Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều để giảm nhẹ thiên tai

Hệ thống đê điều đã được Trung ương và các tỉnh, thành phố đầu tư, tu bổ, nâng cấp, tuy nhiên vẫn có nhiều hạng mục đê, kè, cống chưa đáp ứng được yêu cầu chống lũ, bão. Vì vậy, việc xác định rõ trọng điểm, hiện trạng các tuyến đê trước, trong và sau mùa mưa, bão là hết sức quan trọng. Trên cơ sở đó xây dựng phương án hộ đê nhằm chủ động đối phó với bão, lũ, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do thiên tai gây ra.

Chú thích ảnh
Sự cố sạt lở đê sông Đáy, đoạn xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa (thành phố Hà Nội). Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Cần có những giải pháp hiệu quả

Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều, Tổng cục phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Công Tuyên, trong năm 2021 đã xảy ra 73 sự cố về đê điều như tại đê Hữu Thương, huyện Tiên Yên, tỉnh Bắc Giang, đê tả Lô, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, đê tả Thao, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, sạt lở mái đê thượng lưu Km 51,9-Km 52,1 đê tả Đáy, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội... Những sự cố đê này đã ảnh hưởng rất lớn tới công tác phòng, chống thiên tai.

Hiện nay, việc vi phạm về an toàn đê điều diễn ra rất nghiêm trọng, song việc ngăn chặn, xử lý vi phạm còn hạn chế. Đặc biệt là tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép bãi sông để xây nhà ở, nhà xưởng, xe quá tải trọng đi trên đê làm hư hỏng mặt đê.

Cùng với đó, nhiều địa phương triển khai các dự án xây dựng công trình nhà ở phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở bãi sông khi Quốc hội, tỉnh, thành phố chưa duyệt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thẩm định nội dung thoát lũ, an toàn đê điều, thậm chí có dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, từ tháng 1/2011-10/2021 đã xảy ra 11.113 vụ vi phạm đê điều trong đó mới xử lý được 3514 vụ (chiếm 31,6%) còn lại tồn đọng 7.599 vụ (chiếm 68,4%).

Ông Phạm Đức Luận cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các địa phương triển khai thanh tra diện rộng việc chấp hành pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai. Trong đó có lực lượng thanh tra của Bộ đã tiến hành kiểm tra tại một số tỉnh, thành phố. Trong năm 2020-2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục phòng, chống thiên tai ban hành 40 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, đôn đốc địa phương xử lý các vi phạm...

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, cùng với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội đặt ra không ít thách thức đối với công tác quản lý, bảo vệ đê điều. Để chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước cần có những giải pháp hiệu quả trong công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Theo Vụ Quản lý đê điều, Tổng cục phòng, chống thiên tai, nguyên nhân vi phạm pháp luật về an toàn đê điều tại các tỉnh, thành phố phần lớn là do ý thức chấp hành các quy định Luật Đê điều của một số tập thể, cá nhân chưa nghiêm, nhiều địa phương vi phạm về an toàn đê điều vẫn diễn ra, thậm chí vi phạm nhiều lần. Điều đáng lưu ý là sự phối hợp giữa cán bộ quản lý đê chuyên trách, cán bộ quản lý đê nhân dân và chính quyền cơ sở chưa hợp lý dẫn đến số vụ vi phạm phát sinh nhiều, hiệu quả xử lý thấp. Chính quyền một số địa phương chưa chủ động vào cuộc, còn đùn đẩy trách nhiệm trong việc xử lý các hành vi vi phạm. Việc xử lý cơ bản mới dừng lại ở mức đình chỉ tại chỗ và lập biên bản vi phạm, chưa đưa ra được các giải pháp xử lý dứt điểm. Mặt khác, một số doanh nghiệp, cá nhân vi phạm chưa hợp tác với chính quyền trong công tác xử lý.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đê điều ở một số địa phương chưa thực sự hiệu quả, người dân còn tâm lý chủ quan trong bảo vệ hành lang đê điều... Một trong những lý do dẫn tới các ngành chức năng gặp khó khăn trong xử lý vi phạm đê điều là do một số vi phạm đê điều nằm trên phần đất thổ cư được cấp cho các hộ dân theo Luật Đất đai nên khi các hộ dân cải tạo, nâng cấp các công trình lại vi phạm Luật Đê điều. Mặt khác, do chưa có kinh phí xử lý, di dời các công trình nhà ở trong phạm vi đê điều, bãi sông; các chủ hộ vi phạm thường chây ỳ, không thực hiện nghiêm các quyết định xử phạt hành chính.

Vụ trưởng Trần Công Tuyên nhấn mạnh thêm, nhiều nơi, chính quyền địa phương và người dân còn nhận thức không đầy đủ, cho rằng khi xây dựng các hồ chứa thủy điện lớn trên các hệ thống sông để phục vụ điều tiết lũ và phát điện thì dưới vùng hạ du không còn lũ, dẫn đến tình trạng chủ quan và xem nhẹ vai trò của hệ thống đê điều... Bên cạnh đó, là tình trạng xe quá khổ, quá tải thường xuyên chạy trên các tuyến đê khiến nhiều đoạn bị xuống cấp nghiêm trọng.

Một số đoạn đê còn chưa có biển báo giới hạn tải trọng cho phép xe cơ giới đi trên đê, chính vì thế khi kiểm tra, phát hiện vi phạm của phương tiện quá tải lưu thông trên đê nhưng rất khó khăn để xử phạt. Thanh tra giao thông chỉ xử lý được các vi phạm liên quan đến phương tiện như phương tiện quá tải, thay đổi kích thước thùng hàng, không che phủ để rơi vãi hàng...), điều kiện kinh doanh vận tải và người điều khiển phương tiện. 

Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận đề nghị, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 7/10/2019 về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trong đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào việc đánh giá hiện trạng hệ thống đê, xác định hệ thống đê trọng điểm, xung yếu, xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ trọng điểm. Các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư cho từng tuyến đê, có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân đối với các trường hợp có sự cố đê xảy ra; tổ chức kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin hai chiều để bổ sung kịp thời; tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê, đặc biệt là lực lượng quân đội.

Lực lượng làm công tác hộ đê phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phát quang mái, chân đê, phục vụ tuần tra, canh gác, xử lý sự cố đê giờ đầu một cách nhanh chóng, kịp thời; theo dõi chặt chẽ quá trình xử lý và lập hồ sơ quản lý đối với từng vụ vi phạm.

Các Chi cục Thủy lợi tại địa phương cần tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố tổ chức các đoàn liên ngành (nhất là sự vào cuộc của lực lượng công an) để kiểm tra, xử lý thường xuyên, đột xuất; mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm đê điều nhất là các vi phạm nổi cộm. Trường hợp xác định đủ điều kiện, cấu trúc hành vi phạm tội cần xử lý hình sự theo quy định của pháp luật để tạo tính răn đe.

Các tỉnh, thành phố lập, rà soát phương án phòng chống lũ, phương án phát triển hệ thống đê điều theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 5858/BNN-PCTT ngày 16/9/2021 làm cơ sở để quản lý, sử dụng bãi sông tuân thủ các quy định của pháp luật về đê điều, đồng thời hướng dẫn, giám sát các hoạt động liên quan đến đê điều; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai đến cộng đồng nhất là những người dân sinh sống ven đê; tổ chức vận động các tổ chức, hộ gia đình ven đê ký cam kết không vi phạm pháp luật về đê điều.

Các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo, thực hiện các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục phòng, chống thiên tai về xử lý dứt điểm các vi phạm nổi cộm; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định; tổ chức thực hiện tốt phòng trào “xây dựng đê kiểu mẫu” giải đoạn 2021-2025...

Thắng Trung (TTXVN)
Hà Nội: Quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống chậm phê duyệt do vướng Luật Đê điều
Hà Nội: Quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống chậm phê duyệt do vướng Luật Đê điều

Lý giải nguyên nhân chậm phê duyệt hai đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu sông Đuống, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, đây là khu vực đặc thù, phải tuân thủ các yêu cầu của Luật Đê điều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN