Xây dựng mã QR, thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua nền tảng online

Tỉnh Bắc Giang xây dựng mã QRcode, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua nền tảng online, sàn thương mại điện tử.

Chú thích ảnh
Đoàn viên và thanh niên cùng các Tiktoker livestream bán vải thiều Bắc Giang. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn, tỉnh sẽ khuyến khích, đầu tư hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh thúc đẩy việc nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường theo hướng tuần hoàn khép kín; tăng cường đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông lâm thủy sản, đặc biệt là sản phẩm chủ lực, đặc trưng.

Bắc Giang cũng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu lớn Big Data, số hóa toàn bộ vùng sản xuất tập trung, sử dụng sổ nhật ký điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm (cấp mã số định danh cho trang trại, hộ chăn nuôi, mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói theo yêu cầu của thị trường tiêu thụ nông sản); tập trung hoàn thiện vận hành, khai thác có hiệu quả Trung tâm giám sát, điều hành quản lý bảo vệ rừng.

Cùng đó, địa phương xây dựng mã QRcode, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua nền tảng online, sàn thương mại điện tử. Kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh; xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn liền với sản phẩm ngành nghề nông thôn, sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, Bắc Giang đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động trẻ đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số theo hướng “trí thức hóa nông dân”; chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn với giải quyết việc làm. Hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã quan tâm đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và sản xuất nông nghiệp; mở rộng quy mô, diện tích sản xuất sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đưa cơ giới hóa vào các khâu của sản xuất nông nghiệp

Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện 135 đề tài nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; trong đó, 18 đề tài, dự án cấp quốc gia; 61 đề tài, dự án cấp tỉnh và 56 đề tài, dự án cấp cơ sở.

Tỉnh đã tổ chức trên 2.000 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hơn 120.000 lượt đoàn viên, hội viên, nông dân về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, ứng dụng cơ giới hóa, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Đến nay, tỉnh đã triển khai xây dựng được 1.520 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hiệu quả có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị. Sản phẩm từ các mô hình này có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và có giá trị sản xuất cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với sản xuất truyền thống.

Một số mô hình điển hình như: sản xuất rau, hoa, nấm trong nhà lưới, nhà màng, nhà lạnh; chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín; ứng dụng công nghệ sinh học di truyền trong chọn tạo giống vật nuôi; ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gia súc, gia cầm; công nghệ sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi; mô hình nuôi cấy mô cây giống lâm nghiệp...

Các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước và xuất khẩu, điển hình như: vải thiều, rau an toàn, rau chế biến, gà đồi, thịt lợn sạch.

Nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả được tỉnh mở rộng, đưa vào sản xuất như: Các giống lúa chất lượng cao (BC15, TBR 225, TBR 97, VNR20, Bắc Thơm số 7, Đài Thơm số 8, Thiên Ưu 8 và JO2); các giống ngô ngọt, ngô nếp; các giống dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột bao tử, dưa chuột Nhật; các giống cây ăn quả như Táo Đài Loan, ổi lai lê Đài Loan, bưởi Thanh Hà, bưởi Đỏ Tân Lạc, bưởi Da Xanh, cam V2, cam Xoàn, thanh long, na Thái, nhãn chín muộn, vải sớm Thanh Hà, các giống hoa và giống nấm cao cấp.

Việt Hùng (TTXVN)
Khẳng định rõ nét vai trò của mua sắm qua livestream
Khẳng định rõ nét vai trò của mua sắm qua livestream

Quý III/2024 đã khép lại đầy ấn tượng với vô vàn nội dung và xu hướng nổi bật trên nền tảng TikTok. Cùng với sự lên ngôi của làn sóng Shoppertainment, mua sắm qua livestream đã khẳng định rõ nét vai trò của mình đối với hoạt động thương mại và tiếp thị của doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà bán hàng địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN