Liên quan đến việc triển khai các công việc liên quan đến việc bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia sau khi ký kết hợp đồng đặt hàng giữa Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng giám đốc VNR cho biết, theo hợp đồng trong vòng 5 ngày, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chuyển tạm ứng 50% giá trị hợp đồng khoảng hơn 1.400 tỷ đồng cho Tổng công ty.
“Đến thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải đã chuyển số tiền trên cho VNR và Tổng công ty đã đồng thời, triển khai ký hợp đồng kinh tế với 20 công ty bảo trì đường sắt cũng như đã chuyển tiền tạm ứng vốn cho các công ty này”, ông Hoàng Gia Khánh cho hay.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp này, số tiền tạm ứng đã được dùng để chi trả lương cho người lao động và chi trả tiền vật tư mà các đơn vị này đã phải tự ứng đưa vào công trình từ đầu năm đến nay. Đặc biệt, các công ty bảo trì đã bắt tay ngay vào các nội dung công việc chính liên quan đến quá trình quản lý, bảo trì, để đảm bảo an toàn hạ tầng, an toàn chạy tàu, đặc biệt trong mừa mưa bão sắp tới.
Về một số hạ mục hạ tầng đường sắt đang cấp bách phải bảo trì như cầu Long Biên mà báo chí đã phản ánh trước đó, ông Hoàng Gia Khánh cho biết, Tổng công ty đã có chỉ đạo Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải thực hiện ngay các công việc liên quan đến việc bảo trì, nhất là các hạng mục cần thiết để đảm bảo an toàn chạy tàu qua cầu Long Biên.
Theo đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, phạm vi hợp đồng đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bao gồm số lượng đặt hàng như sau: quản lý, bảo dưỡng thường xuyên; khắc phục hậu quả bão lũ và sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất khác đối với hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Thời gian thực hiện hợp đồng từ 00h00 ngày 1/1/2021 đến 24h00 ngày 31/12/2021.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm phải bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và theo quy định của pháp luật...
Theo đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và theo quy định của pháp luật; đảm bảo hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác.
Trước đó, TTXVN đã đưa tin, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 636/TTg-CN ngày 19/5/2021, chiều 24/5, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức ký hợp đồng đặt hàng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện toàn bộ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 với tổng giá trị hợp đồng là 2.821,9 tỷ đồng.
Liên quan đến việc thực hiện vốn bảo trì đường sắt năm 2021, từ đầu năm đến trước ngày 24/5/2021, do vướng mắc các quy định pháp luật và còn cách hiểu khác nhau về các quy định pháp luật này nên Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan được Bộ Giao thông Vận tải giao vốn chưa thể tiến hành ký hợp đồng đặt hàng với 20 doanh nghiệp bảo trì đường sắt. Việc này khiến các doanh nghiệp bảo trì đường sắt không được ứng vốn, gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ lương người lao động.