Cà Mau: Xây dựng mô hình 'Khu dân cư tự hào dùng hàng Việt Nam'

Năm 2022, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh xây dựng, hoàn thành ít nhất một mô hình “Khu dân cư tự hào dùng hàng Việt Nam”; đồng thời phát huy, nhân rộng các mô hình điển hình trong thực hiện Cuộc vận động ‘‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’’.

Chú thích ảnh
Trung tâm Thành phố Cà Mau. Ảnh minh họa: Thế AnhTTXVN

Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh có kế hoạch phối hợp chặt chẽ các cơ quan, đơn vị có liên quan, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động ‘‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt" theo Kế hoạch số 49 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau; thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; tuyên truyền sâu rộng, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia cuộc vận động, ưu tiên mua hàng hóa mang thương hiệu Việt.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau Phan Mộng Thành, cùng với nhiệm vụ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án của Chính phủ về “Phát triển thị trường trong nước” gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh quan tâm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khai thác và phát triển thị trường nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối hàng Việt. Bên cạnh đó, Cà Mau khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng mua sắm, tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia tổ chức các triển lãm thương mại, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn.

Cà Mau chủ động tăng cường liên kết, hợp tác phát triển công thương giữa Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh phát triển đa dạng kết cấu hạ tầng thương mại, bao gồm các loại hình chợ truyền thống ở thành thị, nông thôn và các loại hình thương mại hiện đại; triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển cơ sở bán buôn, bán lẻ tỉnh Cà Mau và Quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn tỉnh Cà Mau theo định hướng đến năm 2030.

Năm 2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”. Tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng 3 điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, xây dựng 5 cửa hàng tiện lợi gắn với hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và thực hiện đạt chuẩn tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tỉnh đã phối hợp tổ chức thành công 7 hội chợ thương mại, có 365 đơn vị tham gia với khoảng 530 gian hàng; qua đó thu hút được hơn 134.000 lượt khách tham quan, mua sắm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tỉnh hỗ trợ 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia giới thiệu, trưng bày 35 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng tại Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ - Cà Mau 2021 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau.

Ban Chỉ đạo các cấp ở Cà Mau tích cực vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới phương thức kinh doanh, tham gia mua, bán qua sàn thương mại điện tử tỉnh (madeincamau.com); phối hợp Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ 500.000 doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử (NewBiz), áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (POS, ví điện tử,…) và khai thác có hiệu quả các sàn giao dịch thương mại điện tử như: madeincamau.com, voso.vn, postmart.vn,…

Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh thường xuyên tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, đáp ứng đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc thực hiện như niêm yết giá, các hành vi buôn lậu, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đầu cơ găm hàng gây rối loạn thị trường và hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh, nhất là hàng hóa tiêu dùng lưu thông trôi nổi, trốn thuế, không rõ nguồn gốc.

Kim Há (TTXVN)
Hành động hưởng ứng Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'
Hành động hưởng ứng Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'

Bộ Công Thương vừa công bố Quyết định số 281/QĐ-BCT về việc ban hành Kế hoạch tăng cường triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN