bố trí lực lượng thường trực tại công trình, thường xuyên theo dõi, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố xảy ra; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi. Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, kiên quyết xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang bảo vệ công trình, đào xới, san lấp, lấn chiếm lòng sông, kênh, rạch gây sạt lở, làm tắc nghẽn dòng chảy, hướng thoát nước của công trình. 

Các ngành liên quan đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, huy động nguồn lực tổ chức nạo vét, trục vớt cỏ rác, lục bình, khơi thông dòng chảy tuyến kênh, tránh tình trạng ô nhiễm và tăng năng lực cấp nước, thoát nước của các tuyến kênh. Đặc biệt, các đơn vị tăng cường thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

Đối với các trạm bơm khu đê bao thị trấn Tân Hưng (huyện Vĩnh Hưng), thị trấn Kiến Tường (thị xã Kiến Tường), ngành Nông nghiệp đề nghị, UBND các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch vận hành trạm bơm hợp lý trong trường hợp có mưa lớn kéo dài để không xảy ra ngập úng; kiểm tra bảo trì, sửa chữa trạm bơm, hệ thống thiết bị điện đảm bảo vận hành tốt. Các địa phương bố trí lực lượng trực, phương tiện, thiết bị thay thế để chủ động ứng phó trong trường hợp có sự cố vận hành.

Riêng hệ thống công trình Khu tưới Đức Hòa - Dự án thủy lợi Phước Hòa, UBND huyện Đức Hòa chủ động phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa trong công tác điều tiết xả nước xuống hạ lưu, có thông tin cảnh báo kịp thời về thời gian vận hành, đóng, mở cửa xả nước, xả đáy…

Huyện chủ động khảo sát thực trạng việc kết nối thoát nước vào các trục tiêu chính trong khu vực, tránh gây ảnh hưởng ngập úng cục bộ, xói lở vùng hạ lưu công trình; kiểm tra thực trạng hoạt động của cống tiêu ngầm, tuyến kênh tiêu liên quan đến khu, cụm công nghiệp đã bị bồi lấp, không đảm bảo khả năng tiêu thoát nước để chủ động sửa chữa, khắc phục kịp thời, đảm bảo phát huy tốt công năng công trình.

Thanh Bình (TTXVN)
Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều để giảm nhẹ thiên tai
Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều để giảm nhẹ thiên tai

Hệ thống đê điều đã được Trung ương và các tỉnh, thành phố đầu tư, tu bổ, nâng cấp, tuy nhiên vẫn có nhiều hạng mục đê, kè, cống chưa đáp ứng được yêu cầu chống lũ, bão. Vì vậy, việc xác định rõ trọng điểm, hiện trạng các tuyến đê trước, trong và sau mùa mưa, bão là hết sức quan trọng. Trên cơ sở đó xây dựng phương án hộ đê nhằm chủ động đối phó với bão, lũ, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do thiên tai gây ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN