Các địa phương xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu cho nông sản

Ngày 15/11, các tỉnh Cà Mau, Nam Định, Khánh Hoà đã xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu cho nông sản.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Kim Há/TTXVN

*Ngày 15/11, Ủy ban nhân tỉnh Cà Mau phối hợp Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2024.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, UBND tỉnh Cà Mau..., các Tập đoàn phân phối, bán lẻ lớn như Central Retail (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản); các đoàn doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Ả Rập Xê Út, Algeria cùng với hơn 50 doanh nghiệp trực tiếp tham dự hội nghị và chương trình giao thương với doanh nghiệp tỉnh Cà Mau...

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc xúc tiến thương mại và kết nối các thị trường là yếu tố then chốt giúp các sản phẩm của tỉnh Cà Mau vươn xa đến các thị trường mới. Do vậy, hội nghị này được xem là sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, đặc sản của địa phương, kết nối với các kênh phân phối hiện đại và mở rộng thị trường xuất khẩu tiềm năng trong thời gian tới.
     
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và đối tác dễ dàng tiếp cận, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thủy sản chất lượng cao, cùng các sản phẩm OCOP và đặc sản của tỉnh. Tỉnh đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường, thân thiện môi trường, dồi dào về số lượng, ổn định về giá cả, tạo nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp và đối tác mở rộng thị trường, nâng cao hình ảnh, vị thế thương hiệu, đạt được lợi nhuận bền vững và phát triển trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu hiện nay.

Theo bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, sự hiện diện đông đảo của quý đại biểu đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với tiềm năng xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của tỉnh Cà Mau, đồng thời minh chứng rõ nét cho quyết tâm thúc đẩy chuỗi cung ứng hàng nông, thủy sản của Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.

Lãnh đạo Bộ Công Thương tin tưởng, thông qua các phiên trao đổi, thảo luận và kết nối trực tiếp cũng như trực tuyến, hội nghị lần này không chỉ dừng lại ở việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu, môi trường đầu tư tỉnh Cà Mau, mà còn là tiền đề để thúc đẩy giao thương, kết nối và thiết lập các mối quan hệ đối tác lâu dài; củng cố và mở rộng chuỗi cung ứng hiện tại, xây dựng các chuỗi cung ứng mới theo hướng bền vững hơn, góp phần đưa các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung vươn xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chú thích ảnh
Ký kết biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp trong kết nối sản xuất với phân phối sản phẩm OCOP Cà Mau. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng UBND tỉnh Cà Mau và các doanh nghiệp của tỉnh trong triển khai các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm có thế mạnh của Cà Mau, cũng như tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong hoạt động thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đảm bảo tính bền vững và lâu dài cho chuỗi cung ứng.

Hội nghị dành nhiều thời gian để các đại biểu tập trung trao đổi, chia sẻ về cơ hội, thách thức đối với xuất khẩu năm 2024 và những năm tiếp theo; tiềm năng và lưu ý đối với xuất khẩu sang thị trường Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc...

Trong khuôn khổ hội nghị còn diễn ra hoạt động khảo sát nhà máy chế biến thủy sản, cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm OCOP, vủng nguyên liệu; tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP Cà Mau; Phiên kết nối sản xuất với phân phối và Phiên kết nối giao thương, hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác thiết thực và hiệu quả.

Cà Mau là một trong 4 ngư trường trọng điểm của Việt Nam với diện tích trên 70.000 km2, có 280.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, với sản lượng tôm hàng năm khoảng 250.000 tấn, cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho 41 nhà máy chế biến thuỷ sản. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 1 tỷ USD/năm. So sánh với các cường quốc xuất khẩu tôm khác, Cà Mau có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ vào các sản phẩm giá trị gia tăng, các sản phẩm này giúp cho Cà Mau nhiều năm giữ vững thị phần tại các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc...

*Tại Nam Định: Ngày 15/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại nông sản an toàn năm 2024 nhằm tạo cơ hội quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh và các tỉnh trong khu vưc; liên kết giữa các doanh nghiệp với người sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao...

Chú thích ảnh
Các đại biểu khai trương Hội nghị xúc tiến thương mại nông sản an toàn tỉnh Nam Định năm 2024. Ảnh: Công Luật/TTXVN

Dịp này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Nam Định cũng tổ chức phiên chợ giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn và sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định. Phiên chợ thu hút 35 gian hàng, với hơn 1.000 sản phẩm an toàn, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng, miền của tỉnh Nam Định và các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Bắc.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Vũ Xuân Thủy nhấn mạnh, với vị trí ở trung tâm của vùng đồng bằng nam sông Hồng, Nam Định thuận lợi trong phát triển nông nghiệp. Những năm qua, triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn; năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng.

Cùng với việc sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, tỉnh đã tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các đối tượng cây trồng, con nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm; tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng thương mại, giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cùng các đại biểu tham quan các gian hàng nông sản được bày bán, giới thiệu tại Hội chợ. Ảnh: Công Luật/TTXVN

Để phát triển nền nông nghiệp bền vững, thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng hiện đại để không ngừng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; cải tiến mẫu mã đáp ứng nhu cầu thị trường; phát triển các ngành hàng chủ yếu gắn với việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm cho các nông sản chất lượng cao.

Cùng với đó, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao; chú trọng phát triển các sản phẩm chế biến từ các phụ phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng.

Hiện, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh không ngừng tăng cao cả về số lượng và chất lượng, không chỉ đáp ứng tiêu dùng trong tỉnh mà còn cung ứng cho các tỉnh, thành phố trong khu vực. Toàn tỉnh có gần 880 ngàn tấn lúa gạo/năm; trong đó, 85% là lúa chất lượng cao với nhiều giống đặc sản nổi tiếng như: Tám Hải Hậu, Tám Xuân Đài, Nếp Bắc Nghĩa Hưng; rau các loại 360 ngàn tấn/năm; thịt hơi xuất chuồng 197 ngàn tấn/năm; trứng gia cầm 454 triệu quả/năm; thủy sản 187,3 ngàn tấn/năm…Tính đến hết tháng 10/2024, tỉnh có 485 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, với 55 sản phẩm 4 sao và 430 sản phẩm 3 sao..

*Tại Khánh Hòa: Ngày 15/11, tại thành phố Nha Trang, Trung tâm Khuyến nông - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa tổ chức “Hội nghị liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị năm 2024” nhằm tăng cường kết nối giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân, hướng đến mục tiêu xây dựng một chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh cho nông sản của địa phương.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chuỗi liên kết sản xuất thời gian qua đã đem lại nhiều hiệu quả rõ rệt, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất rau quả và nuôi trồng thủy sản; các sản phẩm cung ứng qua các đại lý đạt chất lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, hội nghị lần này sẽ thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông, thủy sản giữa nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ hợp tác. Sự liên kết này sẽ giúp giải quyết tình trạng sản xuất manh mún, tăng cường sản lượng và chất lượng nông sản, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Theo ông Hoan, để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt đề án phát triển và mở rộng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2025.

Một trong những vấn đề nổi bật tại hội nghị là thảo luận về xây dựng đầu ra cho sản phẩm, tạo dựng thương hiệu nông sản, và quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP. Các đại biểu cũng đề xuất giải pháp kết nối cung cầu, tăng cường hợp tác sản xuất và kinh doanh, qua đó mở rộng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp tại Khánh Hòa.

Ông Chu Đức Hùng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho rằng, phát triển chuỗi thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều thách thức do thói quen sản xuất truyền thống và thiếu sự liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp và hộ dân.

Ông Hùng đề xuất tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm tại các khâu, đặc biệt là kiểm tra việc sử dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu địa phương để thu hút đầu tư và giảm thiểu rủi ro trong tiêu thụ.

Theo kế hoạch, Khánh Hòa sẽ phát triển 6 chuỗi cung ứng thực phẩm chủ lực gồm rau, củ, quả, xoài, bưởi da xanh, sầu riêng, mía và thịt lợn. Mục tiêu đến năm 2025 là phát triển và nhân rộng các mô hình chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn, với ít nhất 1 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ trong mỗi chuỗi. Đặc biệt, các sản phẩm chủ lực của tỉnh như sầu riêng, bưởi da xanh, xoài, tỏi và các sản phẩm thủy sản nuôi sẽ được kiểm soát an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, hướng đến mục tiêu xuất khẩu bền vững.

Kim Há - Nguyễn Lành - Anh Tuấn (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Trang bị kỹ năng cho nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
TP Hồ Chí Minh: Trang bị kỹ năng cho nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Xu hướng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử đang tăng rất nhanh, tuy nhiên sản phẩm nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trên các sàn này, chưa tương xứng với nhu cầu mua sắm của người dân thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN