Lồng nuôi cá biển công nghệ cao của Hợp tác xã Nuôi biển Cam Ranh là mô hình tiên tiến, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm hướng tới mục tiêu phát triển ngành nuôi biển tỷ USD của tỉnh Khánh Hòa.
Kinh tế tư nhân “vượt sóng, vươn xa”
Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân như một làn gió mới tạo sự hứng khởi và niềm tin phát triển mạnh mẽ đối với các nhà sản xuất, kinh doanh tư nhân ở Khánh Hòa trong tương lai.
Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, tỉnh Khánh Hòa vẫn xác định cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục là lực lượng tiên phong, đồng hành cùng địa phương trên hành trình hội nhập sâu rộng, đổi mới sáng tạo và phát triển. Tỉnh Khánh Hòa luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị trong việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư phát triển lâu dài.
Ở Khánh Hòa hiện nay, từ những trang trại nông nghiệp sản xuất theo phương pháp hữu cơ như vùng miền núi xã Tây Ninh Hòa, đến các hợp tác xã nuôi biển xa bờ, áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi biển theo hướng hiện đại, công nghệ cao…, các doanh nghiệp, người kinh doanh đều mang quyết tâm sản xuất, kinh doanh theo hướng nâng cao hiệu quả và gắn liền với bảo vệ môi trường.
Sự năng động của doanh nghiệp tư nhân, cùng với vai trò kiến tạo của Nhà nước, đang vẽ nên bức tranh đầy triển vọng cho một nền kinh tế năng động, bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, giải pháp và mong muốn của các chủ thể kinh tế tư nhân.
Trong những năm gần đây, kinh tế tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tăng trưởng, thuộc nhóm tăng trưởng cao trên cả nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng cân bằng, đa dạng hóa các động lực tăng trưởng; trong đó, sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần không nhỏ trong những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và môi trường Khánh Hòa, chỉ riêng chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã có 600 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó, có 1 sản phẩm đạt 5 sao; 2 sản phẩm có số điểm đánh giá đạt 5 sao; 85 sản phẩm đạt 4 sao; 512 sản phẩm đạt 3 sao.
Ngoài ra, các sản phẩm OCOP nổi bật có thể kể đến như những sản phẩm được sản xuất từ trầm hương, yến sào, đông trùng hạ thảo, xáo tam phân, xoài, sầu riêng, bưởi da xanh, hải sản các loại, sản phẩm chế biến từ nha đam, hành tỏi… mang giá trị cao, không chỉ tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước, mà còn có tiềm năng xuất khẩu khá lớn.
Ông Nguyễn Minh Thành, chủ trang trại nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn Sản Việt tại xã Tây Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, nói: "Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cả kinh tế tập thể lẫn kinh tế tư nhân đều đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, hỗ trợ, còn người dân; đặc biệt là các cá nhân, hộ gia đình sản xuất nhỏ chính là chủ thể trực tiếp. Tôi mong mô hình này tiếp tục được nhân rộng, trở thành bước đệm để tiến tới hình thành hợp tác xã kiểu mới, nơi kinh tế cá nhân và kinh tế tập thể cùng phát triển hài hòa".
Ông Thành còn nhận xét thêm, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là "cơ hội vàng để chúng tôi bứt phá" trong thời gian tới, vì từ sự chỉ đạo của Trung ương sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, giúp chúng tôi tiếp cận vốn ưu đãi và khuyến khích ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Lồng nuôi cá biển xa bờ của hợp tác xã nuôi biển Cam Ranh tại vùng biển 3-6 hải lý là mô hình tiên tiến, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm hướng tới mục tiêu phát triển ngành nuôi biển tỷ USD của tỉnh Khánh Hòa.
Trong lĩnh vực nông nghiệp ở Khánh Hòa, nuôi biển là ngành phát triển khá ngoạn mục trong thời gian qua, đặc biệt là nuôi tôm hùm và các loại cá biển như cá chẽm, cá bớp, cá chim vây vàng... Dựa vào những điều kiện tự nhiên thuận lợi, như vùng biển rộng lớn, chiều dài đường bờ biển gần 500 km, lại có nhiều vịnh biển như: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, Vĩnh Hy rất phù hợp để quy hoạch, bố trí các khu vực nuôi biển quy mô lớn, hiện đại.
Ông Lê Duy, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi biển công nghệ cao Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực nuôi biển và đang hướng tới những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi biển.
Ông Lê Duy chia sẻ về tiềm năng nuôi biển tại địa phương: Khánh Hòa có lợi thế tự nhiên với các vịnh sâu, kín gió như: Vân Phong, Cam Ranh, phù hợp cho nuôi biển công nghiệp quy mô lớn. Hợp tác xã tập trung vào các loài chủ lực có giá trị xuất khẩu cao như: cá chim vây vàng, cá bớp, tôm hùm.
Hợp tác xã ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại như lồng HDPE chịu sóng, hệ thống giám sát từ xa và tự động hóa. Ông Duy kỳ vọng Hợp tác xã góp phần đưa nuôi biển thành ngành kinh tế tỷ USD, theo định hướng Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Cùng với đó, Nhà nước ngày càng quan tâm phát triển nuôi biển, đặc biệt là các mô hình hợp tác xã. Hợp tác xã đã tiếp cận vốn ưu đãi, được tập huấn kỹ thuật từ Sở Nông nghiệp và Môi trường. Hợp tác xã cũng được hỗ trợ xúc tiến thương mại.
Để phát triển bền vững, ông Duy kiến nghị cần tiếp cận tín dụng dài hạn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ nuôi biển hở, và xây dựng các trung tâm đầu mối hạ tầng vùng nuôi. Ông Duy nhấn mạnh, cần hình thành liên kết bốn nhà để tạo chuỗi giá trị, với hợp tác xã đóng vai trò "hạt nhân tổ chức sản xuất".
Đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp
Mô hình trang trại hữu cơ tuần hoàn ở Khánh Hoà đang mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu.
Tỉnh Khánh Hòa xác định sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chuyển hẳn từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả.
Ông Huỳnh Tấn Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa khẳng định, Sở Công Thương luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để kinh tế tư nhân phát triển bền vững. Điều này đặc biệt trong bối cảnh Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 04/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân đã xác định khu vực này là động lực chính; đồng thời, nhận định rõ tiềm năng lớn và những giá trị hiện có từ các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh, các sản phẩm này có khả năng vươn ra thị trường quốc tế.
Theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và ứng dụng công nghệ cao. Điều này bao gồm việc khảo sát thực tế để nắm bắt nhu cầu thị trường, từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
"Chúng tôi đặc biệt chú trọng hỗ trợ dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình và doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất. Mục tiêu là nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới các sản phẩm đạt thương hiệu và chất lượng cao", ông Hải cho biết.
Mô hình trang trại hữu cơ tuần hoàn ở Khánh Hoà đang mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu.
Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục nâng cao Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Các giải pháp trọng tâm bao gồm đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, và tuyên truyền nâng cao nhận thức; đồng thời, sẽ kiện toàn hệ thống chỉ đạo thực hiện Chương trình.
Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm OCOP theo tiêu chí đánh giá. Sở cũng hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Công tác quảng bá và giới thiệu sản phẩm sẽ được đổi mới và đẩy mạnh. Đặc biệt, Sở sẽ đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường kết nối cung cầu. Việc xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch cũng được chú trọng, nhằm thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ thông qua khách du lịch và đa dạng hóa ngành du lịch Khánh Hòa. Sở cũng sẽ thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025.
Với sự định hướng rõ ràng từ Nghị quyết 68-NQ/TW, cùng với nỗ lực nội tại của doanh nghiệp và sự đồng hành, kiến tạo của Nhà nước, mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân thành động lực chính, góp phần vào sự vươn mình của tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới.